Hà Nội

Xem phim được nhận tiền, chuyên gia cảnh báo bẫy lừa đảo nhiều người mắc

21-10-2024 12:52 | Xã hội
google news

SKĐS - Xem phim, lướt mạng xã hội, nhấn like, share… là có ngay vài trăm ngàn cho một ngày. Hình thức lừa đảo này đã xảy ra từ khoảng ba năm nay khiến cho nhiều người sập bẫy.

Tạo vỏ bọc có mối quan hệ với người có quyền lực, 9x Quảng Ninh lừa đảo trên 40 tỷ đồngTạo vỏ bọc có mối quan hệ với người có quyền lực, 9x Quảng Ninh lừa đảo trên 40 tỷ đồng

SKĐS - Tạo vỏ bọc có mối quan hệ thân thiết trong và ngoài nước để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xuất khẩu lao động... 9X Nguyễn Thị Hồng (Hạ Long, Quảng Ninh) đã lừa đảo, chiếm đoạt số tiền trên 43 tỷ đồng của nhiều người.

Lừa đảo bằng lời mời xem phim được trả phí

Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TP Hà Nội mới đây phát đi cảnh báo thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới thông qua cách thức mời xem phim online và bình chọn được trả phí.

Cụ thể, đầu tiên đối tượng làm quen với nạn nhân trên mạng xã hội Facebook, giới thiệu tải ứng dụng mạng xã hội Telegram để xem phim online và bình chọn được trả phí. Tiếp theo, khi có tài khoản mạng xã hội Telegram, đối tượng gửi kết bạn và nhắn tin hướng dẫn quy trình sử dụng dịch vụ kiếm tiền. Đồng thời, đối tượng sẽ gửi một đường link, hướng dẫn đăng nhập tài khoản và truy cập vào một trang web để xem phim, làm nhiệm vụ.

Xem phim được nhận tiền, chuyên gia cảnh báo bẫy lừa đảo nhiều người mắc- Ảnh 2.

Nhiều người mắc bẫy chiêu lừa xem phim được nhận tiền.

Sau khi nạn nhân xem xong phim, tiến hành bình chọn, một số tiền nhỏ được trả vào tài khoản đăng ký của nạn nhân. Qua các lượt bình chọn tiếp theo, số tiền được trả tăng lên dần, lúc này các đối tượng sẽ dẫn dụ nạn nhân nạp tiền vào tài khoản tích lũy.

Sau khi hoàn thành các yêu cầu do đối tượng đưa ra, lúc này hệ thống báo nhập sai dữ liệu và yêu cầu muốn rút tiền về thì phải nạp số tiền bù trừ dữ liệu là hàng chục triệu đồng. Đây là các lý do được đối tượng lừa đảo đưa ra để bị hại nạp thêm tiền. Với suy nghĩ chỉ có cách nạp thêm tiền thì mới có thể lấy lại tiền, các bị hại càng lún sâu vào chiếc "bẫy" của những đối tượng lừa đảo.

Từ thực trạng trên, Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo ngay cho cơ quan công an để kịp thời ngăn chặn và được hướng dẫn giải quyết. Cơ quan công an khẳng định, không thể kiếm tiền từ những lời mời chào thực hiện nhiệm vụ trên mạng dù dưới bất cứ hình thức nào bởi đó chắc chắn là những chiếc "bẫy" của những kẻ lừa đảo.

Chuyên gia Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Công nghệ, Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS) cho biết đây là chiêu thức không mới song vẫn có nhiều người mắc lừa với số tiền rất lớn. Kẻ lừa đảo nhắm tới các đối tượng học sinh, sinh viên, mẹ bỉm sữa... hứa hẹn người dùng có thể kiếm được tiền chỉ bằng việc xem video, đi kèm với những lời giới thiệu hoa mỹ, cùng với những hình ảnh chụp màn hình số tiền khủng mà người dùng đã "kiếm được".

Một khi người dùng click vào quảng cáo, họ sẽ được dẫn tới một trang web hoặc ứng dụng yêu cầu đăng ký tài khoản. Sau khi đăng ký, người dùng sẽ được yêu cầu xem một số lượng video nhất định mỗi ngày để tích lũy điểm hoặc tiền thưởng. Tuy nhiên, để rút được tiền, người dùng thường phải đạt một ngưỡng tối thiểu rất cao, hoặc tệ hơn, họ sẽ phải nạp tiền vào tài khoản của mình để "mua" quyền rút tiền.

Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác trước các lời hứa hẹn về thu nhập cao, việc làm dễ dàng không cần bằng cấp. Thực hiện xác minh thông tin từ các nguồn chính thức, không tin tưởng vào những thông báo hoặc kênh thông tin không rõ ràng. Không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng hoặc mật khẩu cho bất kỳ ai. Thiết lập xác thực hai yếu tố cho tài khoản trực tuyến và cập nhật mật khẩu thường xuyên. Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

Làm gì khi bị lừa đảo?

Ông Vũ Ngọc Sơn cho hay, hiện nay về cơ sở pháp lý chúng ta đã đủ để xử lý các loại tội phạm lừa đảo trực tuyến. Tuy nhiên, với sự phổ biến của các giao dịch, chuyển khoản online, những số tiền lớn có thể chuyển đi chỉ bằng vài thao tác trên điện thoại khiến cho các nạn nhân chỉ trong vài phút có thể mất đến tiền tỉ. Chính nguồn tiền khổng lồ chiếm đoạt được từ những nạn nhân chính là động lực khiến cho các đối tượng lừa đảo ngày càng bất chấp pháp luật và ngày càng liều lĩnh hơn.

"Chúng ta cần sự vào cuộc của tất cả các thành phần trong xã hội. Các cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện xử lý các hành vi phạm tội, đồng thời tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân. Các cơ quan, doanh nghiệp tăng cường giám sát, bảo vệ thông tin người dùng. Người dùng cá nhân cần nâng cao cảnh giác, có ý thức tự bảo vệ thông tin cá nhân, không tham gia các hội nhóm không rõ nguồn gốc, không cài đặt ứng dụng không chính thống, xác minh lại tất cả các thông tin nhận được chứ không nên nghe theo luôn", chuyên gia Vũ Ngọc Sơn nói.

Theo khuyến cáo của chuyên gia bảo mật, nếu bạn nhận thấy mình vừa bị lừa đảo, hãy làm theo các bước sau: Dừng việc gửi tiền và chặn tất cả các liên lạc từ kẻ lừa đảo. Liên hệ ngay lập tức với ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính mà bạn sử dụng dịch vụ, để yêu cầu họ dừng mọi giao dịch.

Thu thập và lưu lại bằng chứng, làm đơn tố giác gửi tới cơ quan công an địa phương. Cảnh báo cho gia đình và bạn bè về trò lừa đảo bạn vừa mắc phải để giúp họ đề phòng. Tạo mật khẩu mới mạnh hơn cho các tài khoản ngân hàng của bạn. Liên tục theo dõi thông tin cảnh báo từ các trang web phòng chống tội phạm của cơ quan chức năng, chẳng hạn như trang khonggianmang.vn.

Để giúp hạn chế tình trạng người dân bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã nghiên cứu phát triển phần mềm cảnh báo lừa đảo. Phần mềm này sẽ được cung cấp miễn phí cho người dân từ tháng 7/2024. Ứng dụng có trên cả 2 nền tảng iOS và Android để người dùng có thể cài đặt lên điện thoại thông minh (smartphone).

Phần mềm được phát triển dựa trên số liệu thu thập về các trường hợp lừa đảo xảy ra trong những năm qua. Ưu điểm của phần mềm là liên kết với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, các tổ chức trên thế giới, các công ty an ninh mạng tại Việt Nam, có thể nhanh chóng kiểm tra và đưa ra khuyến cáo đối với "danh sách đen" đã được thống kê trong cơ sở dữ liệu.

Cụ ông U80 ở Hà Nội suýt bị "công an dỏm" lừa đảoCụ ông U80 ở Hà Nội suýt bị 'công an dỏm' lừa đảo

SKĐS - Công an phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã kịp thời ngăn chặn vụ giả danh công an để lừa đảo chiếm đoạt số tiền 50 triệu đồng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước trong ngày đầu tiên của Kỳ họp thứ 8 | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn