Ngày 23/11, trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa 2 ô tô và 1 xe máy, khiến 1 người tử vong, 1 người bị thương.
Sau vụ tai nạn, dư luận đang đặt ra câu hỏi: Xe tuần tra của đơn vị BOT truy đuổi như vậy có đúng chức năng, nhiệm vụ được giao hay không? Trách nhiệm của các bên liên quan như thế nào? Lái xe khách trong vụ tai nạn này sẽ bị xử lý thế nào?...
Xe tuần tra BOT có được phép truy đuổi?
Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, căn cứ theo điều 5 Thông tư số 32/2023/TT-BCA ngày 01/8/2023 của Bộ Công an việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ sẽ do Cục Cảnh sát giao thông đảm nhận, phụ trách.
Trường hợp đặc biệt, cần thiết, lực lượng Cục Cảnh sát giao thông chủ trì, phối hợp với công an các đơn vị, địa phương, các lực lượng liên quan thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường bộ trong phạm vi toàn quốc nhưng theo kế hoạch của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông trở lên ban hành.
Như vậy, duy nhất lực lượng Cục Cảnh sát giao thông mới đủ thẩm quyền được xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp này. Theo quy định pháp luật, Công ty BOT không phải là cơ quan có thẩm quyền, không có nhiệm vụ xử lý vi phạm trên tuyến đường cao tốc.
Đồng thời, theo quy định tại điều 119 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi, bổ sung 2020, trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp giữ người theo thủ tục hành chính.
Như đã phân tích, đơn vị có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp này là Cục Cảnh sát giao thông, Công ty BOT không có thẩm quyền xử lý, ngăn chặn vi phạm hành chính.
Ngoài ra, tại điều 110, 111, 112 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về một số trường hợp khẩn cấp thì được giữ người "phạm tội" và bất cứ ai cũng có quyền bắt, giữ người "tội phạm".
Tuy nhiên, trong tình huống này có thể thấy rất rõ ban đầu cháu bé có hành vi điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc là hành vi vi phạm pháp luật nhưng hành vi này ban đầu chỉ dừng lại ở vi phạm hành chính, chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Việc người của Công ty BOT dùng phương tiện truy đuổi cháu bé trên đường cao tốc là sai, trái với nguyên tắc được quy định tại điểm a khoản 2 điều 16 của Thông tư số 32/2023/TT-BCA về việc dừng, kiểm soát phương tiện giao thông phải bảo đảm các yêu cầu: An toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông.
Bên cạnh đó, hành vi truy đuổi người của Công ty BOT trái quy định tại khoản 4 điều 16 Thông tư số 32/2023/TT-BCA: Khi tuần tra, kiểm soát cơ động chỉ được dừng phương tiện giao thông vào làn dừng phương tiện khẩn cấp để kiểm soát, xử lý vi phạm trong các trường hợp:
Phát hiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn giao thông tức thời; phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; cứu nạn, cứu hộ; tin báo, tố giác, phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện giao thông đang lưu thông trên đường cao tốc; phát hiện phương tiện giao thông dừng, đỗ không đúng quy định trên đường cao tốc.
Sau khi giải quyết xong vụ việc phải thu dọn cọc tiêu, dây căng, biển báo hiệu và di chuyển ngay.
Lái xe khách trong vụ tai nạn này sẽ bị xử lý thế nào?
Luật sư Nguyễn Văn Nam đánh giá, cháu gái ngồi sau xe máy bị tử vong do tai nạn giao thông trong trường hợp này do tổng hợp từ nhiều nguyên nhân, nhiều chủ thể có lỗi.
Đầu tiên là lỗi của cháu bé 14 tuổi khi điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc và không đội mũ bảo hiểm. Thứ hai là lỗi của nhân viên Công ty BOT khi dùng phương tiện ô tô đuổi theo phương tiện cháu bé 14 tuổi điều khiển không đúng, không phù hợp với các quy định pháp luật như đã phân tích nêu trên và người lái xe khách có hành vi vi phạm, có lỗi trong vụ việc này khi điều khiển phương tiện không tập trung quan sát, không giữ khoảng cách an toàn của xe mình điều khiển với khoảng cách các phương tiện khác, vi phạm quy định tại điều 12 của Luật An toàn giao thông đường bộ.
Hậu quả là cháu bé gái ngồi sau đã tử vong, hậu quả này đã đủ yếu tố cấu thành tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 260 Bộ luật hình sự với mức phạt tù cao nhất có thể tới 5 năm tù.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại điều 587 Bộ luật dân sự 2015, trong vụ việc này, cháu bé điều khiển xe máy, lái xe của Công ty BOT, lái xe khách có nghĩa vụ liên đới bồi thường các thiệt hại về tính mạng bị xâm phạm cho gia đình cháu gái.
Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo các phần bằng nhau.
Tuy nhiên, trên đây chỉ là nhận định ban đầu của luật sư. Các nội dung, tình tiết cụ thể của vụ tai nạn này như thế nào, cần chờ kết luận chính thức từ cơ quan chức năng. Dù vậy, một điều có thể nhận thấy ngay, hành vi đi xe máy vào đường cấm, nhất là đường cao tốc là vô cùng nguy hiểm. Mặc dù cơ quan chức năng đã tăng cường tuần tra, xử phạt, nhưng thời gian gần đây, tình trạng xe máy, xe đạp đua đi vào đường cấm vẫn xảy ra.
Qua vụ tai nạn giao thông đau xót này, Báo Sức khỏe và Đời sống đề nghị người tham gia giao thông hãy triệt để tuân thủ pháp luật. Đặc biệt, các bậc phụ huynh có con nhỏ, các thầy cô cần giáo dục con em, học sinh của mình ý thức tuân thủ luật pháp về trật tự, an toàn giao thông. Không giáo dục con em mình, khi tai nạn xảy ra, có ân hận cũng đã muộn.