Việc thành phố Hà Nội đang cho áp dụng tuyến xe buýt nhanh (BRT) được nhiều người dân chờ đợi nhưng cũng không ít ý kiến lo ngại. Bởi lẽ, không ít các tuyến đường xe chạy qua như Tố Hữu, Lê Văn Lương, Láng Hạ... vốn là điểm đen về ùn tắc giao thông, nếu tuyến buýt nhanh đi vào hoạt động thì tình trạng này sẽ càng thêm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, một vấn đề đặt ra là với mật độ tham gia giao thông đông, đường hẹp, tốc độ xe buýt chạy nhanh có tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn...
Tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14km, chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - Bến xe Kim Mã. Tổng đầu tư của dự án là 55 triệu USD (trên 1.100 tỷ đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Dự án khởi công đầu năm 2013, ban đầu dự kiến khai thác vào quý II/2015. Tuy nhiên do chậm tiến độ gần 2 năm nên ngày 15/12, xe buýt nhanh Hà Nội bắt đầu chạy thử tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa để đầu năm 2017 sẽ vận hành chính thức.
Một vấn đề nữa dư luận băn khoăn là việc phân làn riêng cho xe buýt nhanh bằng dải phân cách mềm là có khả thi? Mặc dù cơ quan chức năng giải thích về nguyên tắc là không cho người dân đi vào làn đường của xe buýt nhanh. Trong trường hợp xảy ra ùn tắc, sẽ có lực lượng xử lý sự cố ở từng thời điểm. Tuy nhiên, với mật độ tham gia giao thông quá tải trên các tuyến đường hiện nay, những nơi cấm đi như vỉa hè mà xe máy còn trèo lên đi, nói gì đến vạch sơn liền...
Cũng theo các chuyên gia giao thông, quyết định cấm hàng loạt phương tiện để dành đặc quyền cho xe buýt nhanh khi giao thông Thủ đô đang bị quá tải là việc làm mà Hà Nội cần xem xét một cách cẩn trọng, tránh những bất hợp lý bởi hệ thống giao thông chật hẹp, lượng phương tiện quá đông sẽ dễ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn cục bộ vào giờ cao điểm để vận hành tuyến buýt nhanh.
Trong khi đó, giới chuyên gia băn khoăn về hiệu quả của mô hình xe buýt nhanh BRT, chỉ dành 15 ngày chạy thử nghiệm rồi vận hành chính thức, khó có thể đánh giá hiệu quả của mô hình này nên nếu có thể lùi thời điểm vận hành chính thức để có thời gian rút kinh nghiệm, điều chỉnh.
Phát triển hệ thống xe buýt nhanh là loại phương tiện giao thông tiên tiến, phù hợp với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, Hà Nội cần triển khai thí điểm để tìm ra những giải pháp và tiểu giải pháp giải quyết tình trạng này. Các cấp quản lý nhà nước cần thay đổi tư duy, phải nhìn nhận từ thực tiễn, tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, người dân.
Cuối năm là lúc nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Cùng với việc Hà Nội đang triển khai hàng loạt dự án giao thông thì tuyến xe buýt nhanh được đưa vào vận hành thí điểm với phương án tổ chức giao thông “cấm” hàng loạt phương tiện thực sự đã gây tâm lý lo lắng cho người dân. Điều mà người dân trông chờ nhất hiện nay chính là một phương án tổ chức giao thông hợp lý cho xe buýt nhanh và các phương tiện khác, tránh việc đi ngược lại chính mục đích ban đầu mà dự án đặt ra.
Chu Vũ