Sáng nay, tại công viên Thống Nhất, trong khuôn khổ Hội sách lớn chào mừng Ngày sách Việt Nam (21-24/4/2016), NXB Kim Đồng đã tổ chức cuộc giao lưu với nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Nhà văn Di Li làm MC của cuộc giao lưu nhân ra mắt Tuyển thơ Trần Đăng Khoa này. Sau buổi giao lưu, rất đông độc giả đã mua thơ và kiên nhẫn xếp hàng chờ xin chữ ký của tác giả tại gian hàng của NXB Kim Đồng, trong cái nắng đầu hè oi bức - một hình ảnh chỉ thấy trong thời bao cấp ở Việt Nam với những món hàng phân phối theo tem phiếu…
Nói về Tuyển thơ mới này, nhà thơ Trần Đăng Khoa hài hước : Sau khi cuốn này in ra, tôi… không còn gì nữa, trở thành rỗng tuyếch. Đây là cuốn tuyển thơ đẹp nhất, đầy đủ nhất của tôi. Nó chính là một cuốn sách kép, có đến vài cuốn sách lồng trong cuốn sách này. Mọi bí mật “bếp núc” nghề thơ đều bị phanh phui.
Tại cuộc giao lưu, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã kể nhiều chi tiết “lần đầu tiên tiết lộ” với số đông. NXB Kim Đồng cũng chính là cầu nối để đưa nhà thơ thần đồng bước vào thế giới văn chương, với việc là NXB đầu tiên in tác phẩm của ông và liên tục cho đến nay, luôn là một trong những sự lựa chọn đầu tiên của ông mỗi khi có tác phẩm mới, phù hợp.
Tủ sách cấm - cánh cửa mở ra với thế giới của cậu bé Trần Đăng Khoa
Tủ sách nhà Trần Đăng Khoa có hàng vạn cuốn, do ông anh dạy học tận Quảng Ninh sắm dần. Ông anh thường chọn sách cho em trai đọc. Hầu hết đó là những cuốn sách về kỹ thuật : Dạy làm hố xí/ làm chuồng lợn… Toàn là những : “Anh không tham bạc tham vàng/ Chỉ mê nhà nàng có hố xí hai ngăn (?!)
Chìa khóa tủ sách thật sự của ông anh được giấu trong pho tượng Macxim Gorki rỗng. Cậu bé Khoa đã lục được chìa khóa và khám phá trong tủ sách có một khoang riêng đề bên ngoài là Tủ sách cấm. Mở kho, cậu hoa mắt với cả kho tàng văn hóa đồ sộ so với thời đó. Nào là Đỏ và đen, Chuyện núi đồi và thảo nguyên, Thi nhân Việt Nam, Bỉ vỏ, Số đỏ… “Ngay từ lúc còn là trẻ con, tôi đã đọc toàn bộ những tác phẩm đó. Đó chính là cánh cửa mở ra với thế giới của một cậu bé chưa từng bước ra khỏi lũy tre làng. Nhiều người hỏi tôi về bí quyết làm thơ. Tôi không có “bí kíp” gì ngoài việc duy nhất là đọc sách”- nhà thơ cho biết.
Trần Đăng Khoa đặt tên tập thơ đầu tay của mình là Từ góc sân nhà em, cũng là do … bắt chước cách đặt tên tập thơ Từ ấy của nhà thơ Tố Hữu.
Làm vài trăm bài thơ mới biết rằng : Thơ là cần phải hư cấu
Chưa đầy 10 tuổi, Trần Đăng Khoa đã viết hơn 200 bài thơ. Chưa bao giờ Khoa làm thơ bởi do sự xúc động rưng rưng - “Thậm chí tôi rất ngạc nhiên khi nghe những người làm thơ khác nói về điều này”- ông nói. Khoa có thể làm thơ bất cứ lúc nào, viết nhanh và giản dị theo lối tả thực : Vườn em có một luống khoai/ Có hàng chuối mật với hai luống cà/ Em trồng thêm một cây na/ Lá xanh vẫy gió như là gọi chim”. Lúc đó ai bảo làm thơ về cái gì là Khoa sẵn sàng ứng tác ngay, kiểu như bài thơ Vườn em như vậy. Bởi vậy nên mới có chuyện khi bị mất chó, Khoa viết bài thơ Sao không về hả chó. Khi bài thơ được gửi in báo Văn nghệ, đã được sửa thành Sao không về Vàng ơi. Lập tức cậu bé làm thơ thấy rằng bài thơ đã hay lên rất nhiều, tuy nhiên cậu đã không thể viết thế, không thể gọi con chó nhà mình là “Vàng ơi”, đơn giản bởi nó là con Mực, toàn thân đen thui. Hoặc giả, trong bài Ảnh Bác, thoạt đầu Khoa viết : Nhà em treo ảnh Bác Hồ/ Dưới là một cái bàn thờ đỏ tươi vì ở nhà cậu bé Khoa lúc đó, ảnh Bác được ghim bằng gai của cây bưởi vào vách đất, trên bàn thờ, có phủ vải nhựa đỏ. Bài thơ khi in trên báo Thiếu niên tiền phong đã được người biên tập sửa thành : Bên trên là một lá cờ đỏ tươi. Cậu bé Khoa thấy như thế là hay hơn vì Bác Hồ suốt đời gắn bó với Tổ quốc nên ảnh Bác đi với lá cờ là hợp lý. Mặc dù câu thơ này không đúng với sự thực, vì nhà cậu không có lá cờ.
Từ hai ví dụ tiêu biểu trên, cậu bé làm thơ Trần Đăng Khoa tự “vỡ” ra bài học đầu tiên trong cuộc đời làm thơ : Thơ không phải cứ thấy gì ghi nấy, mà cần phải “điệu một tí”. Viết về những cái không có thật nhưng còn thật hơn cả sự thật là thế. Đó chính là ý thức về việc dựng chi tiết và hư cấu trong công việc sáng tác.
Độc giả xếp hàng mua Tuyển thơ Trần Đăng Khoa tại Hội sách 2016
Gia tài ngoài thơ của Trần Đăng Khoa
Điều này thì nhiều người đã biết, Khoa viết tiểu thuyết và phê bình văn học, đều có dấu ấn. Cuốn Chân dung và đối thoại của anh vừa ra mắt đã ngay lập tức trở thành một “hiện tượng văn học” vốn đang rất buồn tẻ của đời sống văn học vào cuối những năm 1900. Đó là dấu hiệu mở đầu cho sự “trở dạ” của văn học khi chuẩn bị bước sang những năm 2000? Tại cuộc giao lưu sáng nay, nhà văn Nguyễn Văn Thọ khẳng định đó là một cú đột phá dữ dội của Khoa. Anh đã không giẫm chân vào lối mòn của nhiều nhà phê bình văn học thời bấy giờ, khi họ chủ yếu đánh giá tác phẩm theo lối hàn lâm, phần đông là một chiều. Khoa đã đưa lên “bàn mổ” cả những tượng đài văn học. Tuy nhiên, cái chất giễu nhại, u-mua tiềm tàng trong văn Khoa nếu như đọc sách với tâm thế trong sáng, người đọc cảm thấy thú vị vì sự chính xác, độc đáo chứ không hằn học, kết án, không … dìm ai cả.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ hồi nhớ, khoảng năm 1996 tòa soạn báo Văn nghệ có mở một cuộc nôm na là phê bình Trần Đăng Khoa sau khi cuốn Chân dung và đối thoại xuất bản. Lúc đó nhà thơ đã nói một câu “ăn vào tim” Nguyễn Văn Thọ khiến anh nhớ đến tận bây giờ : Vàng mã mà đốt là cháy sạch, còn vàng mười thì càng thiêu trong lửa càng sáng. Trần Đăng Khoa tự tin tác phẩm của mình là ‘vàng mười” và thực tế đã chứng minh điều đó.
Trong cuốn Chân dung và đối thoại, nhà thơ Trần Đăng Khoa có nói về chi tiết : Nhà thơ Tố Hữu viết bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên trong lúc chưa từng đến Điện Biên. Nhiều người cho là Khoa “hạ” tác giả của Từ ấy. Nhưng anh đáp trả : Hiểu như thế là thiển cận. Bài thơ của Tố Hữu như một trang sử về Điện Biên, cho người đọc một hình dung toàn cảnh. Thời gian ư - Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm. Thời tiết ư - Mưa dầm cơm vắt/ máu trộn bùn non (cho thấy chiến dịch diễn ra vào mùa mưa). Các phương tiện vận tải ư - Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ… Có bao nhiêu người đã đến Điện Biên, mà khắc họa được sắc nét và đầy xúc động như nhà thơ Tố Hữu ? Đôi cánh bay bổng của trí tưởng tượng cộng với những hiểu biết về hiện thực đã cho ra đời những vần thơ sống mãi cùng năm tháng.
Về cuốn tiểu thuyết Đảo chìm của Trần Đăng Khoa, tại cuộc giao lưu, nhà văn Nguyễn Văn Thọ chia sẻ : Năm 2000, tôi tình cờ có được cuốn sách khi đang còn bôn ba buôn bán làm ăn bên Đức. Phản xạ ban đầu của tôi là không đọc. Khó tin là Khoa có thể xuất sắc trong cả thơ và văn xuôi. Nhưng rồi có một hôm… ế hàng, tôi lôi cuốn sách ra đọc, với ý nghĩ : Đọc để xem nó viết… không hay như thế nào. Tôi đã đọc Đảo chìm giữa trời băng tuyết gió ù ù thổi, thỉnh thoảng bị ngắt quãng bởi những bà già vào hàng hỏi mua một cái áo lót. Thế rồi, tôi liên tục phải gạt nước mắt, để có thể ngẩng lên trả lời khách mua hàng. Hóa ra Khoa viết văn xuôi rất hiện đại, dung dị mà sâu sắc. Bên cạnh đó, Khoa đã sử dụng rất tài cái tiếng cười của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ trong tác phẩm. Ví như khi Khoa tả về vị tướng xuất thân nông dân, coi những người lính như con mình- thật sự xúc động. Có thể nói, Trần Đăng Khoa là một nhà đại tài về ảo thuật trong ngôn ngữ, là một nhà văn hóa có kích cỡ lớn.
Ở hàng ghế khán giả, tôi nhìn thấy, nhiều người tham gia buổi giao lưu đứng lên mua tiểu thuyết Đảo chìm (tái bản) ở bàn bán sách kê sát cạnh đó, sau khi nghe những lời hùng hồn của nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Phải chăng đó cũng là một chi tiết các nhà làm sách không nên bỏ qua ? Độc giả thực ra không quay lưng lại với văn học, không có vấn đề về văn hóa đọc như lo lắng bấy lâu của nhiều người, miễn là các nhà laàm sách tìm được con đường để “show” với công chúng những giá trị đích thực ?