Hà Nội

Xe máy phải đăng kiểm định kỳ

24-08-2012 09:54 | Thời sự
google news

Để hạn chế phương tiện cá nhân, Bộ GTVT vừa đưa ra phương án áp dụng đăng kiểm với xe máy (như với ô tô) tại các đô thị lớn. Tuy nhiên, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, nếu triển khai sẽ ảnh hưởng đến đại bộ phận đời sống người dân.

Để hạn chế phương tiện cá nhân, Bộ GTVT vừa đưa ra phương án áp dụng đăng kiểm với xe máy (như với ô tô) tại các đô thị lớn. Tuy nhiên, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, nếu triển khai sẽ ảnh hưởng đến đại bộ phận đời sống người dân.
 Theo dự thảo đề án của Bộ GTVT, hàng chục triệu xe máy sẽ phải đi đăng kiểm hằng năm.
Đăng kiểm xe máy hằng năm

Bộ GTVT vừa đưa ra dự thảo “Đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn” để lấy ý kiến các địa phương.

Theo đó, cùng với tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), đầu tư cơ sở hạ tầng; dự thảo cũng đưa ra một số giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân.

Cụ thể, với xe máy, hàng năm cần tiến hành đăng kiểm (như đang áp dụng định kỳ với ô tô) để kiểm soát những xe không đủ điều kiện lưu thông. Với ô tô, để sở hữu được phương tiện này, chủ nhân phải chứng minh được có chỗ đỗ xe.

Cùng với đó, để sở hữu được phương tiện cá nhân tại các đô thị lớn, chủ nhân phải có thời gian sinh sống tại đây ít nhất 5 năm. Ngoài ra, người sử dụng phương tiện cá nhân còn phải đóng thêm phí môi trường...

Cho ý kiến về việc này, tại cuộc họp giữa các sở ngành với UBND TP Hà Nội sáng qua, Sở GTVT đồng ý với việc tăng cường phát triển VTHKCC và cơ sở hạ tầng khung khi triển khai đề án hạn chế xe cá nhân.

Tuy nhiên về các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, Sở GTVT lại đề nghị bỏ, không nên áp dụng.

Lý giải cho việc này, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT cho rằng, với quy định áp dụng đăng kiểm cho xe máy, do đây là đối tượng tập trung vào tầng lớp tiểu thủ công nghiệp, nông dân, người có thu nhập thấp nên nếu áp dụng sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Tương tự, với quy định chủ sở hữu phải có ít nhất 5 năm sống ở thành phố mới được đăng ký phương tiện thì người dân có nhu cầu có thể sử dụng xe đăng ký ngoại tỉnh.

Với quy định sở hữu ô tô phải chứng minh được có chỗ đỗ xe, thực tế đã đưa vào triển khai nhưng không khả thi. Với phí môi trường, ông Tân cho rằng, do hiện tại loại phí này đã được tính vào trong giá nhiên liệu nên Sở GTVT cũng đề nghị bỏ.

Sở GTVT đề xuất phí vào nội đô và phí giờ cao điểm

Để đề án triển khai có hiệu quả, Sở GTVT Hà Nội đề nghị Bộ GTVT bổ sung, xem xét thêm một số nội dung.

Cụ thể, cần có chính sách ưu tiên về thuế suất đối với các loại thuế của phương tiện VTHKCC, mở thêm nhiều làn đường dành riêng cho xe buýt.

Cần xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng khung về giao thông trong khoảng thời gian 5 đến 10 năm, tập trung bố trí vốn hoàn thành dứt điểm theo từng kế hoạch đề ra.

Về công tác tổ chức giao thông, một mặt tập trung tổ chức theo hướng ưu tiên lòng đường cho xe buýt, cần tăng cường quản lý vỉa hè, lòng đường theo hướng tạo thuận lợi cho người đi bộ tiếp cận vận tải công cộng.

Về lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, đây là nội dung cốt lõi, do vậy cần thực hiện trong giai đoạn ngắn.

Cụ thể, từ nay đến 2015, Hà Nội cần di dời được một số cơ quan, trường học, bệnh viện ra khỏi khu vực trung tâm nội thành.

Ông Tân đề nghị dự thảo xem xét triển khai đề án "Thu phí vào trung tâm thành phố" và "Phí vào trung tâm thành phố giờ cao điểm".

Thiếu tướng Trần Thùy - Phó Giám đốc CATP Hà Nội cũng cho rằng, chậm nhất đến năm 2013 - 2014, các đô thị lớn phải thực hiện việc hạn chế các phương tiện cá nhân, cùng với đó là tăng không gian đi bộ ở khu vực trung tâm.

Tham gia góp ý vào dự thảo đề án, ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội nhấn mạnh, đề án cần ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, tự động hóa tín hiệu giao thông, có lộ trình cho từng giai đoạn, hạ tầng phát triển đến đâu, hạn chế phương tiện cá nhân đến đó.

Sau khi tiếp nhận các ý kiến trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho biết, sau cuộc họp sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng của TP nghiên cứu và xây dựng thành văn bản để trình Bộ GTVT.

Theo ông Khôi, để thực hiện tốt đề án trên điều đầu tiên cần phải làm là hạ tầng giao thông và vận tải công cộng phải phát triển. Do vậy thời gian tới TP sẽ ưu tiên quỹ đất, vốn cho phát triển hạ tầng và vận tải công cộng.
 
Theo Tiền phong

Ý kiến của bạn