![]() Chen nhau mua vé xe về TP HCM vào sáng mồng 8 Tết tại bến xe Sóc Trăng. |
Ông Phạm Văn Phương, Trưởng bến xe khách tỉnh Cà Mau cho biết, sáng sớm 17/2 hàng nghìn khách từ các huyện đổ xô về TP Cà Mau mua vé trở lại TP HCM và các tỉnh đông Nam bộ sau một tuần về quê đón năm mới. Từ mùng 4 Tết, mỗi ngày bến xe Cà Mau tiếp nhận trên 10.000 khách.
Theo ông Phương, để giải tỏa hết khách trong ngày cao điểm, ngoài 400 xe của 70 doanh nghiệp hoạt động thường xuyên, Bến xe Cà Mau đã huy động thêm 25 xe chất lượng cao có ghế, giường nằm và hơn 20 xe buýt.
![]() Người đàn ông này không mua kịp vé tại bến xe nên chở con gái ra quốc lộ 1A đón xe về TP HCM với giá cao theo "giới thiệu" của cánh xe ôm. |
Anh Trần Văn Mạnh (39 tuổi, ngụ Láng Tròn, huyện Giá Rai) cho biết, trước Tết đón xe lên TP HCM chỉ tốn 160.000 đồng nhưng sáng mùng 8 Tết, vợ chồng và con trai anh phải mất 1.050.000 đồng cho 3 vé lên đến bến xe miền Tây.
"Làm công nhân cả năm mới có dịp về thăm quê một lần. Được nghỉ Tết lâu nên sáng nay gia đình tôi mới trở lại Sài Gòn, đành chịu mua vé với giá hơn gấp đôi ngày thường. Đi xe dù nên không được trung chuyển, về đến bến xe miền Tây phải tự đón xe buýt về nhà trọ", anh Mạnh nói.
![]() Những người đến bến xe Sóc Trăng từ sáng sớm mua được vé chính hãng nhưng phải ngồi chờ nhiều giờ liền để đi chuyến trưa hoặc chiều tối. |
Tại bến xe Sóc Trăng, 8h sáng ngày 17/2 hãng Mai Linh đã hết vé. Hãng Phương Trang tăng vé lên 185.000 đồng tuyến TP HCM nhưng chỉ còn vài vé chuyến 16h chiều. Ban điều hành Bến xe Sóc Trăng phát loa báo, giá vé 140.000 đồng tuyến TP HCM vào lúc 12h trưa cùng ngày nhưng 15 phút sau đã bán sạch vé.
Nhiều xe ôm bên ngoài gạ gẫm hành khách để bán lại vé chuyến TP HCM lúc 12h trưa với giá 250.000 đồng. Nhiều phụ huynh chở con ra đến bến xe Sóc Trăng nhưng không mua được vé chính hãng đã được cánh xe ôm "giới thiệu" ra quốc lộ 1A có xe đi liền với giá một người 250.000 - 300.000 đồng.
Theo Duy Khang (VnExpress)