Hà Nội

'Xé rào' để tuyên Huỳnh Thị Huyền Như án tử?

12-01-2014 10:47 | Thời sự
google news

Huỳnh Thị Huyền Như là vợ của một phó giám đốc, Như nhanh chóng nắm giữ nhiều ghế quan trọng trong ngân hàng Công thương.

Huỳnh Thị Huyền Như là vợ của một phó giám đốc, Như nhanh chóng nắm giữ nhiều ghế quan trọng trong ngân hàng Công thương.

Mong muốn làm giàu nhanh bằng bất động sản, thị vay tiền mua đất rồi làm ăn thua lỗ và tìm cách lừa đảo với số tiền lên đến 5.000 tỷ đồng. Không chỉ lừa người ngoài mà thị còn “giăng bẫy” cả chính chị ruột của mình. Điều đáng nói, luật Hình sự hiện nay, với tội danh đã bị truy tố thì Như chỉ nhận mức án cao nhất là chung thân.

Số tiền lừa đảo khủng nhất từ trước đến nay

Huỳnh Thị Huyền Như (35 tuổi, quê Tiền Giang) trở thành nhân viên của ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank). Do có năng lực, quen biết nhiều với khả năng giao tiếp “độc nhất vô nhị”, lại là vợ của một Phó giám đốc ngân hàng Công thương, Như nhanh chóng được trọng dụng. Chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, Như được cân nhắc, bổ nhiệm chức Phó phòng quản lý rủi ro, sau đó được bổ nhiệm thêm quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ (TP.HCM).

Vào năm 2007, thị trường bất động sản tại TP.HCM bắt đầu “sốt”. Thân thiết với nhiều đại gia ngành bất động sản, Như nghe họ phân tích tương lai giá đất sẽ còn tăng hơn rất nhiều. Là cán bộ tín dụng ngân hàng Vietinbank, Như vận dụng các mối quan hệ từ nhiều ngân hàng, tổ chức, cá nhân để vay với lãi suất cao, tổng cộng 200 tỷ đồng để đầu tư vào “ngành vàng”. Như mua nhiều đất ngay tại TP.HCM, sau đó lan rộng ra các tỉnh vệ tinh và cả ở TP.Đà Nẵng.

“Siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như.

Lúc ấy, Như được mọi người rất ngưỡng mộ, bởi chỉ trong thời gian ngắn đã có đất ở khắp nơi trên cả nước. Với khối tài sản “kếch xù”, Như cũng cứ ngỡ mình đang ở trên đà danh vọng. Danh tiếng ngày càng tăng, thị quyết định tham gia và được bầu vào Hội đồng quản trị công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông (ORS) ngày 18/5/2011. Người phụ nữ này nhanh chóng “nóng”, được không ít đại gia bất động sản phải nể phục.

Kinh doanh bên cạnh chiếc đầu “nóng” cần thiết phải có sự may mắn. Tuy nhiên, Như không được thần may mắn gõ cửa. Đầu năm 2011, thị trường bất động sản bắt đầu đóng băng. Đất mua nhiều nhưng bán không được bao nhiêu. Vốn “chết” mà tiền lãi ngày mỗi tăng dần. Như lấy phần này đắp đổi phần kia nhưng chỉ được trong thời gian ngắn thì cũng đuối sức. Cũng khoảng thời gian này, chính sách Nhà nước siết tín dụng, thắt chặt tiền tệ khiến ngân hàng tạo sức ép với các khoản cho vay, đẩy thương nhân vay nợ nhiều rơi vào khốn cùng. Như hốt hoảng khi nhận thấy mình mất khả năng thanh toán.

Theo cơ quan điều tra, lúc này, Như đã nắm quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ. Vững nghiệp vụ ngân hàng, thị nghĩ đến chuyện giả danh ngân hàng Vietinbank lừa đảo số tiền “khủng” để chi trả nợ nần. Như làm giả 8 con dấu của ngân hàng Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, công ty TNHH đầu tư Phúc Vinh, công ty bảo hiểm Toàn Cầu, công ty cổ phần đầu tư Thịnh Phát... để đóng vào các tài liệu, giấy tờ do chính thị làm giả.

Những giấy tờ này, Như sử dụng để mở tài khoản của một số công ty tại ngân hàng Vietinbank, làm giả hợp đồng tiền gửi và phụ lục hợp đồng tại chi nhánh Vietinbank Nhà Bè để chiếm đoạt tài sản. Số tiền thị chiếm đoạt tổng cộng chừng 5.000 tỷ đồng. Theo một điều tra viên cho hay, trong quá trình phá án, nhiều đồng chí không khỏi giật mình trước số tiền quá lớn mà người phụ nữ này lừa đảo.

Đa phần số tiền Như “lấy” được dùng để chi trả tiền vay nặng lãi của 14 cá nhân hơn 1.200 tỷ đồng, chi chênh lệch ngoài hợp đồng cho “cò” ngân hàng hơn 42 tỷ đồng, trả nợ gốc, nợ lãi cho bốn công ty gần 950 tỷ đồng... Bên cạnh đó, Như thừa nhận, khoảng 1.200 tỷ đồng còn lại dùng để chi trả cho các khoản vay lãi “siêu nặng” khác và dùng để tiêu xài cá nhân.

 - Ảnh 2
 

 

Huyền Như đã kéo theo nhiều cán bộ ngân hàng vướng vòng lao lý.

Cáo già sừng sỏ đội lốt “nai tơ”

Khi hành vi chiếm đoạt tài sản của Như bị bại lộ, không ít người cảm thấy bất ngờ, bàng hoàng vì số tiền lỡ cho vay quá lớn. Họ không thể ngờ, một đại gia bất động sản bật nhất ở Việt Nam mà lại có thể vướng vào vòng pháp luật. Còn nhớ, ngày báo chí đưa tin Như bị bắt, không ít chủ nợ chửi mắng thị.

Trong quá trình tìm hiểu vụ án này, chúng tôi được một người phụ nữ, là đầu mối cho vay tiền lãi tiết lộ, dường như đã biết trước số phận của mình trong tương lai, Như chuẩn bị “sân nhà” ở Mỹ để lỡ có chuyện gì thì sẽ “rút” êm đẹp. Khoảng đầu tháng 7/2011, biết người này có người thân ở Mỹ, Như đã chuyển 500.000 USD (chừng 10 tỷ đồng) nhờ người này nộp phí ban đầu làm thẻ xanh. Là mối lái làm ăn lớn, người này liền đồng ý, nhận tiền và chuyển cho người thân để nhờ công ty dịch vụ chuyên lo thẻ xanh. Tuy nhiên, do còn vướng mắc một số giấy tờ nên tấm thẻ xanh vẫn chưa được hoàn thành. Cũng chính vì thế, khi mọi chuyện bại lộ, thị vẫn không thể “tót” ra nước ngoài và đã bị bắt.

Không chỉ thế, điều khiến chúng tôi bất ngờ là Như đã lừa đảo chính cả chị ruột của mình. Trong quá trình làm ăn, Như kết hợp cùng Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè) thành lập công ty cổ phần đầu tư Hoàng Khải. Ban đầu, Như làm giám đốc và Tuấn là Phó giám đốc. Tuy nhiên, về sau, nảy sinh ý định dùng công ty này để “thu” các khoản tiền lừa đảo, Như “đẩy” chị gái là Huỳnh Mỹ Hạnh từ một nhân viên quèn lên giữ chức Phó giám đốc. Mặc dù mang danh Phó giám đốc, nhưng Hạnh được em gái trả lương chưa tới 10 triệu đồng mỗi tháng.

Mang danh Phó giám đốc, nhưng mọi hoạt động của Hạnh đều do Như chỉ đạo, phân công, theo dõi. Công việc chủ yếu của Hạnh là giao nhận tiền với các cá nhân theo chỉ đạo của Như lập sổ ghi chép việc giao nhận tiền của các nhân viên theo chỉ đạo của em gái và lập sổ ghi chép việc giao nhận tiền của công ty. Được biết, Hạnh đã theo lời em gái mở tổng cộng 7 tài khoản tại các ngân hàng, ký cầm 4 hợp đồng cầm cố vay gần 56 tỷ đồng từ hồ sơ giả của Như đưa.

Trong vụ án này, Hạnh cũng đã bị bắt giam và bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với vai trò đồng phạm, giúp sức. Hạnh cho biết, nắm rất rõ những quy định của ngân hàng, người đứng tên vay thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tất cả giấy tờ mình đứng tên vay đều do Như soạn thảo, và Hạnh chỉ có trách nhiệm ký vào rồi đến ngân hàng xác nhận.

Bản án nào là thích đáng?

Bên cạnh đó, Hạnh cho hay mình không có nhu cầu vay ngân hàng với số tiền “khủng” như thế. Cũng chỉ vì thương và tin em gái, Hạnh làm theo lời của Như để bây giờ, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trong khoảng thời gian qua, Hạnh rất nhớ hai đứa con còn khá nhỏ của mình. Tuy nhiên với tội trạng đã rõ, Hạnh vẫn phải đối mặt với bốn bức tường tối và hôm nay đứng trong vành móng ngựa, lo lắng, chờ mức án từ 12 năm đến 20 năm đang treo lơ lửng trên đầu.

Với số tiền lừa đảo 5.000 tỷ đồng, dư luận đang quan tâm không biết mức án nào sẽ dành cho nữ đại gia siêu lừa số 1 Việt Nam? Ngay sau khi có kết quả điều tra, cơ quan công an đã chuyển hồ sơ cho viện Kiểm sát. Thẩm xét hồ sơ, viện Kiểm sát truy tố Như hai tội là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Trước đây, hồ sơ vụ án đã được trả lại để điều tra nhiều lần, xem xét người phụ nữ này có phạm tội tham ô hay không. Tuy nhiên, cả hai lần, cơ quan điều tra đều khẳng định, Như không dính dáng đến tội “Tham ô”.

Điều đáng nói, trong khung hình phạt của Bộ luật Hình sự hiện nay, với hai tội danh trên, mức án cao nhất đối với Như chỉ là chung thân. Như vậy, với việc “bỏ túi” số tiền “khủng” như thế nhưng chắc chắn, Như sẽ không bị tuyên mức án tử hình. Trong khi đó, nếu bị truy tố về tội “Tham ô”, thì chỉ cần chiếm đoạt vài tỷ đồng thì sẽ bị tuyên án tử. Nhiều người cho rằng, với số tiền chiếm đoạt lớn nhất từ trước đến nay nhưng với mức án chung thân là chưa đủ sức răn đe. Họ cũng cho rằng, biết đâu, trong phiên xử, HĐXX sẽ phá rào?

40 luật sư tham gia bào chữa đến từ cá nhân, tổ chức liên quan40 luật sư tham gia bào chữa đến từ cá nhân, tổ chức liên quan

Theo chân Huyền Như hầu tòa trong sáng nay còn có 23 bị cáo khác với các tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”, “Cho vay nặng lãi”, “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”. Trong đó, 13 bị cáo nguyên là trưởng, phó phòng, cán bộ, nhân viên của phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Đinh Tiên Hoàng, Võ Văn Tần, Vietinbank chi nhánh Nhà Bè. Ngoài ra, 15 nguyên đơn dân sự và người bị hại, 25 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án cũng được mời. Đặc biệt, có 40 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo cùng những cá nhân, tổ chức liên quan.

 


Ý kiến của bạn