Xe quá khổ, quá tải được phép lưu hành trên đường bộ khi nào?

31-10-2024 12:29 | Xã hội
google news

SKĐS - Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 đã có những nội dung quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích lưu hành trên đường bộ.

Xe quá khổ, quá tải là gì?

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, tại Điều 52 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 chính thức có hiệu lực từ 1/1/2025 quy định chi tiết xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng lưu hành trên đường bộ.

Xe quá khổ giới hạn bao gồm: Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng có kích thước bao ngoài vượt quá kích thước giới hạn cho phép của xe theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe cơ giới; xe cơ giới, xe máy chuyên dùng có kích thước bao ngoài quá khổ giới hạn của đường bộ; xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi chở hàng hóa có kích thước bao ngoài của xe và hàng hóa vượt quá kích thước giới hạn cho phép xếp hàng hóa của xe hoặc quá khổ giới hạn của đường bộ.

Xe quá tải trọng bao gồm: Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng có khối lượng toàn bộ vượt quá khối lượng cho phép của xe hoặc vượt quá tải trọng của đường bộ; xe cơ giới, xe máy chuyên dùng có khối lượng toàn bộ phân bổ lên trục xe, cụm trục xe vượt quá tải trọng của trục xe, cụm trục xe hoặc vượt quá tải trọng của đường bộ.

Xe quá khổ, quá tải được phép lưu hành trên đường bộ khi nào?- Ảnh 1.

Xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích chỉ được lưu hành trên đường bộ sau khi được cấp giấy phép lưu hành. Ảnh minh họa.

Quy định về cấp giấy phép lưu hành xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích lưu hành trên đường bộ:

Điều 52, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định:

Lưu hành xe quá khổ giới hạn không chở hàng hóa, xe có khối lượng bản thân của xe quá tải trọng của đường bộ không chở hàng hóa, xe bánh xích từ nơi sản xuất, ga, cảng và các địa điểm nhập khẩu, sửa chữa, bảo trì đến nơi sử dụng phương tiện và ngược lại hoặc giữa các địa điểm sử dụng phương tiện;

Lưu hành xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng để chở hàng hóa trên đường bộ trong các trường hợp: phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; thực hiện nhiệm vụ trong trường hợp khẩn cấp; chở hàng siêu trường, siêu trọng khi các phương thức vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng không, hàng hải không phù hợp hoặc phải kết hợp phương thức vận tải đường bộ với phương thức vận tải khác;

Lưu hành xe quá khổ giới hạn cho phép của xe để chở xe ô tô chở người đến 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3.500 kg từ nơi sản xuất, ga, cảng và các địa điểm nhập khẩu, sửa chữa, bảo trì đến nơi sử dụng.

Xe quá khổ, quá tải được phép lưu hành trên đường bộ khi nào?- Ảnh 2.

Tài xe lái xe quá tải phải tuân thủ quy định xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng lưu hành trên đường bộ. Ảnh minh họa.

Việc bảo vệ công trình đường bộ khi cho phép xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích lưu hành trên đường bộ được quy định như sau:

- Trường hợp xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích vượt quá tải trọng, khổ giới hạn của công trình đường bộ thì tổ chức, cá nhân có nhu cầu lưu hành xe chịu trách nhiệm khảo sát, thiết kế, gia cường công trình đường bộ;

- Việc khảo sát, thiết kế, gia cường công trình đường bộ do đơn vị đủ điều kiện năng lực hoạt động theo quy định của pháp luật về xây dựng thực hiện;

- Tổ chức, cá nhân lưu hành xe có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí để khảo sát, thiết kế, gia cường công trình đường bộ quy định tại điểm b khoản này;

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại các điểm a, b và c khoản này có trách nhiệm bồi thường khi xảy ra thiệt hại đối với công trình đường bộ;

- Trường hợp cần thiết, phải có người, phương tiện hỗ trợ lái xe, cảnh báo cho người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ khác và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường bộ theo quy định của Chính phủ;

- Xe bánh xích được phép lưu hành trên đường bộ thì phải có biện pháp bảo vệ mặt đường.

Cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp giấy phép lưu hành xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích lưu hành trên đường bộ; trường hợp vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng thì việc cấp giấy phép thực hiện theo quy định; cơ quan, tổ chức được giao trực tiếp quản lý công trình đường bộ thuộc trường hợp phải gia cường quy định việc chấp thuận phương án khảo sát, thiết kế, gia cường công trình đường bộ.

Xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích chỉ được lưu hành trên đường bộ sau khi được cấp giấy phép lưu hành xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích và đã thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình đường bộ.

Cơ quan cấp giấy phép lưu hành xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích lưu hành có trách nhiệm gửi thông báo ngay cho cơ quan Cảnh sát giao thông Bộ Công an và cơ quan Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến đường, đoạn đường mà phương tiện đi qua để chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Lực lượng Cảnh sát giao thông chịu trách nhiệm tổ chức tuần tra, kiểm soát, điều khiển giao thông, xử lý vi phạm pháp luật đối với xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích lưu hành trên đường bộ.

Xem thêm bài viết được quan tâm:

Từ 1/1/2025, bảo hiểm xe máy có bắt buộc phải mua hay không?Từ 1/1/2025, bảo hiểm xe máy có bắt buộc phải mua hay không?

SKĐS - Theo quy định Luật Trật tự, ATGT đường bộ 2024 thì bảo hiểm xe máy sẽ là bắt buộc đối với chủ xe cơ giới khi tham gia giao thông.



Đan Tâm
Ý kiến của bạn