Tuy nhiên, câu chuyện xe công và quản lý xe công một lần nữa đã được Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2019 của Bộ Tài chính tổ chức chiều ngày 9/1 vừa qua. Thủ tướng cho rằng vấn đề tài sản công đã kéo dài nhiều năm, vì vậy, đề nghị ngành tài chính tập trung giải quyết tốt hơn trong năm nay, trong đó có vấn đề sử dụng xe công vụ.
Vẫn dậm chân tại chỗ
Năm nào cũng vậy, nhất là ở thời điểm cuối năm cũ, đầu năm mới, tình trạng lạm dụng xe công vào việc tư ở nhiều bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước lại được nhắc đến. Đây như phần nối dài tệ hại của câu chuyện cũ “xe công đi việc riêng”. Sử dụng lãng phí xe công hay tài sản công nói chung vẫn đang là một vấn đề nhức nhối trong dư luận xã hội khi gần đây đã xuất hiện nơi thừa, nơi thiếu, sử dụng sai mục đích, sai công năng. Và câu chuyện này đã được Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính (cơ quan được giao quản lý công sản) yêu cầu chấn chỉnh, nhắc nhở không được dùng xe công đi lễ chùa, đi chơi, đi việc riêng... những vi phạm rất phổ biến tái diễn.
Nhằm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng tài sản công, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 2/11/2016 về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ôtô theo hướng phấn đấu đến năm 2020 giảm từ 30 - 50% số lượng xe ôtô phục vụ công tác chung đang được trang bị cho các bộ, ngành, địa phương, trừ các đơn vị thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn và mở rộng đối tượng khoán kinh phí sử dụng xe ôtô.
Cần quyết liệt hơn trong chính sách quản lý xe công.
Triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018), Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ôtô. Dự thảo quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ôtô; khoán kinh phí sử dụng xe ôtô; thuê dịch vụ xe ôtô và sắp xếp lại, xử lý xe ôtô tại cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động, đơn vị sự nghiệp công lập, ban quản lý dự án sử dụng vốn Nhà nước; doanh nghiệp Nhà nước.
Được biết, từ năm 2017 đã có quy định trong chính sách quản lý xe công. Bộ Tài chính đã gương mẫu thực hiện chính sách khoán xe công cho các chức danh: Thứ trưởng, Tổng cục trưởng của Bộ này. Sau đó, chính sách khoán này cũng đã được áp dụng ở một số bộ, ngành, địa phương khác. Nhưng cho đến đầu tháng 10/2018, Bộ Tài chính mới hoàn thành dự thảo Nghị định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe công theo đó, chỉ bắt buộc áp dụng khoán xe công ở cấp sở, cấp cục. Như vậy, gần như chưa có nhiều thay đổi nào đáng kể trong chính sách quản lý xe công.
Đừng để nhờn luật
Vấn đề quản lý, sử dụng hiệu quả xe ôtô công được Bộ Tài chính quan tâm trong nhiều năm nay để thực hiện chủ trương thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm, chống lãng phí và sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước. Một đề xuất khác được đưa ra là sửa đổi chế tài xử phạt nhằm phù hợp với quy định của một số chính sách hiện hành như Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Doanh nghiệp; Luật Cán bộ, công chức và Nghị định số 192/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSNN; Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Dự trữ quốc gia, Kho bạc Nhà nước.
Theo đó, người ra quyết định mua sắm xe ôtô không đúng thẩm quyền, không đúng tiêu chuẩn, định mức, chủng loại phải bồi thường thiệt hại và tùy theo mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Đối với việc quản lý, sử dụng xe ôtô không đúng quy định, thủ trưởng cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm; tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và mức thiệt hại mà phải bồi thường thiệt hại, đồng thời bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Xe ôtô mua không đúng tiêu chuẩn, vượt giá quy định, vượt định mức bị thu hồi để điều chuyển hoặc bán đấu giá nộp ngân sách Nhà nước.
Ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính chia sẻ với báo chí: Với những chế tài đề xuất cụ thể như thế, tới đây, người dân và truyền thông cũng có thể tham gia giám sát, khi phát hiện vi phạm thì thông báo cho Sở Tài chính hoặc Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính để tiếp nhận, làm rõ và kịp thời xử lý vi phạm về quy định quản lý, sử dụng xe ôtô công.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, cả nước có hơn 39.400 xe công với tổng giá trị hiện tại trên 25.500 tỷ đồng. Nhưng trung bình nhiều chiếc xe công được sử dụng theo chế độ phục vụ riêng phải tốn chi phí xăng xe, bảo dưỡng, lương cho lái xe... trên 300 triệu đồng/chiếc/năm. Như vậy, số tiền ngân sách nhà nước phải chi trả cho khoản này cũng rất lớn. Do đó, có thể thấy, nếu Chính phủ, Bộ Tài chính quyết liệt hơn trong các chính sách khoán xe công, áp dụng đồng loạt và ở cả cấp quản lý cao hơn, song song với việc quy định, áp dụng các chế tài mạnh (ví dụ cắt hoàn toàn chế độ xe công với người vi phạm hay áp dụng hình thức kỷ luật nghiêm khắc: cách chức, cảnh cáo...) thì có thể hy vọng, tình trạng “nhờn thuốc”, bừa bãi, lãng phí trong quản lý, sử dụng xe công hiện nay mới có chuyển biến.
Theo đó, năm 2018, Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cũng đã xác định có hàng loạt bộ, ngành, địa phương có sai phạm trong quản lý, sử dụng xe công. Có một số bộ, ngành, địa phương có lượng xe công dư thừa lớn, sử dụng không đúng mục đích nhưng vẫn đề xuất mua nhiều xe mới... Thế nhưng sau những vụ việc ấy, hầu như không một cá nhân, tập thể nào có sai phạm trong việc sử dụng xe công bị kỷ luật. Và đó có lẽ là lý do chính dẫn đến tình trạng nhờn pháp luật về quản lý công sản.