Tết của y bác sĩ cấp cứu, hồi sức luôn là những ngày tất bật đến chóng mặt. Tết của những người túc trực tại các “điểm nóng” như lễ hội đường hoa, bắn pháo bông... cũng không dễ dàng chút nào.
ThS-BS Võ Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115- TP HCM:
Nhìn người ta đi chơi thấy tủi tủi
Những lần đón giao thừa, đặc biệt trong đời tôi có lẽ là những ngày cuối năm bị “nhốt” trong xe cấp cứu, cho đến khi bắn pháo bông chào năm mới xong xuôi. Đó là khi tôi nhận nhiệm vụ cùng các đồng nghiệp đi “hộ tống” cho công tác chuẩn bị và bắn pháo bông đón năm mới. Tôi vẫn nhớ lần gần nhất, bắn pháo bông chỉ 15 phút, nhưng chúng tôi đã phải có mặt từ 2 giờ sáng của ngày 30 Tết tại Bộ Tư lệnh ở quận 9 khi công tác chuẩn bị bắt đầu. 5-6 giờ sáng, xe lại tiếp tục di chuyển đến bến Nhà Rồng. Thực ra công tác chuẩn bị cũng rất an toàn nên thông thường xe cấp cứu chỉ đứng sẵn đó chứ không phải đối diện tình huống khẩn cấp. Đương nhiên là mệt, mệt vì bị “nhốt” trong xe gần trọn một ngày và lúc nào cũng phải tỉnh táo để sẵn sàng. Đôi khi vào giờ bắn pháo bông, tình huống cần cấp cứu cũng xảy đến khi người già, người sức khỏe yếu đột nhiên ngất xỉu khi đang đi chơi, lúc đó thì xe cấp cứu vừa phải đưa người bệnh đến BV gần nhất, vừa phải yêu cầu một đơn vị gần đó điều xe thế chỗ, để bảo đảm lúc nào tại điểm bắn pháo bông cũng có xe túc trực. Đương nhiên, đi như vậy thì cái lợi lớn nhất là được… coi pháo bông rất rõ bởi xe đậu ngay tại điểm bắn. 0 giờ 15 phút, màn pháo bông kết thúc, chúng tôi mới về BV và thường ngủ luôn trong BV đêm đó vì nhiều người nhà xa, lại khuya rồi.
Ê kíp cấp cứu ngoại viện của BV Cấp cứu Trưng Vương làm nhiệm vụ ngày tết
Cái vất vả nhất của nhân viên y tế làm cấp cứu ngoại viện trong ngày Tết là phải đi công tác nhiều hơn, vì nhiều xe cấp cứu cũng được điều đến túc trực ở các điểm giải trí ngày Tết, ví dụ như đường hoa Nguyễn Huệ, các lễ hội… Đôi khi ngồi trên xe, đồng phục chỉnh tề, “đồ nghề” sẵn sàng, nhìn người ta đi chơi cũng hơi tủi tủi!
Ngoài ê kíp trực Tết, chúng tôi còn phải chuẩn bị nhiều ê kíp ứng trực, nếu lỡ ngày đó nhiều ca quá thì phải vào trực tăng cường. Nhiều khi đã mua vé đi chơi nơi này, nơi nọ cùng gia đình nhưng điện thoại reo là phải tức tốc vào BV. Cũng hụt hẫng chút chút, nhưng đó là nhiệm vụ của mình, là cái nghề mình chọn, nên mãi rồi… quen luôn.
BS chuyên khoa II Đỗ Hoàng Giao, Phó Trưởng ban thường trực Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe Thành Ủy, nguyên giám đốc BV Nhân dân Gia Định:
Nhớ mãi một kỷ niệm buồn
Hơn 40 năm hành nghề, tôi đã rất nhiều lần mang cơm đi… ăn Tết ở BV, vì Tết mà, hàng quán có ai bán gì đâu. Công việc trực tết thực ra không hề nhẹ hơn ngày thường, vì ca nào vào thường cũng là ca nặng, bởi ngày Tết chẳng ai muốn vào viện, khi nào cần kíp lắm thì người ta mới đến. Mà cũng chính tâm lý ngại Tết vào BV “xui” của nhiều người cũng khiến nhiều lần các bác sĩ phải vất vả “đấu với tử thần” và cả người bệnh, thân nhân cũng vô tình gặp không ít chuyện đau lòng.
Tôi vẫn nhớ mãi một ca ở BV Nhân dân Gia Định vào đầu thập niên 90. Một nam bệnh nhân khá lớn tuổi, ban đầu bị thủng dạ dày nên cảm thấy đau bụng, nhưng lúc đó đã là chiều 28 nên cố nán lại đợi qua Tết. Tối 29, ông đã đau lắm rồi nhưng vẫn cố chờ để cúng giao thừa, họp mặt con cháu đầu năm xong xuôi. Đến mùng 1 Tết, tình trạng quá nghiêm trọng, người nhà đưa ông đến thì ông đã rơi vào trạng thái sốc nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, huyết áp bằng 0, mạch không bắt được. Phẫu thuật thì thấy ông bị thủng dạ dày, thủng tạng rỗng, viêm phúc mạc toàn ổ bụng… và dù chúng tôi rất cố gắng nhưng đã trễ… Nếu được đưa vào viện sớm 2 ngày, ông đã dễ dàng qua khỏi. Kể những chuyện này để mong người dân hiểu rằng tại BV, y bác sĩ chúng tôi vẫn luôn trực chiến và mong mọi người đừng ngại BV mà quên mất có nhiều khi thời gian rất quan trọng đối với một số vấn đề sức khỏe.
Anh Thư