“Xẻ thịt” đất công: Cơ quan chức năng bất lực?

08-03-2019 08:38 | Thời sự

SKĐS - Hàng trăm nghìn mét vuông đất công bị “xẻ thịt” cho thuê, sử dụng sai mục đích.

Những sai phạm này chưa có dấu hiệu giảm đi mà đang ngày càng gia tăng đã kéo theo những hệ lụy khôn lường, không chỉ làm thất thoát đất đai, tài sản của Nhà nước mà còn làm mất trật tự xây dựng, tiềm ẩn những lợi ích nhóm. Dù vậy, việc xử lý, thu hồi, trả đất về đúng giá trị dường như vẫn là một bài toán chưa có lời giải.

Chưa bao giờ vấn đề sử dụng và quản lý đất công lại trở nên nhức nhối như bây giờ. Phải chăng đất công vẫn chưa được coi là “mỏ vàng” để phục vụ cho những mục đích công cộng hay chính vì nó quá “béo bở” nên nghiễm nhiên trở thành đối tượng để các nhóm lợi ích xâu xé dẫn đến một thực tế là hình hài của những khu đất này đang ngày càng bị đục khoét đến biến dạng trong khi người dân vẫn phải mòn mỏi chờ đợi những dự án chưa có dấu hiệu thành hình.

Điều kì lạ, mỗi năm thanh tra xây dựng đều điểm mặt, chỉ tên hàng loạt những sai phạm và đề nghị xử lý những dự án bỏ hoang, chậm tiến độ, bị “xẻ thịt” để kinh doanh, sử dụng sai mục đích nhưng số lượng dự án thật sự bị thu hồi chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tại Hà Nội, đất công và công sở thường có vị trí đắc địa nên nhu cầu thuê cao. Việc cho thuê đang diễn ra tràn lan, lộn xộn và phản cảm...

Ghi nhận tại Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm số 2 Lê Thái Tổ (Hoàn Kiếm), mặc dù được UBND TP. Hà Nội phê duyệt xây dựng làm công trình công cộng với mục đích giới thiệu thông tin văn hóa Hồ Gươm, trưng bày, triển lãm và văn phòng làm việc. Với mật độ xây dựng là 64%, công trình này được xây dựng trên lô đất 242,2m2 với quy mô 3 tầng nổi, 1 tầng hầm và tum thang, là nơi trưng bày hiện vật và thông tin Hồ Gươm và nơi làm việc của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, tầng 1 đã được phòng vé máy bay thuê, sân thượng sắp thành một quán cà phê. Đơn vị thuê dùng các loại sắt cây, dựng tường, dùng kính chịu lực làm vách ngăn, cơi nới thành các phòng ốc để phục vụ cho dịch vụ ăn uống.

Tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 25 Tông Đản, quận Hoàn Kiếm), mặc dù báo chí đã phản ánh sai phạm trong quản lý đất công tại đây, nhưng hiện tại, trong khuôn viên của bảo tàng trở thành nơi trưng bày sản phẩm sâm, toàn bộ mặt tiền số 1 đường Phạm Ngũ Lão xuất hiện nhiều quán ăn nhanh... Cách đó không xa, tại Viện Dược liệu, phía mặt phố Hai Bà Trưng xuất hiện hàng loạt cửa hàng kinh doanh kính thời trang; đồ điện tử; sâm Hàn Quốc...

Tình trạng cho thuê công sở cũng xảy ra phổ biến tại các quận còn lại của Hà Nội. Trung tâm văn hóa quận Thanh Xuân là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND quận, tọa lạc ở ngã 4 Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến, với diện tích trên 30.000m2. Nơi đây được xây dựng nhằm tổ chức các sự kiện ở địa phương và có những hoạt động thiết thực, tạo sân chơi bổ ích, lý thú, an toàn cho các em học sinh. Tuy nhiên, nhiều năm qua xuất hiện nhà hàng tiệc cưới bao trọn sảnh chính. Sảnh đón tiếp, bãi ôtô, xe máy rộng rãi nằm trong quần thể kiến trúc bể bơi, sân tennis, nhà thi đấu... của trung tâm.

Trung tâm Văn hóa TP. Hà Nội (số 4 Phùng Hưng, quận Hà Đông) là đơn vị sự nghiệp có thu, có chức năng tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm tuyên truyền các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội của Đảng, Nhà nước, TP. Hà Nội. Thế nhưng, một diện tích không nhỏ trong khuôn viên của trung tâm đang bị “xẻ thịt” thực hiện những hoạt động kinh doanh. Nhiều trụ sở của các cơ quan, đơn vị nằm trên đường Tô Hiệu (quận Hà Đông) cũng được cho thuê, tạo ra hình ảnh nhếch nhác. Trụ sở của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao hay Đài phát thanh và truyền hình Hà Tây (cũ) đang được tận dụng làm chỗ sửa chữa xe máy, mở hàng quán. Tại Trung tâm Văn hóa thông tin thể thao quận Tây Hồ cũng có tình trạng cho một số đơn vị thuê đất để hoạt động kinh doanh và dịch vụ.

Dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô bị xẻ thịt cho thuê xây dựng nhà hàng, sân tenis... để kinh doanh gần chục năm nay, UBND TP. Hà Nội đã nhiều lần chỉ rõ sai phạm và yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội khẩn trương tổ chức, xử lý dứt điểm toàn bộ vi phạm trật tự xây dựng tại công viên này và chịu trách nhiệm trước thành phố về tiến độ, kết quả xử lý. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mọi xử lý dường như chỉ nằm trên giấy. Các khu đất quy hoạch làm khu vườn hoa, cây xanh, sân tập thể thao công cộng vẫn đang ngang nghiên bị “xẻ thịt”.

Một câu hỏi đặt ra, tại sao những sai phạm trong việc đục khoét đất công đang diễn ra “rõ như ban ngày” và gây thất thoát nghiêm trọng đối với quỹ đất của Nhà nước nhưng lại khó xử lý đến vậy? Vì đâu những công trình công cộng vốn thuộc về người dân, cộng đồng lại đang phải nhường chỗ cho những nhà hàng, quán ăn, trung tâm thương mại bát nháo?

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên xuất phát từ sự lỏng lẻo trong công tác kiểm tra, giám sát, xử lý và thiếu nghiêm khắc thực thi pháp luật. Ý kiến khác cho rằng, việc chây ỳ xử lý các sai phạm là do một bộ phận cán bộ quản lý chưa thực sự nghiêm minh, dứt khoát bởi trong đó lợi ích nhóm còn quá lớn. Nếu không có những biện pháp xử lý mạnh tay và dứt điểm thì e rằng bài toán này sẽ càng ngày càng hóc búa. Đất công bị chiếm dụng sử dụng sai mục đích tràn lan. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm về việc này?


MẠNH THẮNG
Ý kiến của bạn