Lâu lắm rồi khán giả Hà Nội mới lại được xem một vở kịch tâm lý xã hội dễ đi vào lòng người đến vậy. Có người chợt bảo: kịch này trong Nam chắc chắn bán được vé, nhưng khán giả Bắc vốn có thói quen ngại ra khỏi nhà, hơn nữa lâu nay, sân khấu (SK) đã làm họ thất vọng nhiều. Nếu sự thể như vậy, thật tiếc!
Những dây mơ rễ má để tạo nên vở diễn Nhà có năm anh em trai đã đầy yếu tố mời gọi. Trước hết, đây là kịch bản được cảm tác theo truyện ngắn Không có vua của Nguyễn Huy Thiệp – một nhà văn có cách viết độc đáo, những truyện của ông thường cay đắng, nghiệt ngã nhưng bao giờ cũng đầy tính nhân văn. Tiếp nữa, tác giả kịch bản Nguyễn Thu Phương – người hiện được xếp là một trong những tác giả ăn khách nhất của SK TP. Hồ Chí Minh với thể loại kịch tâm lý xã hội với Một nửa thiên đường, Cây xăng lẻ bạn, Nhà có ba chị em gái và bây giờ là Nhà có năm anh em trai. Là một nhà kinh doanh viết kịch, Phương đã biết lôi ra trong cuộc sống thường nhật những mâu thuẫn xoay quanh chuyện nhà, chuyện tiền, chuyện vợ chồng, chuyện anh em, chuyện ngoài chồng ngoài vợ… đưa lên SK để ai cũng thấy một phần đó là chuyện của mình, của ai đó quanh mình. Sau nữa, lâu nay, SK phía Bắc gần như mặc định rằng: kịch bản nào được dàn dựng ở Nhà hát Tuổi trẻ đã chắc ăn đến vài chục phần trăm thành công bởi dàn diễn viên trẻ đa phong cách, bởi hội tụ nhiều gương mặt hot và cũng bởi Nhà hát đã tạo được phong cách riêng.
Gọi là cảm tác nên Nhà có năm anh em trai của Nguyễn Thu Phương đã không dập khuôn lại câu chuyện trong Không có vua, cả nhà toàn đàn ông gồm bố và các cậu con trai, người cha lại có phần thô lỗ, mở mồm ra là chửi khiến không khí gia đình luôn bức bối, ngột ngạt và nó trở nên khó thở hơn khi xuất hiện thêm người nữ khiến không chỉ phần con của những chàng trai trẻ trong nhà, mà còn buộc người cha tưởng như cằn cỗi cũng có lúc không cầm được lòng, lén nhòm qua buồng tắm…
Chuyển sang kịch bản SK, Thu Phương đã làm mềm hơn bằng câu chuyện của một gia đình có người mẹ già làm nghề giò chả nuôi 5 người con trai khôn lớn. Cuộc sống chẳng mấy sung túc từ cái nghề lao động vất vả này đã tạo nên những số phận với tính cách khác nhau. Sĩ – người anh cả tính tình nghiêm khắc nhưng đôi khi lại nhu nhược. Tình – chàng trai khôi ngô nhất nhà, được ăn học tử tế nhưng lại dính vào một vụ án ăn cắp, đi tù, ra khỏi tù biến thành một kẻ cay nghiệt, bất mãn và sống ngang tàng. Dân – làm nghề xe ôm, trầm tính và luôn nhẫn nhịn. Phúc – cậu con trai bị tật nguyền nhưng tốt bụng với mọi người và luôn có ước mơ trong sáng. Đức – cậu em út được cả nhà tập trung cho ăn học nhưng đua đòi ăn chơi. 5 con người, 5 tính cách, 5 cái tôi quyết liệt có lúc tưởng làm nổ tung ngôi nhà chung “bé như bao diêm”.
Cảnh trong vở Nhà có năm anh em trai. |
Những ẩn ức cá nhân lên tiếng
LAN HƯƠNG