Ngày 25/1/2024, Cục Phòng chống HIV/AIDS phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức Hội thảo ‘Chia sẻ kinh nghiệm về cung cấp, sử dụng xét nghiệm tải lượng HIV, CD4 trong theo dõi điều trị thuốc ARV’, nhằm cập nhật kết quả xét nghiệm tải lượng HIV, CD4 trong theo dõi điều trị HIV và xác định các khó khăn, vướng mắc trong việc cung cấp dịch vụ; đưa ra giải pháp trong việc cung cấp các xét nghiệm trên cho người nhiễm HIV đang được điều trị thuốc kháng HIV (thuốc ARV), tại các cơ sở điều trị HIV của 10 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Sơn La, Lạng Sơn, Nghệ An, Yên Bái, Thanh Hóa, Lai Châu và Đà Nẵng.
ThS. Võ Hải Sơn, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, nước ta đang trong tiến trình triển khai các can thiệp nhằm hướng đến kết thúc bệnh dịch AIDS vào năm 2030. Đến nay chúng ta đã đạt được các kết quả rất đáng khích lệ, cụ thể:
- Đạt 89% đối với mục tiêu 90 thứ nhất (90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình)
- Đạt 80% đối với mục tiêu 90 thứ 2 (90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV) với việc điều trị ARV cho trên 178.000 người nhiễm HIV.
- Đạt 98% đối với mục tiêu 90 thứ 3 (90% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát), vượt chỉ tiêu. Theo đó, tỷ lệ người bệnh điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế đã liên tục duy trì trên 95% qua các năm. Năm 2023, lần đầu tiên độ bao phủ xét nghiệm tải lượng HIV đạt trên 80%, tỷ lệ người bệnh có tải lượng dưới ngưỡng ức chế tiếp tục được duy trì trên 98%.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, khi tải lượng HIV dưới 1000 bản sao/ml thì gần như người nhiễm HIV không làm lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục. Vì vậy, kết quả 98% người nhiễm HIV điều trị có tải lượng dưới ngưỡng ức chế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc làm giảm tình trạng lây nhiễm HIV tại Việt Nam, khi mà lây truyền qua quan hệ tình dục đang trở thành đường lây truyền chính hiện nay tại Việt Nam.
Để đạt được điều trị ARV đảm bảo chất lượng và hiệu quả cao, việc triển khai xét nghiệm CD4 để phát hiện sớm tình trạng HIV tiến triển, thực hiện xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ là rất cần thiết.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều vấn đề trong việc thực hiện các xét nghiệm này. Độ bao phủ xét nghiệm tải lượng HIV mặc dù đạt được 80% nhưng vẫn chưa đáp ứng chỉ tiêu của Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo. Thời gian trả kết quả xét nghiệm vẫn còn chậm, có nơi kéo dài trên 1 tháng (mặc dù quy định là sau 05 ngày làm việc thì cơ sở xét nghiệm cần trả kết quả cho cơ sở điều trị). Tỷ lệ người bắt đầu điều trị ARV được xét nghiệm CD4 vẫn ở mức thấp.
Tại Hội thảo, Phó cục trưởng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận vào các nội dung:
- Xác định các vấn đề, vướng mắc trong việc thực hiện xét nghiệm tải lượng HIV, xét nghiệm CD4 tại từng địa phương, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến việc sử dụng quỹ BHYT chi trả cho các xét nghiệm này.
- Xác định các giải pháp cụ thể tháo gỡ các vấn đề. Giải pháp nào thuộc thẩm quyền của cơ sở y tế, giải pháp nào thuộc thẩm quyền của CDC, của Sở Y tế; chính sách, hướng dẫn cụ thể nào cần được ban hành để tháo gỡ các rào cản đó.
- Từng bước thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc trả kết quả xét nghiệm, sử dụng kết quả xét nghiệm trong việc triển khai các can thiệp cải thiện chất lượng điều trị ARV.
Tải lượng virus là số lượng virus HIV có trong cơ thể. Xét nghiệm tải lượng virus là đo số lượng bản sao HIV trong một mililit máu. AIDS là giai đoạn nhiễm HIV tiến triển nhất, đạt tải lượng virus cao nhất. Trong khi số lượng CD4 là một chỉ số về tình trạng miễn dịch thì tải lượng virus được cho là thước đo quan trọng đánh giá kết quả điều trị bằng thuốc kháng virus.
Tải lượng virus HIV giúp tiên lượng bệnh sẽ tiến triển như thế nào. Càng có nhiều HIV trong máu (đồng nghĩa với việc tải lượng virus cao), thì số lượng tế bào CD4 trong cơ thể bạn sẽ giảm càng nhanh và nguy cơ mắc bệnh do HIV càng cao.
Mời độc giả xem thêm video:
Phát Huy Vai Trò Của Các Nhóm CBO Trong Phòng Chống HIV/AIDS Cho Nhóm MSM |SKĐS