Xây nhà, sửa trường học, tạo sinh kế thay đổi bản làng của người Chứt

19-09-2023 07:16 | Xã hội

SKĐS - Lần đầu tiên, chúng ta có một Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ủy ban Dân tộc đang nỗ lực và quyết tâm mạnh mẽ phối hợp cùng các bộ, ban ngành để mọi chính sách đến với đồng bào, trong đó có những dân tộc có khó khăn đặc thù như dân tộc Chứt.

Từ cuộc sống du canh, du cư

Người Chứt (còn gọi là người Sách, người Rục, Arem, Mã Liềng, Xá lá Vàng) là một dân tộc ít người, sinh sống trong rừng sâu thuộc miền Trung Việt Nam và Lào.

Từ cuộc sống du canh, du cư trong tận rừng sâu, sau khi được Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Tĩnh phát hiện đưa về định cư tại bản Rào Tre, dưới đỉnh núi Giăng Màn, đồng bào dân tộc Chứt giờ đã biết trồng trọt, chăn nuôi... và đang từng ngày hòa nhịp vào cuộc sống hiện đại.

Xây nhà, sửa trường học, tạo sinh kế thay đổi bản làng của người Chứt- Ảnh 1.

Đồng bào người dân tộc Chứt phấn khởi với cuộc sống hiện tại.

Ngược dòng thời gian, vào khoảng cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, tại khu vực huyện Hương Khê xuất hiện một số người nói tiếng Kinh không rõ. Những người này lâu lâu lại bất ngờ xuất hiện tại các khu chợ trong vùng để đưa những sản vật mà họ đánh bắt được như chim, thú để đổi lấy gạo, muối, dao, kéo... và rồi lại biến mất như khi họ tới.

Sau 8 năm triển khai Đề án phát triển đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), đời sống đồng bào người Chứt đang dần ổn định, các tập tục lạc hậu, hôn nhân cận huyết thống tồn tại lâu đời được xóa bỏ.

Đến năm 1991, trong quá trình tuần tra biên giới, tại khu rừng sâu phía Tây của dãy núi Giăng Màn, BĐBP Hà Tĩnh phát hiện tộc người Chứt. Ở nơi thâm sơn cùng cốc, tộc người này sống du canh, du cư trong tận rừng sâu, trong các hang đá; cuộc sống chủ yếu dựa vào săn bắt, hái lượm. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực vận động của các chiến sĩ mang quân hàm xanh, tộc người này cũng đồng ý ra khỏi rừng sâu, về sinh sống tại bản Rào Tre từ đó cho đến nay.

Kể từ ngày được BĐBP tỉnh Hà Tĩnh phát hiện đưa về, cuộc sống của người Chứt đang đổi thay từng ngày. Giờ đây đồng bào Chứt phát triển thành bản với 45 hộ/156 nhân khẩu.

Xây nhà, sửa trường học, tạo sinh kế thay đổi bản làng của người Chứt- Ảnh 2.

Những ngôi nhà được xây dựng kiên cố tại khu tái định cư mới ở Rào Tre.

Nghèo đói và nhiều hủ tục lạc hậu

Hơn 30 năm thoát khỏi cuộc sống biệt lập, cuộc sống của họ dần ổn định. Tuy vậy đồng bào nơi đây vẫn còn hạn chế về nhận thức cũng như trình độ hiểu biết. Họ suốt ngày quanh quẩn bên căn nhà, ít lao động sản xuất, đa phần mọi thứ đều được Nhà nước hỗ trợ và các nhà hảo tâm ủng hộ. 

Việc hôn nhân của đồng bào dân tộc Chứt rất đơn giản. Khi chàng trai thích cô gái nào trong bản chỉ cần lên rừng chặt một bó củi vác về đặt trước cổng nhà gái. Nếu đồng ý, gia đình nhà gái vác bó củi vào đốt lửa, rồi ngay tối đó, chàng trai khăn gói sang nhà cô gái ở cho hết thời hạn quy định thì cả hai dắt nhau về nhà chồng, dựng nhà cửa rồi sống với nhau, bất kể việc đôi trai gái đó có chung huyết thống.

Tình trạng con anh lấy con em, họ hàng lấy nhau khá phổ biến. Do hôn nhân cận huyết thống dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, trẻ em sinh ra từ 1 đến 3 tuổi tử vong chiếm khoảng 20%, trẻ em bị dị tật khá nhiều.

Xây nhà, sửa trường học, tạo sinh kế thay đổi bản làng của người Chứt- Ảnh 3.

Những đứa trẻ mạnh khỏe, tín hiệu may mắn của đồng bào dân tộc Chứt.

Bền bỉ tuyên truyền và những tia sáng ở bản làng dân tộc Chứt

Năm 2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh có đề án 2571 giai đoạn 2015 - 2020 về hỗ trợ bảo tồn và phát triển đồng bào người Chứt phần nào có hiệu quả thiết thực. Song về lâu dài đang là bài toán đặt ra cho chính quyền nơi đây.

Theo một cán bộ Biên phòng cho biết, trước đây, việc vận động bà con xóa bỏ tập tục hôn nhân cận huyết thống trong thời gian qua rất khó khăn. Do quen với lối sống biệt lập trong rừng sâu, việc giao lưu, tiếp xúc với đồng bào các dân tộc khác bên ngoài còn hạn chế nên tình trạng con chị lấy con em, con dì lấy con cậu vốn dĩ rất bình thường.

Để xóa bỏ hôn nhân cận huyết thống, Bộ đội Biên phòng cùng chính quyền đưa ra nhiều giải pháp, chính sách, tuyên truyền nhưng vẫn không hiệu quả. Đến năm 2015, điều kỳ diệu đã xảy ra khi lần đầu tiên có hai cô gái người Chứt kết hôn với hai chàng trai người Kinh.

Ngày 7/4/2015, đám cưới của Hồ Thanh Mai (dân tộc Chứt) với chàng trai Lê Xuân Công (người Kinh) được mọi người gọi là "sự kiện lịch sử" của bản Rào Tre. Năm tháng sau, đồng bào Chứt tiếp tục tổ chức lễ thành hôn cho Hồ Thị Mỹ Duyên (người Chứt) và chàng trai Nguyễn Đình Nhân (người Kinh).

Với sự đồng hành của chính quyền địa phương, lực lượng Biên phòng, nhiều hoạt động nhằm kết nối, giao lưu giữa thanh niên dân tộc Chứt với thanh niên người Kinh, thanh niên dân tộc Chứt ở Quảng Bình tạo điều kiện cho họ làm quen, hẹn hò, tìm hiểu. Nhiều chính sách khuyến khích người dân tộc khác kết hôn cùng người Chứt được thực hiện, hỗ trợ 30 triệu đồng, được cấp đất làm nhà, được tổ chức đám cưới cũng là động lực xóa bỏ hôn nhân cận huyết.

Lãnh đạo UBND xã Hương Liên cho biết, nhờ nỗ lực tuyên truyền và có chính sách khuyến khích trai, gái trong bản lấy người Kinh hoặc người ở bản Cà Xèng ở xã Thanh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình, nên nhiều năm nay đã chấm dứt tình trạng hôn nhân cận huyết thống ở bản Rào Tre. Tuy nhiên vẫn còn đó nỗi lo khi Rào Tre đang xuất hiện tình trạng mất cân bằng giới tính, nam nhiều gấp 3 lần nữ nên thời gian tới, hôn nhân cận huyết có thể sẽ tái diễn.

Xây nhà, sửa trường học, tạo sinh kế thay đổi bản làng của người Chứt- Ảnh 5.

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh xuống đồng giúp bà con gieo cấy.

Trung tá Phan Trọng Nam - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bản Giàng cho biết, những năm qua đơn vị tập trung tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu đối với người đồng bào dân tộc Chứt tiến tới cuộc sống văn minh. Phối hợp với các cơ quan ban ngành tổ chức hoạt động chăm sóc sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con.

Ngoài việc thường xuyên tuyên truyền vận động, bộ đội biên phòng đã phải lặn lội vào tận Quảng Bình, đi tìm hiểu các địa bàn xung quanh để đặt vấn đề mai mối.

Với sự đồng hành của Đoàn thanh niên, nhiều hoạt động nhằm kết nối, giao lưu giữa thanh niên dân tộc Chứt và thanh niên người Kinh, thanh niên dân tộc Chứt ở Quảng Bình cũng đã được tổ chức tạo điều kiện cho thanh niên nam nữ làm quen, hẹn hò, tìm hiểu.

"Hiện nay tình trạng hôn nhân cận huyết của người Chứt đã chấm dứt. Tuy vậy giải pháp để ngăn chặn tình trạng hôn nhân cận huyết vẫn đang được bộ đội biên phòng thực hiện tuyên truyền, vận động. Về lâu dài cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành hỗ trợ cùng địa phương để người Chứt được giao lưu ra bên ngoài nhiều hơn nhằm bảo tồn và phát triển dân tộc này", trung tá Phan Trọng Nam cho hay.

Xây nhà, sửa trường học, tạo sinh kế thay đổi bản làng của người Chứt- Ảnh 6.

Nhiều chương trình tặng quà cho người đồng bào dân tộc Chứt.

Một hy vọng mới, tạo sinh kế, thay đổi bản làng

Có thể thấy, thời gian qua, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã được triển khai hiệu quả đã làm thay đổi căn bản diện mạo khu vực nông thôn, miền núi, góp phần quan trọng tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện, người Chứt đã và đang từng bước làm quen với tập quán định canh, định cư, biết cách làm ăn dần đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu, một số người đàn ông trong bản còn biết đi làm thuê để có thêm thu nhập cho gia đình.

Và giờ đây, đồng bào người Chứt lại được thụ hưởng những chính sách từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) để không chỉ xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần mà còn có cơ hội thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập so với các dân tộc khác trong vùng. Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 đầu tư làm nhà cho 27 hộ đồng bào Chứt trên địa bàn xã Trọng Hóa và nhiều dự án khác.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh
Việc phê duyệt và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một quyết sách đánh dấu mốc lịch sử của Đảng và Nhà nước ta, lần đầu tiên có một chương trình MTQG dành riêng cho vùng đồng bào DTTS&MN.

Bên cạnh đó, phải kể đến Dự án nuôi dê cỏ sinh sản là một dự án có ý nghĩa dân sinh thiết thực được lãnh đạo xã Trọng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) và đồng bào phấn khởi đón nhận cùng quyết tâm triển khai. Xã Trọng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) là xã vùng biên có gần 100% đồng bào Chứt sinh sống. Thực hiện tiểu dự án 2, thuộc Dự án 3 (Chương trình mục tiêu quốc gia 1719) hỗ trợ các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, Ủy ban nhân dân xã Trọng Hóa đã xây dựng Dự án nuôi dê cỏ sinh sản triển khai trong phạm vi 21 hộ đồng bào Chứt.

Với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng, trong đó nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719 đầu tư gần 300 triệu đồng, vốn đối ứng của người dân tham gia mô hình đối ứng 100 triệu đồng. Với mục tiêu, hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển giao khoa học kỹ thuật để đồng bào phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Theo đó, mỗi hộ gia đình tham gia dự án sẽ được cấp 4 con dê giống, trong đó có 3 dê cái và 1 dê đực.

Chương trình MTQG 1719 đã và đang tác động tích cực đến đời sống đồng bào Chứt ở Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Dự án trồng lúa nước có quy mô 6ha với tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ đồng cũng đang gấp rút để triển khai giai đoạn 2 tại bản Lòm. Khi dự án hoàn thành, trung bình mỗi hộ gia đình sẽ được cấp 1,5 sào đất trồng lúa nước, đồng bào Chứt ở bản Lòm sẽ được cày cấy trên ruộng lúa nước của chính mình.

Ngoài ra, Chương trình MTQG 1719 còn đầu tư xây dựng nhiều công trình như: Cải tạo phòng học, khuôn viên trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học & trung học cơ sở số 2 Trọng Hóa tại bản Dộ - Tà Vờng; Nhà văn hóa bản La Trọng 1...

- Năm 2022 đã phân bổ tổng số 14.429 tỷ đồng vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ ngân sách Trung ương (gồm: 9.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 5.429 tỷ đồng vốn sự nghiệp); số vốn năm 2023 là 26.433,812 tỷ đồng. Đối với 19 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, tổng số vốn được giao giai đoạn 2021 - 2023 là 26.536.057 triệu đồng (gồm 14.994.003 triệu đồng vốn đầu tư phát triển và 11.542.054 triệu đồng vốn sự nghiệp), trong đó nguồn vốn từ các tỉnh thực hiện Chương trình bằng ngân sách địa phương là 3.162.153 triệu đồng (chiếm khoảng 11.92%) cụ thể:

- Năm 2022 (bao gồm cả kinh phí năm 2021) nguồn vốn chương trình được phân bổ 15.898.453 triệu đồng.

- Năm 2023 là 26.079.399 triệu đồng.

Giúp đồng bào dân tộc thiểu số thực sự hưởng lợi từ những Quyết sách mang tính lịch sửGiúp đồng bào dân tộc thiểu số thực sự hưởng lợi từ những Quyết sách mang tính lịch sử

SKĐS - Thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đang triển khai một số dự án quan trọng, cấp thiết để hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, có điều kiện để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bảo tồn và phát triển cây dược liệu ở Quảng Ngãi.


Nguyễn Sơn
Ý kiến của bạn