Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG

29-11-2023 16:15 | Xã hội

SKĐS - Sáng 29/11, tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về giám sát chuyên đề việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình MTQG, trong đó có Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Chương trình MTQG

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) là chương trình MTQG lần đầu tiên được phê duyệt dành riêng cho vùng đồng bào DTTS&MN. Đây cũng là chương trình có tổng nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước lớn nhất hiện nay.

Chương trình được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 6/2020, có kinh phí tối thiểu làm tròn là 137.664 tỷ đồng. Giải ngân vốn đầu tư công Trung ương đến tháng 6/2023 (bao gồm cả vốn 2022 kéo dài sang năm 2023) đạt 22%, ước đến tháng 9/2023 đạt 52%, nhiều địa phương giải ngân trên 60%.

Báo cáo cho thấy, hiện tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 đã giảm 3,4%, đạt và vượt mục tiêu kế hoạch giao; nhiều chỉ tiêu về hạ tầng, kinh tế - xã hội khác cơ bản đều đạt so với mục tiêu của Chương trình.

Tuy nhiên, theo giám sát, kết quả giảm nghèo chưa đạt được mục tiêu đa chiều, chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Nhất là tiến độ giải ngân vốn ngân sách Trung ương còn chậm, nhất là vốn sự nghiệp. 

Trên thực tế khi triển khai thực hiện Chương trình ở nhiều địa phương cũng bộc lộ nhiều khó khăn vướng mắc, đặc biệt là tiến độ giải ngân chậm. Ví dụ như tại Thanh Hóa, việc thực hiện các dự án, tiểu dự án theo Chương trình MTQG 1719 đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ giải ngân các nguồn vốn đã được phân bổ.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, có nhiều nguyên nhân như: Chương trình có nhiều nội dung mới, nhiều chính sách tích hợp với cơ chế khác nhau và nhiều tổ chức tham gia cùng thực hiện nên gặp nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện các nội dung từ Trung ương đến cơ sở; Quy định, cơ chế, chính sách về Chương trình MTQG 1719 được Trung ương ban hành chậm và còn thiếu, chưa đồng bộ; một số nội dung quy định, hướng dẫn vẫn còn chưa rõ, nên tỉnh gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; Các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình 1719 thực hiện trong các năm 2022, 2023 là dự án khởi công mới, cần nhiều thời gian hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư, do đó ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư…

Việc triển khai Chương trình tại Kiên Giang cũng gặp vướng mắc. Chương trình triển khai trên địa bàn tỉnh được thực hiện với 9 dự án và 11 tiểu dự án. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 là 446.627,8 triệu đồng. Trong quá trình triển khai do Chương trình MTQG 1719 có quy mô lớn, nhiều lĩnh vực liên quan đến nhiều cơ quan ban ngành, nên việc phối hợp còn hạn chế. Công tác tổ chức triển khai thực hiện một số nội dung và giải ngân nguồn vốn kế hoạch năm 2022, năm 2023 của Chương trình MTQG 1719 còn chậm.

Tại tỉnh Sơn La, kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, dự án, tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp thuộc Chương trình MTQG 1719 trong năm 2022 được giao tổng vốn là hơn 16,4 tỷ đồng, Theo đánh giá, tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần Chương trình trong năm 2022 còn chậm; tỷ lệ giải ngân hiện nay ở mức thấp, phải chuyển nguồn sang năm 2023 để triển khai thực hiện…

Từ những bất cập trên khiến tiến độ giải ngân vốn của Chương trình MTQG 1719 đang diễn ra chậm. Thực trạng này đòi hỏi các cấp, các ngành và các địa phương phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở. Từ đó đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách còn bất cập phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, có những giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, từng bước đưa chính sách đi vào cuộc sống.

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG- Ảnh 1.

Chương trình MTQG 1719 đang góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi.

Tại phiên họp cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề việc thực hiện 3 Chương trình MTQG, ngày 15/11, thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành trình bày báo cáo về vấn đề xin ý kiến UBTV Quốc hội một số nội dung để chuẩn bị trình Quốc hội Nghị quyết về giám sát chuyên đề "Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030".

Cho ý kiến tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về cho phép kéo dài kế hoạch vốn năm 2002 của các Chương trình MTQG chưa giải ngân hết của năm 2023 kéo dài sang năm 2024; chủ trương xây dựng nghị quyết Quốc hội về một số cơ chế chính sách đặc thù, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG trong thời gian tới.

Quốc hội thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề các Chương trình MTQG

Sáng 29/11, tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về giám sát chuyên đề việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình MTQG.

Sau khi nghe Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về giám sát chuyên đề "việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình MTQG", với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết này.

Nghị quyết nêu rõ, việc thực hiện các Chương trình MTQG đã kế thừa, phát huy những thành tựu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và các chính sách đối với đồng bào DTTS của giai đoạn trước. Đến nay công tác tổ chức thực hiện các Chương trình đã đạt được một số kết quả nhất định, bám sát mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ, yêu cầu đổi mới về cơ chế, chính sách quản lý trong các nghị quyết của Quốc hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Quốc hội đánh giá việc thực hiện các Chương trình MTQG còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, việc xác định nhu cầu, lập kế hoạch, phân bổ vốn chưa sát thực tế ở nhiều địa phương. Phân bổ vốn trung hạn, giao vốn ngân sách Trung ương năm 2022 chậm, đặc biệt giao vốn sự nghiệp còn bất cập, chưa có sự thống nhất giữa các Chương trình MTQG. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn rất chậm, phải chuyển nguồn, kéo dài, nhất là vốn sự nghiệp sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của các Chương trình MTQG đến năm 2025.

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG- Ảnh 3.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết.

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Quốc hội cho phép số vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024 để các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện.

Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và việc thực hiện, giải ngân số vốn được kéo dài nêu trên bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm; chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thực hiện thanh toán, quyết toán vốn ngân sách Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.

Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn; trong đó có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, xử lý một số kiến nghị của địa phương liên quan đến việc thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đối với việc thu hồi kinh phí, hoàn trả ngân sách Nhà nước trong triển khai thực hiện các Chương trình MTQG.

Đắk Lắk điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư thực hiện Chương trình MTQG 1719Đắk Lắk điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư thực hiện Chương trình MTQG 1719

SKĐS - HĐND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Nghị quyết số 26/NQ-HĐND về điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đã giao kế hoạch giai đoạn 5 năm (2021-2025) để thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).

Xem thêm video đang được quan tâm:

Một già làng vùng dân tộc Raglai ở Khánh Hòa kiên trì vận động xây nên những ngôi nhà mới.


Hùng Anh
Ý kiến của bạn