Trình bày Tờ trình về Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, sau gần 8 năm triển khai thực hiện, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được thì pháp luật về kinh doanh BĐS cũng đã xuất hiện những tồn tại, hạn chế cần được sửa đổi bổ sung.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, việc xây dựng dự án luật luôn bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nghị quyết, văn bản khác có liên quan của Chính phủ để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và phát triển thị trường BĐS; đảm bảo kế thừa, sự ổn định của hệ thống pháp luật…
Dự án luật được xây dựng trên quan điểm giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến BĐS như đất đai, đầu tư, tài chính, tín dụng. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương về thị trường BĐS. Hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát triển thị trường BĐS ổn định, lành mạnh; đảm bảo vận hành các quan hệ về kinh doanh BĐS theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh BĐS.
Về tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, Ủy ban Kinh tế cho rằng cần tiếp tục rà soát dự thảo Luật, đối chiếu với các dự thảo Luật có liên quan. Việc sửa đổi các dự thảo Luật này cần bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, không tạo ra rào cản về chính sách đối với sự phát triển KT-XH.
Về phạm vi điều chỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 và nội dung các điều khác của dự thảo Luật chưa thống nhất, chặt chẽ. Cụ thể, khoản 3 Điều 10 dự thảo Luật quy định về các trường hợp bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua BĐS không phải tuân thủ điều kiện đối với tổ chức, các nhân khi kinh doanh BĐS, tuy nhiên bổ sung quy định phải tuân thủ điều kiện về BĐS, dự án BĐS đưa vào kinh doanh theo Luật Kinh doanh BĐS, do đó đã mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Luật hiện hành.
Ủy ban Kinh tế đề nghị sửa đổi quy định rõ các trường hợp tại khoản 3 Điều 10 không phải tuân thủ điều kiện về BĐS, dự án BĐS theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS. Đề nghị quy định rõ hơn khái niệm "kinh doanh BĐS" tại khoản 1 Điều 3 để phân biệt rõ ràng giữa hoạt động kinh doanh BĐS với các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 10. Đề nghị bổ sung quy định về chuyển nhượng dự án BĐS tại Điều 1 dự thảo Luật, bảo đảm tính thống nhất trong nội tại của dự án Luật và phù hợp với Luật Đầu tư.
Cùng với đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), thống nhất về khái niệm và theo nguyên tắc những nội dung về kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất có đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án BĐS, chuyển nhượng dự án BĐS thì quy định tại Luật Kinh doanh BĐS; các luật khác có liên quan không nhắc lại quy định đó mà dẫn chiếu theo Luật Kinh doanh BĐS.
Cũng trong chiều 19/6, các ĐBQH sẽ tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).