Theo ghi nhận của PV Báo Sức khoẻ & Đời sống, dọc quốc lộ 1A bắt đầu từ huyện Thanh Liêm kéo dài gần 17km tới TP Phủ Lý (Hà Nam), hàng ngày xuất hiện rất nhiều xe có dấu hiệu quá tải, quá khổ chở xi măng, đá dăm, đất, cát.
Nghiêm trọng nhất là hoạt động rầm rộ của các loại xe tải từ nhà máy xi măng Xuân Thành (đóng tại huyện Thanh Liêm) và Nhà máy xi măng VICEM Bút Sơn (đóng tại huyện Kim Bảng) ra quốc lộ 21, quốc lộ 1… đi các địa phương.
Tại các tuyến đường quanh 2 nhà máy nói trên, dù liên tục được rót kinh phí tu sửa nhưng giờ đây đã hư hỏng nhiều chỗ. Nhiều đoạn mặt đường bị biến dạng, xuất hiện ổ voi, sóng đường gập ghềnh, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Sau khi thực hiện trạng thái "bình thường mới", các hoạt động xây dựng được khôi phục lại, nhiều doanh nghiệp vận tải đã tìm cách để nâng tải trọng cho xe bằng cách cơi nới thành thùng, chở quá khổ, quá tải.
Qua phản ánh của báo chí, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố; Tổng cục Đường bộ Việt Nam; các Cục quản lý chuyên ngành Đường bộ tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe dịp cuối năm 2021. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ được hạn chế phần nào vào ban ngày và lại chuyển sang hoạt động rầm rộ vào ban đêm.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có báo cáo tới Bộ GTVT về tình trạng xe quá tải đang bùng phát trở lại tại nhiều tỉnh, thành phố.
Tại văn bản này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ rõ hàng loạt các tỉnh thành để xe quá tải "lộng hành", điển hình tại tỉnh Hà Nam, mỗi ngày có rất nhiều xe đầu kéo kéo theo sơmi rơ moóc chở xi măng quá tải từ nhà máy xi măng Vicem Bút Sơn lưu thông trên QL 21 và đường Phủ Lý - Kiện Khê đến Cảng Bút Sơn, địa bàn huyện Kim Bảng và TP. Phủ Lý…
Những ngày gần đây, những "binh đoàn" xe tải cơi nới, "có ngọn" ở Hà Nam chuyển sang hoạt động rầm rộ vào ban đêm, gieo rắc nỗi ám ảnh cho người tham gia giao thông và người dân địa phương.
Điều đáng nói, những phương tiện này thoải mái tung hoành trên các tuyến đường mà không gặp phải bất cứ sự giám sát nào của cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam.
"Tình trạng xe chở xi măng, vật liệu xây dựng quá tải chạy liên tục qua đường tránh TP Phủ Lý, QL 21, QL1A địa phận tỉnh Hà Nam diễn ra lâu nay nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa thấy cơ quan chức năng xử lý. Mỗi khi báo chí phản ánh, tình trạng lắng xuống được một thời gian ngắn hoặc tạm dừng ban ngày nhưng chuyển sang hoạt động rầm rộ vào ban đêm khiến người dân lúc nào cũng nơm nớp lo sợ", một cán bộ hưu trí sống trên địa bàn phường Thanh Tuyền, TP Phủ Lý bức xúc.
Để tăng cường thực hiện các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện, chấm dứt tình trạng phương tiện quá tải tham gia giao thông, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 32 chỉ đạo Bộ GTVT, Bộ Công an và các đơn vị, địa phương, tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, xử lý các xe quá tải trên các tuyến giao thông.
Chỉ thị cũng nêu rõ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng phương tiện chở quá tải tham gia giao thông trên địa bàn.
Về kế hoạch Tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 32, Uỷ ban ATGT Quốc gia yêu cầu các bộ ngành liên quan và địa phương đánh giá toàn diện tình hình; nêu rõ những tồn tại, hạn chế, tránh hình thức…
Báo Sức khỏe & Đời sống sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.