Xây dựng vùng chuyên canh dược liệu để bảo tồn nguồn thuốc và tăng thu nhập cho người dân

21-09-2022 06:00 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - An Giang có đầy đủ điều kiện tự nhiên về khí hậu, thổ nhưỡng, sinh thái… phù hợp để phát triển cây dược liệu. Từ đó, hình thành những vùng chuyên canh cây dược liệu vừa mang tính chất bảo tồn, vừa giúp tăng thu nhập cho người dân.

Bảo tồn dược liệu quý

Vùng Bảy Núi ở An Giang chủ yếu phát triển rừng và cây ăn trái với thảm thực vật phong phú. Trong đó, nguồn tài nguyên về cây thuốc rất đa dạng và quý hiếm. Nhu cầu sử dụng thuốc Nam ngày càng tăng, trong khi dược liệu tự nhiên bị khai thác dưới nhiều hình thức khiến số lượng ngày càng giảm, thậm chí cạn kiệt. Trước thực trạng đó, nhiều người dân huyện Tịnh Biên và Tri Tôn đã chủ động sưu tầm, chăm sóc để góp phần giữ lại nguồn dược liệu quý giá.

Nguồn thuốc ở khu vực trồng dược liệu rộng hơn 2ha ở vồ Bạch Tượng trên núi Cấm vừa là dược liệu thiên nhiên có sẵn, vừa có các cây thuốc sưu tầm từ các nơi. Khác với những nơi trồng dược liệu phổ biến, trồng xong khai thác hết, do ở đây nhiều chủng loại là cây thiên nhiên nên nhiều người dân ở đây muốn giữ lại nguồn thuốc của vùng núi xen dưới cánh rừng. Nếu người ở nơi khác muốn xin thuốc thì sẽ được chia sẻ một số cây giống, chứ không cho tùy tiện khai thác nguyên cây.

Xây dựng vùng chuyên canh dược liệu để bảo tồn nguồn thuốc và tăng thu nhập cho người dân - Ảnh 1.

Cây thuốc được trồng trong khu vực vồ Bạch Tượng.

Từ năm 2018 đến nay, vườn thuốc ngày càng phong phú, chủ yếu là dược liệu được phát hiện quanh núi, tích góp trong nhiều năm mới hình thành nên "khu bảo tồn". Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm cũng đã hỗ trợ các cây giống quý để trồng bảo tồn, trong đó nhiều nhất là các loại ngải và cho phép chia giống bằng cách chiết nhánh.

Các loại dược liệu được tìm thấy nhiều nhất là hà thủ ô, kim cang, ngũ gia bì, đỗ trọng, hay ngải tượng (củ bình vôi) là một trong những loại dược liệu quý nhất. Riêng các loại gấm đen, mạnh trâu, chân chim, quỷ kiến sầu… chỉ có ở vùng núi này, hiếm tìm được ở nơi khác.

Theo Lương y Dương Văn Khoa (Phòng thuốc nhân đạo xã An Hảo) mỗi cây thuốc ở đây kết hợp với nhau tạo thành những đơn thuốc hữu hiệu chữa bệnh. Vì thế mọi người luôn để ý, giữ gìn, bởi việc sưu tầm, nuôi dưỡng thời gian qua rất kỳ công, vất vả. Giữ lại lúc này là giữ cho nhiều thế hệ sau, chứ không phải để làm của riêng.

Gắn với phát triển kinh tế

Ở núi Dài Năm Giếng (xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên), quá trình trồng dược liệu gắn liền với việc làm kinh tế bằng trồng trọt của người dân. Từ núi Cấm chuyển về đây định cư, lập nghiệp, anh Đặng Thanh Hòa mua đất trồng xoài, đồng thời xuống giống các loại ngải phục vụ bào chế dược liệu.

Anh Hòa cho biết, học theo người đi trước, anh chọn cây ăn trái dễ sinh trưởng, nhất là xoài. Dưới tán xoài, anh trồng xen ngải xanh, ngải đen, ngải trắng, ngải vàng... để khai thác lấy củ. Trong đó, củ ngải đen là quý hiếm nhất vì tính dược cao, chỉ trồng được số ít do nguồn giống khó tìm.

Xây dựng vùng chuyên canh dược liệu để bảo tồn nguồn thuốc và tăng thu nhập cho người dân - Ảnh 3.

Trồng và bảo tồn dược liệu trên vùng núi Cấm (An Giang).

Cây ngải được trồng từ đầu mùa mưa, chỉ cần làm cỏ, rải ít phân bón hữu cơ, đúng 1 năm cây tàn rụi hết lá thì mới có thể khai thác lấy củ, lúc này ngải mới đạt độ dược cao. Mỗi năm, nhóm của anh Hòa hơn chục người tham gia trồng ngải, khai thác được 5-6 tấn tặng cho các nhà thuốc hoặc để người dân tự đến lấy.

Ngoài anh Hòa, những người làm vườn trên núi Dài Năm Giếng tận dụng đất trồng vườn xen vào các loại dược liệu, tổng cộng hơn 10 công. Anh Hòa còn vận động được thêm nhiều hộ tiếp tục cho mượn 10 công đất để xen vào cây ngải và một số dược liệu khác phù hợp thổ nhưỡng.

Nhiều cư dân vùng núi Cấm tận dụng diện tích đất rừng, đất đồi để phát triển cây dược liệu, trong đó có cây đinh lăng. Hiện nay, cây đinh lăng đang tiêu thụ rất mạnh ở thị trường trong và ngoài nước. Tất cả các bộ phận của cây từ thân, cành, lá cho đến rễ đều được thu mua với giá cao.

Ngoài trồng cây dược liệu tự phát, người dân nhiều địa phương đã bắt đầu liên kết với nhau để hỗ trợ sản xuất, tìm đầu ra ổn định, lâu dài. Tại nhiều địa phương của huyện Tri Tôn, việc thành lập các tổ hợp tác trồng cây dược liệu bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nhân dân.

Những năm qua, An Giang đã có nhiều chính sách phát triển và bảo tồn dược liệu địa phương. Các vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu được hình thành ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, mục đích bảo tồn gắn liền với lợi ích phát triển kinh tế của dân bản địa. Nhờ đó, người dân đã phát huy trách nhiệm, đóng góp tùy tâm tùy sức, góp phần giữ lại các cây thuốc quý của vùng Bảy Núi.

Mới đây, Công ty Cổ phần Phát triển du lịch An Giang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang triển khai đề tài "Nghiên cứu xây dựng khu bảo tồn cây dược liệu kết hợp phát triển du lịch tại núi Cấm" trên tổng diện tích 6.000m2 ở xã An Hảo, huyện Tịnh Biên (An Giang), nhằm khôi phục, bảo tồn và phát triển một số loài cây thuốc có giá trị; hình thành khu sản xuất cây thuốc tập trung, góp phần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao; nâng cao ý thức của nhân dân trong vùng về bảo vệ tài nguyên cây thuốc.
Hà Giang phát triển cây dược liệu quý trên vùng cao nguyên đáHà Giang phát triển cây dược liệu quý trên vùng cao nguyên đá

SKĐS - Với điều kiện tự nhiên thuận lợi và tiềm năng, lợi thế để phát triển cây dược liệu quý, tỉnh Hà Giang đang thực hiện nhiều giải pháp để nỗ lực phấn đấu trở thành vùng trọng điểm Quốc gia về phát triển cây dược liệu, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân địa phương.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Sự thật khiến người mua đông trùng hạ thảo "ngã ngửa"| SKĐS


Hạnh Châu
Ý kiến của bạn