Sau khi thực hiện trạng thái "bình thường mới", các hoạt động xây dựng được khôi phục lại, nhiều doanh nghiệp vận tải đã tìm cách để nâng tải trọng cho xe bằng cách cơi nới thành thùng, chở quá khổ, quá tải.
Tình trạng này xuất hiện khá nhiều trên tuyến quốc lộ 1A, đường 21, đường tỉnh, đường tránh... thuộc địa phận tỉnh Hà Nam (địa phương có nhiều nhà máy xi măng với sản lượng lớn nhất cả nước). Trên những cung đường này, không ít các phương tiện có dấu hiệu quá tải trọng không che chắn làm rơi vãi, gây bụi, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân...
Tại đoạn đường từ các nhà máy xi măng Xuân Thành, Hoàng Long (đóng trên địa bàn xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm) ra QL1A có chiều dài chừng 1km, mỗi ngày có đến hàng trăm chuyến xe chuyên chở vật liệu xây dựng lưu thông qua đây.
Các phương tiện hoạt động tại khu vực này chủ yếu là loại xe tải 3-4 trục, quan sát mắt thường dễ thấy hầu hết các xe đều có kích thước thành thùng cao hơn 1m, nhiều chiếc cơi nới, be chắn thêm 30-50cm và chở "có ngọn" (quá kích thước thành thùng), che chắn tạm bợ, thậm chí không phủ bạt chống rơi vãi theo quy định.
Ngăn chặn xe quá tải, quá khổ
Tiếp nhận thông tin phản ánh của Báo Sức khoẻ & Đời sống, Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Nam đã tăng cường lực lượng, phương tiện, duy trì các chốt và tổ chức tuần tra, kiểm soát 24/24h ở tất cả các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh.
Chiều 13/12, tại chốt kiểm soát trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn tránh TP Phủ Lý, tổ công tác của Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Nam đã phát hiện, xử phạt 54.400.000 đồng đối với ô tô BKS 90C - 902.07 vi phạm các lỗi chở quá trọng tải 100% và tự ý thay đổi kích thước thành thùng.
Đây là 1 trong số 125 trường hợp xe quá khổ, quá tải bị phát hiện, xử phạt từ đầu tháng 12/2021 đến nay. Trong quá trình xử lý vi phạm, do sự chỉ đạo của các chủ xe nên tài xế không thực hiện yêu cầu cân tải, khi lực lượng chức năng có các biện pháp cứng rắn và mạnh mẽ hơn thì chủ xe mới đồng ý cho xe lên cân.
Nhiều phương tiện khác sau khi nhận được tin báo sẽ đi vào các đường tránh hoặc dừng phương tiện lại một chỗ, không tiếp tục di chuyển, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
Trước đó, thực hiện chuyên đề xử lý ô tô chở hàng quá trọng tải, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ, từ đầu năm đến nay, Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Nam đã lập biên bản xử lý đối với 6.619 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 11 tỷ đồng…
Cũng trong chiều 13/12, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của PV Báo Sức khỏe & Đời sống về tình trạng nhiều phương tiện quá tải trọng lưu thông từ Hà Nam qua cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi các tỉnh, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 (Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ - Cục Cảnh sát giao thông) đã tổ chức kiểm tra đối với phương tiện BKS 90C-104.96, rơ mooc: 90R-007.16 do lái xe Dương Văn Nguyên thuộc công ty TNHH vật liệu Ba Ta, địa chỉ: Thanh Sơn, Kim Bảng, Hà Nam điều khiển.
Với lỗi chở quá trọng tải 29,17%, lái xe bị xử phạt 900.000 đồng, chủ xe bị phạt 6.000.000 đồng. Ngoài ra tước phù hiệu xe đầu kéo 2 tháng.
Theo ông Vũ Ngọc Oánh, Phó tổng giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là cửa ngõ Thủ đô nên việc cung cấp các loại vật liệu cho thành phố chủ yếu qua tuyến đường này. Các lái xe đều biết trên tuyến chưa có trạm cân nên vô tư chất hàng chở quá tải.
Dù không có con số chính xác nhưng qua nhận định trực quan, ước tính có tới khoảng 400 - 500 xe quá tải chạy trên tuyến một ngày đêm...
Mới đây, Bộ GTVT có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện, kích thước thùng xe, đặc biệt là việc kiểm soát tải trọng xe ngay tại các đầu nguồn hàng và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Tổng cục Đường bộ kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn. Đồng thời, tuyên truyền các quy định của pháp luật về tải trọng xe, thiệt hại do xe quá tải và chế tài xử phạt vi phạm.