Xét nghiệm CEA là gì?

30-09-2015 10:12 | Y học 360
google news

SKĐS - Đây là một xét nghiệm để theo dõi sự tái phát của ung thư đại tràng và các ung thư khác ở những người đã được chẩn đoán đã mắc bệnh ung thư, và theo dõi tái phát sau điều trị; đây không phải là xét nghiệm để tầm soát hay sàng lọc ung thư.

Hỏi: Tôi năm nay 40 tuổi, hút thuốc trung bình ngày khoảng 10 điếu thuốc, đau đại tràng mãn tính nhiều năm, điều trị lúc khỏi lúc tái lại, vừa qua đi khám sức khỏe, bác sĩ chỉ định rất nhiều xét nghiệm; đặc biệt có xét nghiệm CEA nồng độ cao hơn bình thường (4,5 mcg/L). Bác sĩ giải thích nồng độ xét nghiệm này cao thường gặp trong ung thư, trong hút thuốc lá. Tôi thật lo lắng, rất mong được giải thích giúp xét nghiệm CEA là gì, gặp trong những bệnh nào, nồng độ bình thường là bao nhiêu?

(Minh P. - Q9. TP.HCM)

Trả lời: Xét nghiệm CEA là xét nghiệm viết tắt từ Carcinoembryonic antigen, là protein được tìm thấy trong mô của một bào thai phát triển trong tử cung; nồng độ trong máu của protein này biến mất hoặc giảm xuống rất thấp sau khi sinh. Đây là một xét nghiệm để theo dõi sự tái phát của ung thư đại tràng và các ung thư khác ở những người đã được chẩn đoán đã mắc bệnh ung thư, và theo dõi tái phát sau điều trị; đây không phải là xét nghiệm để tầm soát hay sàng lọc ung thư.

Xét nghiệm CEA là gì?

Bình thường nồng độ CEA giới hạn từ 0 - 2.5mcg trong 1 lít máu (mcg/L), giới hạn bình thường có thể thay đổi giữa các phòng xét nghiệm khác nhau; ở người hút thuốc, nồng độ CEA tăng có thể tăng giới hạn bình thường đến 5 mcg/L. Nồng độ CEA cao ở một người đã được điều trị ung thư trước đó một thời gian ngắn có thể có nghĩa là ung thư đã tái phát. Cao hơn mức bình thường có thể là do các ung thư như: ung thư vú, ung thư hệ sinh dục và tiết niệu, ung thư đại tràng, ung thư phổi, ung thư tuyến tụy, ung thư tuyến giáp. Ngoài ra, nồng độ CEA cũng tăng trong một số nguyên nhân khác như: viêm túi mật, xơ gan và bệnh gan khác, viêm túi thừa, nghiện thuốc lá, bệnh lý viêm nhiễm ở ruột như viêm loét đại tràng, viêm phổi, viêm tụy, loét dạ dày.

BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG

 


Ý kiến của bạn