Xây dựng mô hình phát triển dược liệu phù hợp với lợi thế, điều kiện của địa phương

19-09-2023 13:35 | Y học cổ truyền

SKĐS - Để phát triển dược liệu phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực phát triển dược liệu.

Tỉnh Bắc Kạn với đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu đặc trưng nên Bắc Kạn có thảm thực vật tự nhiên phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều loài dược liệu quý với hơn 1.000 loài cây thuốc, nhiều loài có giá trị kinh tế và giá trị bảo tồn cao như cây bình vôi, hà thủ ô, ba kích, cát sâm…

Những năm qua, để phát triển công tác Đông y, tỉnh Bắc Kạn đã đẩy mạnh tuyên truyền quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam; các phương pháp điều trị bệnh bằng y dược cổ truyền; thành tựu của y dược cổ truyền; tổ chức các hoạt động vinh danh thầy thuốc y dược cổ truyền; phổ biến kiến thức, lợi ích của y dược cổ truyền trong phòng bệnh, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe, những bài thuốc hay, cây thuốc quý...

Hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Nhờ đó, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của đông y được nâng lên. Người dân đã chú trọng đến việc chăm sóc sức khỏe bằng các phương pháp y học cổ truyền như châm cứu, xoa bóp, giác hơi…

Xây dựng mô hình phát triển dược liệu phù hợp với lợi thế, điều kiện của địa phương - Ảnh 1.

Quy hoạch vùng bảo tồn gen dược liệu, vùng trồng dược liệu tập trung phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thuận lợi trong việc chăm sóc, bảo tồn và sử dụng…

Bên cạnh đó, các cấp Hội trong tỉnh luôn quan tâm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho hội viên; đồng thời tổ chức và tham gia các hội thảo khoa học về nghiên cứu, ứng dụng, kế thừa các bài thuốc hay, những phương thuốc quý trong khám, chữa bệnh; vận động cán bộ, hội viên tích cực sưu tầm, viết những bài thuốc hay, cây thuốc quý chữa bệnh có hiệu quả. Năm 2014, Hội Đông y tỉnh đã biên tập, xuất bản 200 cuốn sách "Những bài thuốc hay, những cây thuốc quý của đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn".

Thực hiện việc xây dựng, phát triển nền đông y và Hội Đông y các cấp, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành các quyết định phê duyệt 5 đề án, dự án về phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ năm 2014 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đã triển khai thực hiện 9 đề tài, dự án nghiên cứu phát triển trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, có 5 đề tài, dự án đã được nghiệm thu, 3 dự án đang triển khai thực hiện. Nhiều loài cây dược liệu như giảo cổ lam, cà gai leo, trà hoa vàng thuộc các đề tài, dự án đã được nghiệm thu nay được chế biến thành sản phẩm như trà túi lọc loại thường, túi lọc loại cao cấp, trà hút chân không, cao dược liệu… mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện các cây dược liệu này đã được nhân rộng trên địa bàn huyện Chợ Đồn, Na Rì, Chợ Mới, Ba Bể, Pác Nặm.

Giai đoạn 2008 - 2012, ngân sách hằng năm dành cho công tác đông y là hơn 1,8 tỷ đồng; tỷ lệ chi bảo hiểm y tế (BHYT) cho khám, chữa bệnh đông y/tổng chi BHYT cho khám, chữa bệnh của địa phương chiếm 6,29%. Giai đoạn 2013 - 2017, ngân sách hằng năm dành cho công tác đông y hơn 3,7 tỷ đồng; tỷ lệ chi BHYT cho khám, chữa bệnh đông y/tổng chi BHYT cho khám, chữa bệnh của địa phương 6,39%. Giai đoạn 2018 - 2023, ngân sách hằng năm dành cho công tác đông y hơn 5,8 tỷ đồng; tỷ lệ chi BHYT cho khám, chữa bệnh đông y/tổng chi BHYT cho khám, chữa bệnh của địa phương chiếm 7,01%. Kinh phí chi triển khai thực hiện các đề tài, dự án liên quan đến lĩnh vực dược liệu, y học cổ truyền từ tháng 1/2012 đến tháng 4/2023 là hơn 10 tỷ đồng.

Đặc biệt, hệ thống khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền ngày càng được củng cố và hoàn thiện. Giai đoạn 2008 - 2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có Khoa Y học cổ truyền; một số trung tâm y tế huyện đã thành lập Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng hoặc Tổ Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng. Các trạm y tế đã bố trí cán bộ thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại. Giai đoạn 2018 - 2023, Khoa Y học cổ truyền tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh có quy mô 30 giường bệnh; cấp huyện có 3/8 trung tâm y tế thành lập Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, 5/8 trung tâm y tế tuyến huyện có Tổ Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng; 100% các trạm y tế tuyến xã đã bố trí cán bộ thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại.

Đối với hệ thống y học cổ truyền ngoài công lập, nếu giai đoạn 2008 - 2012, toàn tỉnh chỉ có 5 phòng chẩn trị y học cổ truyền, 156 cơ sở kinh doanh thuốc có thành phần đông y thì đến giai đoạn 2013 - 2018, có 21 phòng chẩn trị y học cổ truyền, 214 cơ sở kinh doanh thuốc có thành phần đông y. Giai đoạn 2018 - 2023, cả tỉnh có 26 phòng chẩn trị y học cổ truyền, 12 phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền và 275 cơ sở kinh doanh thuốc có thành phần đông y.

Để phát triển dược liệu phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực phát triển dược liệu, xây dựng mô hình phát triển dược liệu phù hợp với lợi thế, điều kiện thực tiễn của địa phương, ưu tiên dành quỹ đất, bố trí giao đất, giao rừng cho các dự án phát triển dược liệu.

Các phương pháp khám, chữa bệnh được áp dụng khá phong phú như bắt mạch kê đơn, bốc thuốc bắc, bốc thuốc nam chữa bệnh theo gia truyền hoặc kinh nghiệm; châm cứu, điện châm, thủy châm, giác hơi, day, bấm huyệt, dùng máy xoa bóp chữa bệnh. Phạm vi chứng bệnh bao gồm nội khoa, ngoại khoa, nhi khoa, sản phụ khoa, tai - mũi - họng, nha khoa, nhãn khoa, da liễu, thần kinh, dị ứng... Đặc biệt, có nhiều phương thuốc chữa bệnh độc đáo, hiệu quả được nhân dân tin tưởng như bài thuốc bó nắn gãy xương, chữa rắn cắn, chữa đau răng, phù...

Để tiếp tục phát huy vai trò của đông y trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước về y học cổ truyền và hệ thống quản lý khám, chữa bệnh y học cổ truyền từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường đào tạo cán bộ y tế về y học cổ truyền, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh y học cổ truyền trong các cơ sở y tế công lập theo hướng kết hợp y học hiện đại; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng các kỹ thuật mới về y dược cổ truyền. Tăng cường khám, chữa bệnh kết hợp y học cổ truyền tại tuyến y tế cơ sở. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên môn y học cổ truyền cho các cơ sở y tế nhằm mở rộng và nâng cao số lượng, chất lượng các dịch vụ kỹ thuật y học cổ truyền. Quy hoạch vùng bảo tồn gen dược liệu, vùng trồng dược liệu tập trung phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thuận lợi trong việc chăm sóc, bảo tồn và sử dụng…

PV
Ý kiến của bạn