Theo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội, cơ cấu vé và giá vé xe buýt được áp dụng từ ngày 1/5/2014 đến nay đã không còn phù hợp. Tại thời điểm điều chỉnh giá vé năm 2014, mạng lưới buýt có 72 tuyến và nhánh tuyến, trong đó tuyến dài nhất là 49,9km. Sau 10 năm, mạng lưới buýt đã có 132 tuyến, phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã, trong đó tuyến có cự ly dài nhất lên tới 61,05km.
Các tuyến cự ly 30 - 60km có mức giá như nhau được nhận định là chưa hợp lý. Giá vé xe buýt hiện nay được đánh giá là tương đối thấp với khả năng chi trả cho đi lại của người dân kể cả người lao động có thu nhập thấp.
Như vậy, trên cơ sở tham mưu của Sở GTVT Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 5290/QĐ-UBND về việc ban hành giá vé vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá trên địa bàn thành phố Hà Nội, áp dụng từ ngày 1/11/2024.
Theo đó, giá vé mới sẽ được điều chỉnh, như sau: cự ly dưới 15km tăng từ 7.000 đồng lên 8.000 đồng/lượt; từ 15km đến dưới 25km tăng từ 7.000 đồng lên 10.000 đồng/lượt. Với những tuyến có cự ly từ 25km đến dưới 30km, giá vé tăng từ 8.000 đồng lên 12.000 đồng/lượt; từ 30km đến dưới 40km tăng từ 9.000 đồng lên 15.000 đồng/lượt và từ 40km trở lên tăng từ 9.000 đồng lên 20.000 đồng/lượt.
Đồng thời, vé tháng sẽ có mức tăng trung bình lên tới 40%. Học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp đi một tuyến là 70.000 đồng (hiện là 55.000 đồng), liên tuyến 140.000 đồng (hiện là 100.000 đồng). Vé mua theo hình thức tập thể (không ưu tiên) đi một tuyến 100.000 đồng (hiện là 70.000 đồng), liên tuyến 200.000 đồng (hiện là 140.000 đồng).
Ghi nhận trong ngày đầu tăng giá, đông đảo người dân chia sẻ cùng thành phố về việc phải trợ giá hàng nghìn tỷ mỗi năm cho xe buýt, từ đó giảm gánh nặng và khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, người dân kỳ vọng rằng, các đơn vị liên quan cần có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng và tốc độ vận hành của dịch vụ xe buýt trợ giá.
Theo ông Dương Văn Nguyên, lái xe trên tuyến buýt 74, sau khi có thông báo chính thức đổi giá vé, tuyến cũng đã niêm yết giá vé mới trên xe nên đa số khách hàng đều phản ứng tích cực.
"Trong ngày đầu áp dụng, hành khách đều thấy bình thường và cho rằng đây là mức giá chấp nhận được. Với những người chưa cập nhật thông tin thì khá bất ngờ nhưng không có khách nào muốn bỏ chuyến khi thấy tăng giá", ông Nguyên cho biết.
Mặc dù đồng tình với việc tăng giá vé xe buýt lần này nhưng nhiều hành khách cũng nêu ý kiến về việc chất lượng xe và dịch vụ trên nhiều tuyến buýt cũng cần phải được cải thiện và thay đổi theo chứ không thể giữ nguyên như cũ.
Cụ thể, hiện vẫn còn có trường hợp xe đang di chuyển chết máy đột ngột giữa đường (xe cũ, được bảo dưỡng chưa tốt dẫn đến hỏng vặt nhiều), vẫn còn xe xả khói đen và đặc biệt là tình trạng xe chậm chuyến, lượt do ùn tắc giao thông xảy ra rất nhiều. Thực tế này vừa khiến hành khách đang sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng chưa cảm thấy thoải mái, chưa đảm bảo thời gian hành trình trên mỗi chuyến đi.
Trao đổi với PV, bạn Anh Hào (sinh viên 1 trường Đại học tại quận Đống Đa) cho biết bản thân ủng hộ việc tăng giá vé xe buýt và thấy mức giá tăng không quá cao, với người di chuyển quãng đường ngắn như bạn thì gần như không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, Hào mong rằng giá vé tăng phải đi cùng với nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt, đặc biệt là tài xế điều khiển phương tiện đôi khi phóng nhanh, phanh gấp, lạng lách trên đường khá nguy hiểm.
"Với học sinh, sinh viên, người làm việc văn phòng, công sở mặc dù rất muốn tiếp cận dịch vụ xe buýt nhưng do xe hiện nay vào giờ cao điểm xe buýt đang di chuyển chậm hơn xe cá nhân, các dịch vụ xe công nghệ nên chưa thể là lựa chọn thường xuyên của chúng tôi" - chị Minh Châu (nhân viên văn phòng tại quận Hai Bà Trưng) cho biết thêm.
Ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay trung tâm đã và đang tham mưu cho thành phố và Sở GTVT nhiều giải pháp mở rộng vùng "phủ sóng" của mạng lưới tuyến buýt; cùng với các kế hoạch nâng cao chất lượng dịch vụ của xe buýt nói riêng và phương tiện vận tải công cộng nói chung.
Thông tin từ Sở GTVT Hà Nội, đơn vị này vừa điều chỉnh thời hạn thẻ miễn phí dành cho người có công, người khuyết tật, người cao tuổi thành không thời hạn. Những thẻ miễn phí có thời hạn đã phát hành vẫn có giá trị sử dụng và không phải đổi thẻ khi hết hạn.
Đối với nhân khẩu thuộc hộ nghèo, thẻ miễn phí có giá trị sử dụng trong năm (thẻ có giá trị đến hết ngày 31/12 hằng năm).
Đối tượng được cấp thẻ miễn phí nộp hồ sơ trực tiếp tại điểm tiếp nhận hoặc đăng ký trực tuyến qua trang web: https://vethangxebuytonline.com.vn. Người dùng có thể đăng ký sử dụng thẻ điện tử ảo (thẻ phi vật lý) trên điện thoại thông minh bằng cách tải app “ThevegiaothongHN”.
Xem thêm video được quan tâm:
Hà Nội kiến nghị dừng 6 tuyến buýt trợ giá cao, mỗi năm tiết kiệm 212 tỷ đồng.