Diễn biến phức tạp, mất kiểm soát
Vấn nạn xe khách trá hình không chỉ gây thất thu thuế phí, các bến xe, nhà xe đối diện nguy cơ phá sản mà còn gây mất trật tự ATGT nghiêm trọng.
Tình trạng xe khách trá hình đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành không chỉ khiến Nhà nước thất thu thuế phí mà các bến xe, nhà xe tuyến cố định cũng đứng trước nguy cơ phá sản.
Mới đây, Hiệp hội Vận tải Hải Phòng và Hiệp hội vận tải ô tô các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang đã phải "cầu cứu" Bộ GTVT trước tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình hoành hành tại các địa phương này.
Ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hải Phòng cho biết, hiện nay, trong lĩnh vực vận tải hành khách có nhiều diễn biến phức tạp, có biểu hiện của sự mất kiểm soát. Trong đó, nổi bật là tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình, xe đi ghép đón trả khách tại nhà.
Thậm chí, Hiệp hội vận tải Hải Phòng cho biết, nhiều doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định còn bỏ bến để "chạy dù" hoặc chạy xe hợp đồng trá hình, công khai bán vé thu tiền trên mạng xã hội như xe chạy tuyến cố định.
Phúc đáp ý kiến của các đơn vị trên, Bộ GTVT đề nghị Hiệp hội vận tải Hải Phòng và Hiệp hội vận tải ô tô các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang nắm bắt tình hình, cung cấp danh sách đơn vị vận tải, phương tiện có dấu hiệu vi phạm; địa điểm, tuyến phố, khu vực có xe dù, bến cóc hoạt động, kịp thời phản ánh đến Sở GTVT, đến các cơ quan, lực lượng chức năng của địa phương và UBND cấp tỉnh để chỉ đạo kiểm tra, xử lý theo quy định (?!).
Xử lý dứt điểm bằng cách nào?
Giới chuyên môn nhìn nhận, tình trạng xe dù, bến cóc và xe hợp đồng trá hình nở rộ là điều bất thường, bởi trên thực tế hành lang pháp lý để quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô, đồng thời cũng để kiểm soát các phương thức vận tải trá hình, trái phép như trên giờ đều tương đối đầy đủ, từ Trung ương đến địa phương.
Theo ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình cho đến nay không giải quyết được. Để vấn nạn này tiếp diễn sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.
"Chính phủ, Bộ GTVT, các ngành, địa phương đều có quy định về quản lý giao thông vận tải. Đặc biệt là Nghị định số 10 thay thế cho Nghị định 86 trước đây đã quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã nêu rất cụ thể về trách nhiệm, điều kiện hoạt động đối với các loại hình vận tải, trong đó có xe hợp đồng. Vậy tại sao xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình vẫn có đất sống", ông Bùi Danh Liên đặt câu hỏi.
Ông Bùi Danh Liên nhấn mạnh, việc để xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình tồn tại dai dẳng bất chấp các quy định của nhà nước về quản lý giao thông đã có đầy đủ thì trách nhiệm thuộc về nhiều đơn vị và địa phương.
Vị chuyên gia này kiến nghị, đã đến lúc phải áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động vận tải. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật sẽ trợ giúp tốt cho các cơ quan quản lý Nhà nước và lực lượng chức năng, từ đó họ sẽ có thêm trở thủ đắc lực để xóa bỏ vấn nạn xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình.
"Việc áp dụng nghiêm quy định về sử dụng công nghệ trong quản lý chắc chắn sẽ hạn chế được xe dù, bến cóc, xe "trá hình" tuyến cố định. Các cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương cùng tham gia vào việc này sẽ có chuyển biến trong việc chống được vấn nạn này thôi", ông Bùi Danh Liên nhận định.
Đại diện Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng cho biết, tình hình này tồn tại đã lâu nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn, khiến cho một số nhà xe tuyến cố định cũng bỏ bến xe, ra ngoài chạy dù tại các bến cóc gây mất trật tự an toàn giao thông và đặc biệt là tạo thế cạnh tranh không bình đẳng.
Về giải pháp, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị với Bộ GTVT:
Thứ nhất, loại hình xe limousine nói trên phải được xác định là xe kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định để tạo sự thống nhất trong quản lý vận tải và quan trọng hơn là quản lý tiền thuế.
Thứ 2 là sửa quy định về cấm phương tiện vào các tuyến phố theo hướng xác định số ghế xe theo thiết kế nguyên thủy của xe, vì dù hoán cải để giảm số ghế thì diện tích chiếm chỗ của xe (kích thước bao ngoài) không thay đổi.
Thứ 3 là chỉ đạo sở GTVT các địa phương căn cứ dữ liệu giám sát hành trình để xử lý, tước phù hiệu xe hợp đồng đón trả khách không đúng nơi đã ghi trong hợp đồng, đặc biệt là xe khách "trá hình" (limousine, dcar).
Thứ 4 là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho xe vận tải hành khách tuyến cố định, nghiên cứu các điểm dừng đón, trả khách cho xe tuyến cố định có mái che, ghế ngồi để thuận tiện cho hành khách.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, giải pháp lâu dài cần nghiên cứu sửa đổi Luật GTĐB để phân loại lại các hình thức kinh doanh vận tải hành khách có đặc điểm hoạt động tương đối giống nhau thành một hình thức kinh doanh.
Điều này nhằm mục tiêu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, minh bạch và công bằng, cùng với siết chặt điều kiện kinh doanh để đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Xem thêm video được quan tâm:
Tai nạn xe khách trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai khiến 7 người thương vong