Xem xét thí điểm thả muỗi Wolbachia giảm thiểu sốt xuất huyết ở phía Nam

28-08-2017 07:49 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngày 25/8/2017, tại Viện Pasteur TP.HCM, PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã tiếp đoàn nghiên cứu Úc do GS. Scott O’Neill (ĐH Monash) nhằm nghe các chuyên gia Úc trình bày dự án thí điểm mô hình thả muỗi mang Wolbachia pipientis - một loại vi khuẩn có trong tự nhiên, ngăn ngừa sự lây truyền của virus dengue từ muỗi truyền bệnh Aedes aegypti sang người.

Tham gia buổi làm việc này còn có đại diện của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng TP.HCM.

Theo GS. Scott, ông hy vọng sẽ được triển khai mô hình thí điểm này tại một địa phương ở phía Nam, với quy mô khoảng 300.000 dân. Qua đó, ông hy vọng sẽ chứng minh được tính hiệu quả và an toàn của biện pháp sinh học này ở một nơi gần như là trọng điểm sốt xuất huyết của Việt Nam.

PGS. Kim Tiến nhấn mạnh, “Đại diện cho ngành y tế Việt Nam, tôi rất hoan nghênh các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đang tìm kiếm các phương pháp mới phòng chống dịch bệnh, trong đó có dịch sốt xuất huyết. Tôi ủng hộ việc các nhà khoa học Úc mong muốn tiếp tục nghiên cứu triển khai thí điểm và đánh giá hiệu quả phương pháp ngăn ngừa muỗi Aedes aegypti nhằm phòng chống bệnh sốt xuất huyết bằng muỗi mang Wolbachia. Tuy nhiên, việc triển khai như thế nào tại địa phương, nhóm nghiên cứu còn cần phải có sự chấp thuận của UBND các tỉnh và tuân theo những quy định cụ thể của Hội đồng y đức.”

Chương trình này của GS Scott được tài trợ từ nguồn kinh phí của Quỹ Bill & Melinda Gates, và Quỹ Wellcome Trust. Dự án này đã được triển khai ở nhiều nơi trên thế giới như Indonesia, Mexico, Úc… Cho đến hiện tại, nhóm nghiên cứu vẫn chưa tìm ra bằng chứng cho thấy nguy cơ như lây lan sang người và động vật.

Đặc biệt, trong 6 năm trở lại đây, tại phía Bắc nước Úc, khi có những chương trình phun xịt hóa chất để tiêu diệt quần thể muỗi hoang dại và cả quần thể muỗi Wolbachia, nhóm nghiên cứu nhận thấy, sau đó quần thể muỗi hoang dại còn chết nhiều hơn, và hỗ trợ thiết lập lại quần thể muỗi Wolbachia tốt hơn.

Ở Việt Nam, được sự chấp thuận của Bộ Y tế và UBND tỉnh Khánh Hoà, với sự tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật của Đại học Monash, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương là đơn vị chủ trì thực hiện dự án, phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, Tổ chức Quỹ Úc vì Nhân dân Châu Á và Thái Bình Dương (AFAP) và Đơn vị nghiên cứu Lâm sàng thuộc Đại học Oxford (OUCRU) tại Việt Nam đã triển khai mô hình thử nghiệm thả muỗi Aedes aegypti mang Wolbachia tại đảo Trí Nguyên, TP. Nha Trang từ tháng 4/2013.

Mô hình thử nghiệm này nhằm đánh giá khả năng thay thế quần thể muỗi Aedes aegypti tự nhiên của quần thể muỗi Aedes aegypti mang vi khuẩn Wolbachia trong môi trường tự nhiên. Bước đầu, mô hình này đã mang lại kết quả khả quan. Dự kiến sắp tới, nhóm nghiên cứu được UNBD tỉnh Khánh Hòa cho phép thả muỗi Wolbachia trong đất liền, xã Vĩnh Lương.


An Quý
Ý kiến của bạn