Hội thảo tập huấn đánh giá hài lòng, phản hồi của bà mẹ và thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ tại bệnh viện do Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc UNICEF tổ chức tại TP.HCM ngày 21/3/2019.
Để việc áp dụng các tiêu chí dinh dưỡng và nuôi con bằng sữa mẹ được tốt, quan trọng nhất là được lãnh đạo các bệnh viện chú ý và coi là một trong các đầu tư ưu tiên của bệnh viện, mới có thể đạt được mục tiêu vì sự hài lòng của người bệnh.
Theo PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Cục Trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, mẫu khảo sát bà mẹ và trẻ em góp phần nâng cao chất lượng của công tác chăm sóc sức khỏe, đặc biệt trong lĩnh vực sản nhi
Tại hội thảo tập huấn, PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Cục Trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, nhấn mạnh: “Sữa mẹ là nguồn năng lượng quý giá đối với những sinh linh bé nhỏ, hạt giống tương lai của đất nước.
Nghiên cứu khoa học cho thấy, nuôi con bằng sữa mẹ đem lại nhiều lợi ích cho bản thân người mẹ và đặc biệt cung cấp các yếu tố miễn dịch, dinh dưỡng… giúp đứa trẻ mới chào đời phát triển một cách tốt nhất, chống chọi với dịch bệnh tốt nhất. Chưa có một loại vắc xin nào có thể thay thế được sữa mẹ.”
Do vậy, Cục Quản lý Khám chữa bệnh phối hợp chặt chẽ với UNICEF trong việc xây dựng 2 chương tiêu chí: năng lực thực hiện và chăm sóc dinh dưỡng tiết chế và bệnh viện tuyên truyền, tập huấn và thực hành tốt nuôi con bằng sữa mẹ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và UNICEF.
PGS. Khuê khẳng định, nếu các bệnh viện thực hiện tốt các đánh giá trên, chắc chắn sẽ tạo nên bước tiến mới trong hoạt động quản lý, quản trị và điều trị, nâng cao chất lượng của công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Qua đó đem lại hiệu quả cho hệ thống khám chữa bệnh Việt Nam nói chung, cho hệ thống các bệnh viện và chuyên khoa sản - nhi nói riêng; đem lại lợi ích lớn nhất cho người bệnh, đặc biệt là bà mẹ và trẻ em.
Bà mẹ, trẻ em trong quá trình sử dụng dịch vụ tại bệnh viên có những đặc điểm điều trị riêng
Năm 2013, Bộ Y tế đã bắt đầu phê duyệt và triển khai đề án “Xác định phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công”. Năm 2016, Bộ Y tế ban hành nội dung kiểm tra đánh giá chất lượng bệnh viện, trong đó có nội dung khảo sát sự hài lòng của người bệnh.
Theo ThS. Đỗ Hồng Phương, đại diện UNICEF Việt Nam, thông qua thực hiện tốt những tiêu chí chất lượng bệnh viện, chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của hệ thống bệnh viện sẽ được cải thiện ngày càng tốt lên. Các can thiệp tại bệnh viện sẽ được đẩy mạnh và duy trì bền vững.
“Ngày càng có nhiều tổ chức chăm sóc sức khỏe, phòng khám và bác sĩ đa khoa đang tiến hành khảo sát sự hài lòng của bệnh nhân. Các khảo sát trực tuyến cung cấp một cách thu thập thông tin đơn giản để tìm ra những lỗ hổng trong chăm sóc khách hàng và để hiểu cách cải thiện chất lượng dịch vụ.
Để đạt được chất lượng các hệ thống chăm sóc sức khỏe đòi hỏi một quá trình đo lường và đánh giá liên tục. Mục đích của khảo sát sự hài lòng của bệnh nhân là để tăng cường dịch vụ khách hàng tốt và đo lường mức độ hài lòng của bệnh nhân sử dụng các dịch vụ y tế,” ThS. Hồng Phương cho biết.
Tại hội thảo, theo các chuyên gia, theo dõi và cải thiện sự hài lòng của khách hàng hiện đã trở thành một vấn đề quan trọng của ngành y tế. Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất có thể cho bệnh nhân là rất quan trọng trong ngành chăm sóc sức khỏe hiện đại.
Tiến hành khảo sát sự hài lòng của người bệnh sẽ cho phép các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiểu được liệu họ đáp ứng mong đợi của bệnh nhân hoặc họ còn yếu kém ở khâu hoặc lĩnh vực nào để họ có thể đặt ra các tiêu chuẩn và có biện pháp cho các tiêu chuẩn khi chưa đạt.
5 lý do để các nhà cung cấp dịch vụ y tế cần phải đánh giá sự hài lòng của người bệnh: - Kết quả điều trị của bệnh nhân gắn liền với sự hài lòng của họ - Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhận được sự hài lòng của người bệnh cao hơn, sẽ thu hút nhiều bệnh nhân hơn và có doanh thu cao hơn - Sự hài lòng của người bệnh cao hơn sẽ làm giảm nguy cơ sơ xuất - Cải thiện quy trình và hệ thống dựa trên dữ liệu thực tế - Đưa toàn bộ nhân viên của cơ sở y tế chèo thuyền theo cùng một hướng, lấy người bệnh làm trọng tâm |