Hà Nội

Xem kịch chống tham nhũng của Trung Quốc

09-08-2011 07:16 | Văn hóa – Giải trí
google news

Sau sáu năm kể từ vở kịch dự Liên hoan Sân khấu thử nghiệm Tú tài và đao phủ, kịch nói Trung Quốc “tái xuất” Hà Nội trong hai đêm 22 & 23/7 vừa qua với vở Đấu tranh này là trận cuối cùng lại tiếp tục gây nhạc nhiên...

Sau sáu năm kể từ vở kịch dự Liên hoan Sân khấu thử nghiệm Tú tài và đao phủ, kịch nói Trung Quốc “tái xuất” Hà Nội trong hai đêm 22 & 23/7 vừa qua với vở Đấu tranh này là trận cuối cùng lại tiếp tục gây nhạc nhiên...

Khác với vở diễn đượm màu nghệ thuật truyền thống trước đây, vở diễn lần này hoàn toàn mang hơi thở mới của đời sống đương đại và kịch nghệ hiện đại Trung Quốc. Sức hấp dẫn và sự mới mẻ của vở diễn không nằm trong các “trò” hay “mánh” mà chính ở giá trị nhân văn và tư tưởng bật ra từ câu chuyện gia đình rất đỗi gần gũi. Một vị Đảng viên Đảng Cộng sản cả đời kiên trì với lý tưởng cộng sản nhưng ba con trai ông lại lựa chọn những con đường khác nhau, thậm chí đối lập nhau và phủ định lại công trạng của ông. Cuộc đoàn tụ cuối năm của gia đình họ sau bữa cơm tất niên không ngờ lại chất chứa biết bao bi kịch. Đỉnh điểm là việc cậu út ra nước ngoài cùng vợ ngay trước lúc giao thừa nhưng không phải để che giấu cuộc hôn nhân tan vỡ mà để chạy trốn việc bị phanh phui hành vi tiêu cực biển thủ công quỹ với số tiền lớn… Người bố tưởng chừng kiên quyết bám trụ thành lũy truyền thống gia đình cũng chấp nhận thứ tha và mong muốn xây dựng lại từ những tiêu cực và đổ vỡ ở chính gia đình ông. Cuối cùng, có lẽ không gì mạnh mẽ và sâu sắc hơn tình yêu thương đùm bọc và sẻ chia giữa những thành viên gia đình. Chính những điều này mới thức tỉnh người con út nhận ra lầm lỗi, trở về đầu thú. Khá đông nghệ sĩ sân khấu Hà Nội đến xem vở diễn này không chỉ thán phục về tài năng diễn xuất của đồng nghiệp nước bạn mà còn tâm đắc bởi những vấn đề vở diễn đặt ra.
 Cảnh trong vở Đấu tranh này là trận cuối cùng.

Vở kịch diễn ra trong hơn hai giờ, gần như trùng khít với thời gian diễn ra câu chuyện kịch, từ lúc người giúp việc treo chiếc đèn lồng đỏ trước ngõ, sửa sang nhà cửa chuẩn bị bữa cơm tất niên cho đến lúc giao thừa, pháo hoa nở bung trên bầu trời… Ngần ấy thời gian gần như chỉ là những cuộc đối thoại, có những lúc tranh cãi nảy lửa và cả những màn giao đãi nhẹ nhàng. Đối thoại tạo ra xung đột kịch chứ không hoàn toàn dựa vào bất ngờ liên tiếp từ hành động và số phận của nhân vật. Lời thoại rất chặt chẽ và đầy kịch tính. Các nhân vật đưa ra quan điểm, nhận định và phản biện với nhau trên tinh thần cởi mở và thẳng thắn. Họ không ngại ngần nói về đất nước của họ với đầy rẫy những tiêu cực mà liệt kê ra nghe giật mình vì có vẻ giống như ở nước mình: cấu kết quan trường với thị trường, đi du lịch bằng công quỹ Nhà nước… Họ nhận ra rằng, “những người có quyền chỉ chiếm thiểu số nhưng làm bậy bạ nên ảnh hưởng cả xã hội” hay họ tự hào vì đất nước làm nên những kỳ tích nhưng cũng tỉnh táo tự hỏi “tính bình quân tổng thu nhập đầu người đứng thứ bao nhiêu?”…

Thông qua câu chuyện riêng trong gia đình, vở kịch gợi lên cả bối cảnh xã hội Trung Quốc hiện đại với những mặt phải, trái vốn có của nó, cả tâm thế của những thế hệ khác nhau sống trong xã hội và còn hơn thế là cái nhìn về đất nước trong mối tương quan với quốc tế và các cường quốc khác. Có vui mừng, tự hào xen lẫn âu lo, bi quan; có thành tích và khuyết điểm; có xây dựng và phản biện… ngay trong bản thân mỗi con người và trong cái nhìn của họ về đất nước… Tính cách nhân vật được xây dựng đa chiều, song hành giữa hiện đại và bảo thủ, lãng mạn và hiện thực... Mỗi người lại như một màu sắc riêng rõ nét khiến “bảng màu” nhân vật sinh động và hấp dẫn. Số phận mỗi nhân vật xuất hiện đều được chăm chút kỹ lưỡng, từ người giúp việc cho đến bà mẹ phải ngồi xe lăn…

Bi kịch nặng nề không lối thoát với biết bao nước mắt không ngừng rơi trên những số phận người nhưng vở kịch khép lại trong cảnh cả nhà quây quần xem hình ảnh bắn pháo hoa sáng loá cả bầu trời, dẫu còn đó nỗi khắc khoải về những người chưa trở về... Thời khắc đất trời chuyển giao dường như càng nhen lên trong lòng người niềm hy vọng mới. Vở kịch giành hàng loạt giải thưởng lớn ở Trung Quốc, được phần đông khán giả VN đánh giá gần gũi với người xem bởi những vấn đề xã hội đáng quan tâm được thể hiện rõ nét nhưng không thiếu đi tầm khái quát vĩ mô làm bật lên tính tư tưởng của một tác phẩm chính luận.

Hoàng Sơn


Ý kiến của bạn