Xem bói trứng tìm ma ở Đăk Mế

11-07-2008 09:21 | Thời sự

Nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước, người Brâu - một trong những dân tộc ít người nhất ở nước ta (98 hộ với 400 khẩu, hiện cư trú ở xã Đăk Mế, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) bây giờ cũng đã biết dùng trâu kéo cày, làm lúa nước, thắp đèn điện...

Nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước, người Brâu - một trong những dân tộc ít người nhất ở nước ta (98 hộ với 400 khẩu, hiện cư trú ở xã Đăk Mế, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) bây giờ cũng đã biết dùng trâu kéo cày, làm lúa nước, thắp đèn điện... Thế nhưng, con ma thì vẫn cứ hiện hữu, bám riết cuộc sống hằng ngày của họ...

 Thầy cúng Thao Deo đang bói trứng tìm ma cho Thao Plú.
Lăn trứng hút... ma

Thao Plú ngồi nhăn nhó trước hiên nhà. Cơn đau thỉnh thoảng lại dội lên nơi ngực trái. Tuần trước Plú đi săn, mải mê theo con thú nên thụt chân xuống hố củ mài. Lên bệnh viện huyện, bác sĩ chụp phim nói không gãy xương, đã cho thuốc uống nhưng sao vẫn thấy chưa lành. Thầy cúng Thao Deo, nói: mày bị té xuống hố ma rồi, phải bói trứng xem con ma nó đòi ăn gì để cúng thì mới lành được...

Nhà Plú cũng như nhiều nhà ở làng Đăk Mế này, Nhà nước làm cho từ cái thời xuống núi nên đã cũ nát rồi. Cũng đã mấy bận định làm lại nhưng chưa đủ tiền, thế mà nay lại gặp nạn thế này, nếu con ma đòi ăn trâu thì chưa biết đến bao giờ mới có ước mơ ấy được...

Đứa con gái của Thao Plú đi mua trứng gà đã về. Thầy cúng Thao Deo chậm rãi đứng lên... Tôi nín thở theo dõi từng động tác của thầy... Thoạt tiên ông bảo Plú cởi áo rồi lăn quả trứng mấy vòng lên lồng ngực. Vừa lăn ông vừa lẩm nhẩm những câu gì nghe như hát... " Ông đang làm gì vậy?" Trưởng thôn Thao Lợi, bảo: Lăn quả trứng là để cho nó hút cái bệnh vào, sau đó mới kêu ma. Ông đang kêu con ma đấy. Đại ý rằng "ơi ma, hãy cho con cháu tôi nên người sống. Muốn ăn con gà, con heo hay con trâu thì cứ hiện hình ra trong quả trứng này, chúng tôi sẽ cúng đủ...".

Lăn quả trứng lên ngực Plú rồi, thầy Thao Deo để nó lên lòng bàn tay giơ thẳng ra trước mặt. Lại lầm bầm khấn vái câu gì đó, thầy tách quả trứng ra làm đôi đổ vào bát rồi ghé sát mắt săm soi. Mọi người xúm quanh lặng phắc nghe rõ từng tiếng thở... Dường như vẫn còn nghi ngại điều gì, thầy đổ quả trứng ra tấm lá chuối, lật lòng đỏ lại săm soi tiếp. Phải đến mươi phút thầy mới ngẩng đầu lên nói như đếm từng tiếng: Thằng Plú đúng là bị con ma bắt nhưng nó không đòi ăn nhiều. Chiều nay mổ cho ta một con gà, ta sẽ kêu con ma tới ăn là khỏi...

Mặt Plú tươi lên, dường như anh cố nén tiếng thở ra. Mọi người xung quanh cùng ồ lên bàn tán... - Chiều nay lễ cúng sẽ diễn ra như thế nào? - Tôi hỏi Thao Lợi. Anh tỏ ra thành thạo: đơn giản thôi. Đợi lúc mặt trời hết nắng (giờ của con ma đi ăn), thầy cúng sẽ cho mổ gà lấy tiết cùng tim gan của nó, trộn với nước bọt người đau rồi đưa ra đầu làng kêu con ma tới ăn. Con ma đã hiện hình cái cần ăn vào quả trứng, no đủ rồi thì nó cho con người hết bệnh thôi (!).

 Cúng bệnh cho Nang Hiêu, phần con ma là cái đầu với bộ lòng để trên cột nêu.
Sao mà nhiều ma thế!

Tôi bật cười khi nghe Thao Lợi đếm ra tới 12 thầy cúng. Nếu quả vậy thì có lẽ không đâu "mật độ" thầy cúng lại đông như Đăk Mế: hơn 30 người dân có một "thầy" ! "Thầy" đông như thế là bởi ma nhiều. Ma của người Brâu muôn hình vạn trạng. Thử kể sơ xem mỗi năm có bao nhiêu lễ cúng ma:

- Trước hết là cúng "ma lúa". Khi hạt lúa được gieo xuống đất thì cả làng phải góp heo, rượu để cúng. Sau bữa rượu chung, mỗi nhà phải tự cúng lấy ma mình. Cây lúa lên khỏi mặt đất lại phải cúng tiếp... Rồi thì cúng lúa lên đòng, lúa về kho. Riêng một đời cây lúa đã phải cúng ma cho nó bốn đợt. Hết ma lúa lại đến ma nhà rông, ma làng... Bình thường cứ cúng cho hết ma trong năm cũng đủ "oải' thế mà lại còn cõng thêm con ma đau. Con ma này thì ít nhà thoát được. Đau ở nhà cúng đã đành, đau phải đi bệnh viện cũng "cúng nhập viện". Bác sĩ chữa cho lành rồi, về nhà cũng phải cúng. Có người nằm viện còn trốn về nhà cúng rồi mới trở lại. Con ma nó ám hết trong đầu mọi người rồi, không cúng không yên trong bụng được...

Mà cúng cho con ma làm người đau, nó đòi ăn ít như với Plú không nói làm gì, đòi ăn trâu thì khổ lắm. Mới tuần trước đây nhà Nang Bai đã "bị" với nó đấy... Con bé Nang Hiêu mới được một mùa rẫy đau bụng, Nang Bai đưa con lên bệnh viện huyện. Được một tuần thấy không hết, nó ôm con trốn về. Thầy bói xem trứng bảo: Nang Hiêu bị con ma đòi ăn một con trâu. Con trâu 8 triệu bạc, Nang Bai làm gì có nhưng ý con ma thế, không nghe thì con chết, Nang Bai đành phải đi mượn trâu của nhà bà con... Cúng trâu, mất của to nhưng phải làm "nghiêm túc". Nếu sơ suất để trái ý con ma, nó không chịu ăn trâu là chết. Thế nên một tuần trước khi cúng, nhà Nang Bai phải chăm con trâu cho béo, sau đó nhờ người khéo tay tới làm cây nêu. Đêm trước đâm trâu thầy cúng phải đi từng nhà "quán triệt": không chỉ gia chủ, ai có chồng có vợ thì không được ngủ chung, không được tắm rửa; không được chửi bậy, nói tục... Sáng hôm sau lúc mặt trời thức dậy, mọi thứ phải chuẩn bị sẵn sàng. Con trâu được cột vào cột nêu, xung quanh bày đủ 100 ghè rượu (thứ này phải nhờ cả làng góp cho). Con Nang Hiêu rũ ra như tàu lá héo cũng phải dắt ra để nó cầm cái dây cột con trâu. Để con ma "nhận mặt" người nó muốn ăn rồi, thầy cúng sẽ đi ba vòng cầu xin con ma, khi nào nó "đồng ý" với thầy thì mới đâm được... Trong tiếng chiêng rộn rã, con trâu bị đâm cho chết từ từ rồi đem thui. Phần ma là cái đầu với bộ lòng để trên cột nêu. Còn lại là phần người... Suốt 3 ngày 3 đêm, 100 ghè rượu sẽ được "trung hòa" cho hết thịt con trâu. Mọi người say như cây chuối bị vặn gốc. Có người say quá nằm lăn ra đường khiến cái xe đi qua hoảng hồn tưởng là người chết...

"Trăm ma đổ đầu cái chữ"

Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Mế, A Phúc - người dân tộc Jẻ - Triêng còn rất trẻ nhưng với phong tục của người Brâu anh tỏ ra rất thông thuộc. Nghe tôi kể chuyện ma ở làng Đăk Mế, Phúc cười nhạt: Cái đầu ít chữ quá nên bị con ma nó ám miết đấy thôi !

Cho tới bây giờ là 33 năm sau ngày giải phóng, cả làng Đăk Mế chỉ mới có 5 người học đến lớp 9 (mà cũng "chín" cái bóng thôi) còn lại 80% là mù chữ. Nhà nước đã quan tâm đến thế này: năm 2002 chọn 6 em đưa ra Trường Dân tộc nội trú huyện để tạo nguồn. Ưu tiên cho nằm giường nệm, lại cấp cho cả xe đạp để đi, thế nhưng chưa hết năm, cả 6 đứa đều trốn về làng. Bây giờ có tiền Nhà nước, người ta mới chịu cho con đi học lại (đi học để lấy tiền mà!). Cái đầu ít chữ thì có ma. Cứ bao nhiêu của nả dốc vào nuôi con ma hết. Thậm chí đất Nhà nước cấp cho cũng bán đi để nuôi con ma. Các anh bảo thế thì làm sao không đói, không nghèo?

A Phúc nói đúng nhưng có lẽ anh chỉ mới nhìn nhận hiện tượng bên ngoài... Người Brâu mới thoát thai từ xã hội bán nguyên khai, họ chỉ có thể phát triển một cách tịnh tiến. Đáng tiếc là lại bị phát triển một cách cưỡng bức, bị tách rời khỏi môi trường văn hóa. Tôi có cảm giác là họ đang bị đuối sức khi đuổi theo cuộc sống hiện đại. Đấy chính là lý do khiến họ phải viện đến con ma để cứu rỗi cho cuộc sống tinh thần...

Nhà Thao Plú đã bày cuộc rượu. Có lẽ là để "mừng" con ma không bắt cúng trâu. Thấy chúng tôi lặng lẽ rời làng, Thao Lợi chạy theo gọi với: "Không ở lại mà xem thầy cúng sao, còn một cách dùng trấu để tìm con ma nữa đấy !" Tôi ớ ra. Đúng là lúc nãy chưa thấy thật... Cái anh chàng thôn phó này thật vô tư... Đến cả cán bộ mà cũng vô tư một cách hồn nhiên với cái lạc hậu của dân bản mình đến thế thì người dân đa phần mù chữ ở nơi heo hút này còn u mê đến bao giờ...?

Phóng sự của:Ngọc Vương - Sông Lam


Ý kiến của bạn