Xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn, bảo vệ môi trường trong sạch

02-07-2014 10:47 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 30/6, tại TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Bộ Y tế phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày vệ sinh yêu nước...

Ngày 30/6, tại TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Bộ Y tế phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2014 với sự tham dự của trên 1.000 đoàn viên thanh niên đến từ 9 huyện, thành phố, thị xã trong toàn tỉnh.

Phong trào “Vệ sinh yêu nước” được xuất phát từ bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trên Báo Nhân Dân ngày 2/7/1958, trong đó, kêu gọi toàn thể người dân tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh phòng bệnh... Theo đó, ngày 2/7 hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định chọn là Ngày vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân. Tại lễ phát động, đoàn viên thanh niên tỉnh Thái Nguyên đã hưởng ứng lễ phát động với nhiều hành động thiết thực và những chỉ tiêu cụ thể như: tổ chức 50 cuộc tuyên truyền phòng chống dịch bệnh; thu gom 1.000m3 rác thải bảo vệ môi trường; khơi thông 20km sông suối, kênh mương nội đồng; tư vấn khám bệnh cho trên 1.000 đối tượng gia đình chính sách; thành lập 180 đội thanh niên tình nguyện vệ sinh môi trường; hướng dẫn trên 10.000 người dân nông thôn, miền núi sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh...

Ông Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế trao chứng nhận cộng đồng hoàn thành dứt điểm công trình vệ sinh hộ gia đình cho 5 bản của xã Nà Tấu.

Ông Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế trao chứng nhận cộng đồng hoàn thành dứt điểm công trình vệ sinh hộ gia đình cho 5 bản của xã Nà Tấu.

Lễ phát động hưởng ứng Ngày vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2014 là một hoạt động ý nghĩa nhằm giải quyết những khó khăn thách thức, tồn tại hiện nay ở nước ta về vấn đề vệ sinh; đồng thời, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phong trào “Vệ sinh yêu nước” và để mỗi đoàn viên, thanh thiếu nhi cùng đông đảo nhân dân tham gia thực hiện tốt cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Cũng trong chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, sáng 29/6, tại xã Nà Tấu (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phối hợp với UBND Điện Biên tổ chức Lễ công nhận cộng đồng hoàn thành dứt điểm công trình vệ sinh hộ gia đình. Theo đó, 5 bản Hồng Líu 1, Nà Tấu 1, Nà Luống 2, Nà Luống 3 và Co Đứa (thuộc xã Nà Tấu) là 5 bản đầu tiên trong cả nước được Bộ Y tế chính thức công nhận hoàn thành dứt điểm công trình vệ sinh hộ gia đình.

Xã Nà Tấu là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước được Bộ Y tế chọn thực hiện thí điểm mô hình vệ sinh tổng thể có sự tham gia của cộng đồng từ năm 2009. Đến nay, sau gần 5 năm triển khai, vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của nhân dân xã Nà Tấu đã có những bước chuyển biến rõ rệt, nhận thức của bà con dần dần được nâng lên. Từ thói quen phóng uế bừa bãi gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và sức khỏe, đến nay, bà con đã có ý thức xây dựng nhà vệ sinh theo chuẩn của Bộ Y tế nhằm bảo vệ môi trường trong sạch, phòng tránh dịch bệnh. Tính đến tháng 5/2014, tại xã Nà Tấu đã có hơn 96% số hộ có nhà tiêu, trong đó số nhà tiêu hợp vệ sinh chiếm 75% (năm 2009 chỉ là 2,6%). Tại 5 bản được chọn thí điểm mô hình, 100% hộ gia đình đều có nhà vệ sinh đạt chuẩn hợp vệ sinh của Bộ Y tế.         

Ngày 22/4/2014, tại Hội nghị cấp cao về nước và vệ sinh cho mọi người do Liên hợp quốc tổ chức tại New York, Mỹ, Chính phủ Việt Nam đã cam kết với quốc tế sẽ chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi vào năm 2025 và đảm bảo vệ sinh bền vững cho tất cả mọi người. Ngày 13/1/2014, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 05/NQ-CP về việc đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc trong lĩnh vực y tế, trong đó cần phải tăng cường các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi, vận động người dân đầu tư xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, chấm dứt phóng uế bừa bãi.

Năm 2012, Bộ Y tế đã phối hợp với UNICEF xây dựng Hướng dẫn quy trình thẩm định và công nhận cộng đồng chấm dứt phóng uế bừa bãi. Mục đích của Hướng dẫn là nhằm triển khai, nhân rộng Quy trình thẩm định và công nhận cộng đồng chấm dứt phóng uế bừa bãi trên phạm vi cả nước, hướng tới việc thay đổi nhận thức, hành vi vệ sinh của người dân từ việc chấm dứt phóng uế bừa bãi đến việc quản lý được phân  người trong cộng đồng, tăng tỷ lệ hộ gia đình xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, trên cơ sở đó cải thiện tình hình vệ sinh môi trường của các cộng đồng một cách bền vững, góp phần đạt được mục tiêu về vệ sinh của Chương trình Mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015, Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2015 và mục tiêu “Một Việt Nam chấm dứt phóng uế bừa bãi” vào năm 2025.

Ông Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế và UNICEF đã thực hiện thí điểm thẩm định và công nhận cộng đồng chấm dứt phóng uế bừa bãi tại các tỉnh Ðiện Biên và Kon Tum. Ngoài ra, tổ chức Plan cũng đã thực hiện thẩm định và công nhận cộng đồng chấm dứt phóng uế bừa bãi tại một số tỉnh như: Hà Giang, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Kon Tum và Quảng Trị. Cho tới hết năm 2012, đã có trên 40 thôn, bản được cấp chứng nhận chấm dứt phóng uế bừa bãi. Thời gian qua, tỉnh Ðiện Biên đã có những nỗ lực rất lớn trong việc xóa bỏ phóng uế bừa bãi và đến nay đã có 05 thôn đạt được tiêu chí 100% hộ gia đình trong bản có nhà tiêu và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Ðây là một mốc rất quan trọng không những trong tỉnh Ðiện Biên mà còn cho các địa phương khác học tập.

   Thu Hằng - Nguyễn Hoàng

 


Ý kiến của bạn