Xây dựng xã hội đọc sách: Vạn nỗi truân chuyên

21-12-2010 10:18 | Văn hóa – Giải trí
google news

Các phương tiện thông tin đại chúng cũng lên tiếng cảnh báo về thực trạng văn hóa đọc đang xuống cấp. Vậy bao giờ chúng ta xây dựng được một xã hội đọc sách? Việc này xem ra còn nhiều truân chuyên!

Thời gian gần đây, có khá nhiều cuộc hội thảo xung quanh vấn đề xây dựng xã hội đọc sách của người Việt. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng lên tiếng cảnh báo về thực trạng văn hóa đọc đang xuống cấp. Vậy bao giờ chúng ta xây dựng được một xã hội đọc sách? Việc này xem ra còn nhiều truân chuyên!

Về cái sự đọc

Cái sự “đọc” theo truyền thống người Việt thì chỉ có đọc sách, mà là sách in trên các loại vật liệu khác nhau. Thế nhưng, từ vài thập niên trở lại đây, khái niệm “đọc” cũng biến thiên theo thời gian, sự phát triển đến chóng mặt của công nghệ thông tin làm biến đổi đáng kể diện mạo của cái sự “đọc”.

Hiện nay, người ta ngoài đọc sách còn có thể đọc báo in, báo hình, báo nói, báo mạng. Nếu vì mục đích nắm bắt thông tin về một lĩnh vực, người ta chọn báo mạng. Nếu để thư giãn thì người ta sẽ chọn báo nói. Còn ai muốn vừa đọc vừa thể dục mắt thì chọn báo hình. Những người muốn lưu giữ một cái gì đó lâu bền hơn để phục vụ nhu cầu công việc cá nhân thì sẽ chọn báo in. Vậy còn sách người ta đọc như thế nào? Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Thực tế, đại bộ phận người dân đọc sách là để nâng cao nhận thức về cuộc sống và hoàn thiện nhân cách. Trước đây, thời kỳ chiến tranh và kinh tế bao cấp, mỗi đầu sách in ra chí ít cũng dăm bảy ngàn bản, có cuốn lên tới hàng vạn bản, vì khi ấy các phương tiện truyền thông, nghe nhìn chưa phát triển, nên sách được coi là công cụ duy nhất để tìm hiểu kiến thức.

TS. Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc NXB Trẻ đưa ra những con số khá “sốc” tại một hội sách được tổ chức tại TP.HCM: Trong nước, mỗi năm phát hành gần 27.000 đầu sách với số lượng trên 276 triệu bản in. Còn sách in, photocopy “ngoài luồng” thì hơn rất nhiều. Tính ra thì xấp xỉ mỗi người có 4 - 6 cuốn sách. Đây là một con số rất có ý nghĩa trong điều kiện một nước còn nghèo như Việt Nam. Bà Nguyệt còn khẳng định chắc như đinh đóng cột: Đây là số liệu chính thống của Cục Xuất bản.

Cần xây dựng thói quen đọc sách cho giới trẻ.

Nguyên nhân và giải pháp

Nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn có lý khi ông cho rằng có mấy nguyên nhân khiến cho cái sự đọc của người Việt ta thực sự chưa được như mong muốn: Thứ nhất là ở ta không có văn hóa làm sách; các hoạt động xuất bản trước kia gần như chưa có; Thứ hai, người Việt Nam nặng về tình mà nhẹ về lý, thường thích sống trong đám đông hơn là đơn độc, đối diện với chính mình - tức là thiếu những phẩm chất mà việc đọc sách đòi hỏi; Thứ ba, xã hội không coi trọng kiến thức, người trí thức không được đánh giá đúng mức. Khi bản thân người làm nghề trí thức cũng đang còn lười đọc sách thì đông đảo người dân có xa lạ với sách cũng là dễ hiểu.

“Ai ơi chớ lấy học trò/ Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”. Điều này đã hằn sâu trong tâm thức dân gian người Việt từ bao đời nay và dường như đến giờ vẫn còn chưa phai nhạt. Thế nhưng trong thực tế ở các làng xã trước đây có một tình trạng xem ra có vẻ trái ngược với câu ca dao trên khi các làng xã thường đánh giá bằng số lượng đọc sách nhiều và thi đỗ làm quan. Làng nào không có quan thì làng ấy ắt sẽ chịu kém cạnh hơn so với các làng khác.

Nhưng cần phải nhìn một cách thật sự khách quan và thấu đáo rằng các sĩ tử xưa không phải là những người “ham học”, đọc sách một cách tự nguyện tự giác và vô tư, mà nhiều khi họ “bị học” và bị đọc sách vì áp lực của gia đình, dòng họ, hay chính yêu cầu của con đường thăng tiến chốn quan trường. Vì thế họ chỉ đọc những sách theo yêu cầu của trường thi và giám khảo, chứ không đọc sách theo đúng nghĩa là rèn luyện tư duy, bồi bổ kiến thức, tu dưỡng và nâng cao nhân cách sống. Nếu coi và hiểu đọc sách như một khát vọng sống tốt đẹp, một nhu cầu tự thân thì chẳng bao giờ có đích cuối cùng. Đọc sách theo nghĩa ấy thì xã hội ta trước đây cũng như hiện nay xem ra quá hiếm hoi, chỉ đủ đếm đầu ngón tay mà thôi.

Ở một xã hội nghèo khó, miếng cơm manh áo chưa đủ thì người ta phải tìm cách kiếm sống trước, rồi sau đó mới tính đến chuyện tìm hiểu thế giới và tu dưỡng nhân cách. K. Marx và Engel đã từng chỉ ra trong “Biện chứng của tự nhiên” rằng quá trình phát triển lịch sử của loài người tuân thủ theo trình tự trước hết là ăn, mặc, đi, ở rồi sau đó mới đến hoạt động khoa học, nghệ thuật, triết học và tôn giáo...

Đọc sách là công việc lao tâm khổ tứ đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ phấn đấu suốt đời mà cái lợi do nó mang lại không đáng là bao, có khi còn thấp hơn rất nhiều so với những công việc buôn bán kinh doanh khác. Ấy là chưa kể đến lịch sử nhân loại chưa bao giờ được chứng kiến một tỉ phú thế giới nào là người đọc sách theo đúng nghĩa của nó.

Nếu vì công việc lao động kinh doanh mệt mỏi thì có đến nghìn lẻ một cách giải stress khác nhau. Đối với một bộ phận dân cư từ trước đến nay, sách nếu không phải là con đường mưu sinh bắt buộc, thì cũng là cách thăng tiến hữu hiệu hoặc chí ít cũng là một phương tiện tốt để bồi bổ kiến thức nên họ vẫn trung thành với nó. Còn với số ít người coi sách là thứ trang sức phù phiếm hay là trò chơi giải trí thuần túy thì hà cớ gì người ta phải bỏ quá nhiều công sức ra để níu kéo lấy nó cho bằng được.

Giải pháp duy nhất cho vấn đề xây dựng một xã hội đọc sách là phải xây dựng cho được những điều kiện kinh tế - xã hội cần và đủ cho mọi người dân có thể tìm đến sách như là để thỏa mãn nhu cầu tự thân do sách mang lại, chứ không phải vì bằng cấp, thăng tiến trên con đường quan trường. Cần tách việc tuyển dụng, đề bạt cán bộ chỉ căn cứ hoặc quá coi trọng vào bằng cấp, chứng chỉ như là kết quả tất yếu của quá trình đọc sách. Tuy nhiên, xem ra giải pháp này vẫn còn nằm quá xa tầm tay với của đại đa số người dân.    

  Hà Linh


Ý kiến của bạn