Hà Nội

Xe cứu thương: 600 năm lịch sử từ xe ngựa kéo tới ôtô hiện đại

xe cứu thương

xe cứu thương

02-10-2022 10:30 | Y học 360
google news

SKĐS - Để trở thành chiếc ô tô hiện đại như ngày nay, xe cứu thương đã phải trải qua hàng trăm năm với hàng loạt sự thay đổi từ chiếc xe kéo, xe ngựa đến xe cơ giới dùng hơi nước…

Xe cứu thương xuất hiện lần đầu ở Tây Ban Nha vào thế kỉ 15 dưới hình hài là những toa xe chở người bị thương. Loại xe này có một lịch sử hình thành và phát triển rất lâu dài.

Xe cứu thương: 600 năm lịch sử từ xe ngựa kéo tới ôtô hiện đại - Ảnh 1.

Xe cứu thương dùng sức ngựa hoạt động trong cuộc Nội chiến Mỹ (1861-1865).

Tên gọi xe cứu thương trong tiếng Anh (ambulance) có nguồn gốc từ tiếng Pháp (ambulant). Nó cũng có nghĩa là bệnh viện di động được sử dụng lần đầu vào năm 1809. Kể từ đó tới nay, xe cứu thương đã trải qua hàng loạt sự thay đổi lớn.

Sử dụng phổ biến khi có chiến tranh

Đúng với chức năng nhiệm vụ của mình, những chiếc xe cứu thương dần trở nên phổ biến và xuất hiện nhiều tại nơi có người bị thương.

Thời gian trước thế kỷ 20, các phương tiện vận chuyển bệnh nhân khẩn cấp đều được thực hiện bằng xe ngựa hoặc xe kéo. Trong cuộc nội chiến Mỹ, xe ngựa được huy động để đưa thương binh khỏi chiến trường. Điều này chỉ kết thúc khi William A. Hammond trở thành người đứng Bộ Y tế vào năm 1862, xe cứu thương mới bắt đầu được sử dụng phổ biến trong chiến tranh.

Xe cứu thương: 600 năm lịch sử từ xe ngựa kéo tới ôtô hiện đại - Ảnh 2.

Đoàn xe ngựa cứu thương vận chuyển binh sĩ Mỹ ra khỏi chiến trường.

Trong những trận đánh, các sĩ quan chiến đấu sẽ không có nhiệm vụ đưa binh sĩ khỏi trận địa như trước đây, thay vào đó là quân y. Một đội ngũ vận chuyển thương binh được thành lập, cứ 150 binh sĩ sẽ có một xe cứu thương. Xe cứu thương giai đoạn này đa phần dùng sức ngựa.  Tại trận Antietam, chỉ trong một ngày, xe cứu thương đã giúp vận chuyển 9.420 binh sĩ của phe miền Bắc ra khỏi chiến trường.

Lần đầu tiên trở thành “cầu nối” bệnh nhân và bệnh viện

Dịch vụ xe cứu thương ở bệnh viện lần đầu tiên được triển khai ở Cincinnati, Ohio, Mỹ vào năm 1865.

Tại New York, Bệnh viện Bellevue là một trong những nơi triển khai dịch vụ xe cứu thương sớm nhất. Chỉ trong hai năm từ năm 1869 đến 1870, chính quyền thành phố New York đã nhận được 1.400 cuộc gọi khẩn cấp. Đến năm 1890, xe cứu thương đã đáp ứng gần 4.400 cuộc gọi mỗi năm.

Xe cứu thương: 600 năm lịch sử từ xe ngựa kéo tới ôtô hiện đại - Ảnh 3.

Xe cứu thương được cải tiến để tiện lợi hơn với việc chở người bệnh trong cuộc sống đời thường.

Không giống xe cứu thương được sử dụng trong chiến tranh, thời bình chiếc xe này được cải tạo nhằm mang đến sự thoải mái và khả năng đáp ứng tốc độ cao. Từ lúc nhận được thông tin, đội xe cứu thương sẽ mất khoảng 30 giây để tới hiện trường. Thời gian đáp ứng dịch vụ càng nhanh, kết quả càng tốt.

Trên xe cứu thương vào giai đoạn này bắt đầu được trang bị một số dụng cụ y tế chuyên biệt như nẹp, thuốc morphine và một số dung dịch khử trùng khác.

Cơ giới hóa xe cứu thương

Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô ở châu Mỹ, xe cứu thương cũng từng bước được nâng cấp từ xe ngựa sang xe cơ giới dùng hơi nước, điện và cuối cùng là dùng xăng.

Lúc bấy giờ, xe cứu thương đã to lớn hơn, mang được nhiều trang bị y tế cùng số lượng nhân viên trên xe đông đảo hơn trước. Xe cứu thương dùng động cơ được sử dụng lần đầu tiên tại Bệnh viện Michael Reese (Mỹ) vào năm 1899.

Xe cứu thương: 600 năm lịch sử từ xe ngựa kéo tới ôtô hiện đại - Ảnh 4.

Xe cứu thương Model T.

Vào 10 năm sau, xe cứu thương đã tham gia vào ngành công nghiệp ôtô với tư cách là phương tiện được sản xuất hàng loạt. Loạt xe đầu tiên được Công ty James Cunningham & Son (Mỹ) chế tạo vào năm 1909. Xe có động cơ 4 xy-lanh, công suất 32 mã lực và có tên gọi xe cứu thương Model 774.

Bước cải tiến vượt bậc từ “dấu chấm hỏi” về chất lượng xe cứu thương

Năm 1965, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ công bố một cuộc nghiên cứu về mức độ an toàn của xe cứu thương. Đó là cuộc điều tra kỹ lưỡng về tính hiệu quả cũng như mối nguy hiểm thực sự của loại xe này. Nghe có vẻ vô lý nhưng thực tế, xe cứu thương hồi đó là những chiếc xe chở khách được chuyển đổi công năng sang xe vận chuyển người bệnh.

Xe cứu thương: 600 năm lịch sử từ xe ngựa kéo tới ôtô hiện đại - Ảnh 5.

Xe cứu thương của Cadillac sử dụng vào năm 1947.

Chất lượng đội ngũ nhân viên y tế trên xe cũng là một dấu hỏi lớn. Có người được đào tạo bài bản, chuyên sâu nhưng cũng có người hạn chế về trình độ y tế. Phương tiện này không còn là những chiếc xe vận chuyển người bệnh đơn thuần mà trở thành những bệnh viện di động. Vì thế cần có một quy chuẩn riêng cho phương tiện đặc thù này.

Chính vì thế, năm 1966, Cơ quan An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA) ban hành các quy chuẩn riêng về việc chế tạo xe cứu thương. Điều này mở ra hàng loạt các tiêu chuẩn và quy định cho loại hình phương tiện này trong tương lai.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng liên tục tổ chức các chương trình đào tạo y tá, điều dưỡng viên hoạt động trên xe cứu thương nhằm phục vụ cộng đồng một cách tốt hơn.

Xe cứu thương: 600 năm lịch sử từ xe ngựa kéo tới ôtô hiện đại - Ảnh 6.

Xe cứu thương của sở cứu hoả West Hamilton Beach vào thập niên 90.

Đến thời điểm hiện tại, bên trong xe cứu thương có đầy đủ các dụng cụ y tế, thuốc men cần thiết cho việc sơ cấp cứu trong khi di chuyển. Đa số các xe cứu thương hiện đại ngày nay được chế tạo dựa trên khung gầm xe bán tải, không gian cabin cũng lớn hơn trước rất nhiều.

Nhiều xe cứu thương còn được chế tạo riêng các trang thiết bị theo nhu cầu của khách hàng như bệ đỡ sàn xe, tủ, tời điện, chỗ ngồi, ánh sáng, thiết bị liên lạc với bệnh viện...

Trải qua gần 600 năm phát triển chỉ từ những chiếc xe kéo xe ngựa đơn giản nhất đến chiếc xe cứu thương sở hữu hàng loạt các trang thiết bị y tế hiện đại… dù khi nào và ở đâu, chiếc xe cứu thương đều mang trên mình một trọng trách cao cả.

Người dân tận mắt giám sát hành trình xe cứu thươngNgười dân tận mắt giám sát hành trình xe cứu thương

SKĐS - Khi người dân gọi xe cấp cứu 115 thì các thông tin về tiến độ, lịch trình xe cứu thương được công khai theo thời gian thực để người dân quản lý, giám sát.


KD
Ý kiến của bạn