Xem phim Sex Education, khán giả thấy một cách tiếp cận táo bạo và đầy nhân văn về những chủ đề học đường vốn thường bị né tránh, từ cơ thể, cảm xúc đến những bối rối rất thật của người trẻ trên hành trình khám phá bản thân.

Loạt phim Sex Education mở ra những góc nhìn chân thực và đầy cảm xúc về thế giới tuổi trẻ.
Ở mùa cuối cùng, nhân vật Otis – cậu thiếu niên vụng về do Asa Butterfield thủ vai, cùng nhóm bạn chuyển đến ngôi trường mới mang tên Cavendish, nơi mọi thứ đều được xây dựng trên tinh thần "tiến bộ".
Nhưng chính tại môi trường tưởng chừng lý tưởng này, các nhân vật lại đối mặt với những thử thách sâu sắc hơn: yêu xa, niềm tin tan vỡ, ký ức cũ ùa về, tất cả đều đòi hỏi sự trưởng thành không chỉ về cảm xúc, mà còn về lòng bao dung.
Trên chương trình Pop Culture Happy Hour của Đài phát thanh quốc gia Mỹ (NPR), ba nhà phê bình Cate Young, Priya Krishna và Jeffrey Masters đã có cuộc trò chuyện đầy cảm xúc về loạt phim này. Họ không chỉ là khán giả trung thành mà còn là những người tìm thấy sự phản chiếu bản thân qua từng nhân vật.
Cate Young xúc động thừa nhận: "Tôi đã khóc rất nhiều khi xem mùa cuối. Tôi thích cách mà các nhân vật đã trưởng thành. Họ sai, họ xin lỗi, họ học cách làm lại. Trong một thế giới dễ đánh giá và khắc nghiệt, lựa chọn sống tử tế thật sự là một hành động dũng cảm".
Với nhà văn Priya Krishna, Sex Education là một luồng gió mới so với những phim tuổi teen kinh điển kiểu Mỹ. "Nó không chỉ toàn nhân vật da trắng, không gói gọn trong khuôn mẫu dị tính và cũng không tô vẽ sự hoàn hảo giả tạo", cô nhận xét. Nhân vật Vivienne, cô gái thông minh, cầu toàn nhưng dễ tổn thương, khiến Priya đồng cảm sâu sắc: "Tôi từng là một Vivienne và tôi biết cảm giác ấy cô đơn đến nhường nào".

Ncuti Gatwa trong phần 4 của Sex Education.
Jeffrey Masters, người dẫn podcast LGBTQ&A, lại nhắc đến Aimee, cô gái từng trải qua quấy rối tình dục, như một điểm sáng của mùa phim. "Phim không vội vàng "chữa lành" cho Aimee. Họ để cô ấy vật lộn, bối rối và tự tìm lại chính mình một cách chân thật đến đau lòng. Diễn xuất của Aimee Lou Wood thật sự thuyết phục và đầy sức nặng".
Một cảnh khiến cả ba người trò chuyện không thể quên là khi Aimee kể về việc chôn trang sức của mẹ mỗi khi buồn, một hành động kỳ quặc nhưng chất chứa cả một hành trình nội tâm. Khi bị gọi là "kỳ lạ", cô thản nhiên đáp: "Tôi nghĩ điều đó thật ngốc" và được đáp lại bằng một câu nói nhẹ nhàng nhưng đầy sức mạnh: "Không, điều đó nghĩa là bạn là chính bạn".
Bên cạnh câu chuyện cá nhân, Sex Education còn khéo léo đan cài những chủ đề khó nhằn như kỳ thị trong tôn giáo, trầm cảm sau sinh, hay người khuyết tật.
Không kịch tính hóa, không giáo điều, Sex Education đơn giản ghi nhận sự tồn tại của những vấn đề ấy và trao cho chúng một không gian được lắng nghe.
Khi được hỏi liệu Sex Education có "ôm đồm" quá nhiều chủ đề, Cate Young thẳng thắn: "Tôi nghĩ phim đã rất thành công. Họ không cố gắng giải quyết mọi chuyện, mà chỉ nhắc nhở người xem rằng: những điều này là thật và đáng để lắng nghe".
Ở chặng cuối, Sex Education không còn đơn thuần là một bộ phim về tình yêu tuổi học trò hay những khám phá giới tính. Nó là một tấm bản đồ cảm xúc, nơi người trẻ được phép sai, được phép tổn thương, nhưng trên hết, được học cách đối xử tử tế với người khác và với chính mình.