Chị Chu Thị Thủy, giám định viện Khoa Y Sinh học - Viện pháp y quốc gia cho biết, có nhiều câu chuyện khiến các nhân viên giám định luôn phải đối diện với biết bao điều ám ảnh.
“Ông không phải là bố tôi”
Hai vợ chồng anh Nguyễn Nhật Minh (tên nhân vật đã được thay đổi) sống tại Hà Nội. Hai vợ chồng anh Minh cưới nhau được 5 năm, chạy chữa mãi, vợ anh mới sinh cho anh một đứa con trai. Cả gia đình anh mong mỏi bao nhiêu thì ngày vợ anh sinh, gia đình anh hạnh phúc bấy nhiêu. Đứa bé sinh ra kháu khỉnh, đáng yêu và khỏe mạnh. Ông, bà nội, vợ chồng anh dồn hết tình thương cho bé. Con được 5 tuổi là lúc gia đình gặp khó khăn. Mẹ anh Minh bị đột quỵ nằm một chỗ, bố anh cao huyết áp, công việc của anh không ổn định, thu nhập của gia đình vì thế mà trở nên eo hẹp. Vợ anh trở nên khó tính, hay cáu bẳn với anh.
Thời gian khó khăn này, vợ anh hay đi sớm về muộn. Hàng xóm nói ra nói vào loáng thoáng cô ngoại tình. Anh nói chuyện với vợ về chuyện thời gian đi làm bất thường của cô và những lời nói xa gần của hàng xóm. Vợ anh to tiếng với anh và đòi ly hôn. Anh bàng hoàng, nhưng tính sĩ diện của đàn ông nổi lên anh đồng ý ly hôn với vợ luôn, nhưng con trai để anh nuôi. Cô vợ sửng cồ “thằng Bi không phải là con anh nên không cần anh có trách nhiệm nuôi nó”. Anh ngã quỵ, không tin vào những gì mình vừa nghe thấy. Ngày sau đó, hai vợ chồng anh làm thủ tục ly hôn ra tòa và yêu cầu tòa xét nghiệm ADN để phân định quyền nuôi dưỡng đứa trẻ.
Hôm đại diện tòa án đến Khoa Y - Sinh học làm thủ tục giám định ADN cho bố - con cho anh để làm thủ tục ly hôn. Cán bộ khoa nhìn thấy hình ảnh người đàn ông đã có tuổi nhìn dáng vẻ mệt mỏi (đó là bố của anh đi theo để trực tiếp chứng kiến), còn có anh, cô vợ, và đứa trẻ. Anh đến viện lấy mẫu sinh phẩm xét nghiệm, dáng vẻ vô cùng mệt mỏi, khuôn mặt đờ đẫn, đôi mắt vô hồn. Đứa trẻ ngồi im, khuôn mặt u buồn.
Hai ngày sau, anh và đại diện tòa án đến lấy kết quả xét nghiệm ADN. Anh đọc dòng kết luận: “Ông Nguyễn Văn A không có quan hệ huyết thống bố - con với cháu Nguyễn Minh K”, anh thẫn thờ, ngồi im một lúc mới lên tiếng với đại diện bên tòa án: “Chị P ơi, nếu thằng Bi không phải là con ruột của em thì em không còn quyền nuôi dưỡng nó nữa à chị, bố, mẹ em bệnh tật chỉ còn niềm vui duy nhất là thằng Bi mà giờ kết quả như này không biết mẹ em có sống nổi không?”.
Sự thật đắng lòng
Chị Chu Thị Thủy kể về câu chuyện khác, một hôm có hai anh, chị cũng luống tuổi cùng với cậu con trai 15 tuổi đến Khoa Y - Sinh học để làm thủ tục xét nghiệm ADN, xác định mối quan hệ huyết thống bố - con. Ngày đến lấy kết quả xét nghiệm ADN, người bố đã bị sốc khi nhìn vào bản kết quả có dòng in đậm: “Ông Phạm Văn K không có quan hệ huyết thống bố - con với cháu Lê Minh T”.
Anh ngồi băn khoăn mãi mới dám nói chuyện với nhân viên giám định. Anh kể: Chị hôm trước là người yêu cũ của anh, chị không có gia đình . Khi chị sinh thằng T, chị nói với anh là thằng T là con anh. Còn Anh đã có gia đình, nên khai sinh T không mang họ anh mà T vẫn mang họ mẹ nhưng anh qua lại chăm sóc T từ bé. Bây giờ T đã lớn, hiểu chuyện, về phía anh đã nói chuyện với gia đình anh về T, bố mẹ anh muốn anh làm thủ tục đổi họ cho T mang họ anh. Bây giờ kết quả xét nghiệm lại không phải quan hệ huyết thống bố - con, anh sợ con trai tinh thần không ổn định, bây giờ nó đang tuổi hình thành tính cách, anh không muốn con biết được kết quả này. Anh ấy đặt vấn đề với chúng tôi, muốn làm kết quả xét nghiệm ADN mà kết luận có quan hệ huyết thống cha - con giữa anh và cháu T được không.
Xét nghiệm ADN được ứng dụng trong việc xác định huyết thống
Chị Thủy cho biết: “Bản thân mỗi giám định viên chúng tôi ký vào bản kết luận giám định ADN là phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với kết quả chúng tôi đưa ra. Đạo đức nghề nghiệp không cho phép chúng tôi làm trái với nguyên tắc trong nghề. Chúng tôi khuyên anh, chuyện quan hệ bố con của anh và cháu T nên tôn trọng sự thật, bởi mọi sự giả dối đều không đưa đến một kết cục tốt đẹp. Còn tình cảm anh giành cho cháu T không vì bản kết luận giám định ADN mà thay đổi. Anh đã gieo hạt giống tốt, ắt có ngày anh sẽ có trái ngọt”.