Xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Khắc phục những tồn tại, vướng mắc để phục vụ người bệnh tốt hơn

22-06-2022 07:34 | Y tế

SKĐS - Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) do Bộ Y tế soạn thảo đang được Quốc hội khóa XV thảo luận, góp ý, chỉnh sửa và dự kiến sẽ thông qua vào kỳ họp sắp tới.

Việc xây dựng Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước; Từ đó khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh...

Đội ngũ thầy thuốc gồng mình chống dịch COVID-19 hồi tháng 8/2020 tại TP. Đà Nẵng.

Đội ngũ thầy thuốc gồng mình chống dịch COVID-19 hồi tháng 8/2020 tại TP. Đà Nẵng.

Lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) do Bộ Y tế soạn thảo đang được Quốc hội khóa XV thảo luận, góp ý, chỉnh sửa và dự kiến sẽ thông qua vào kỳ họp sắp tới. Tại Tờ trình do Chính phủ gửi đến Kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XV cho biết, ngày 23/11/2009, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Ngay sau khi Luật được ban hành, Chính phủ, Bộ Y tế và các Bộ, ngành đã ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh; góp phần chuẩn hóa chất lượng của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người dân.

ĐBQH Phan Văn Mãi - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh.

ĐBQH Phan Văn Mãi - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, vấn đề trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết về quản lý người hành nghề, quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, về các vấn đề chuyên môn và phân cấp, phân quyền... Để thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và giải quyết các vấn đề về thực tiễn phát sinh chưa có cơ sở pháp lý, việc xây dựng Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là rất cần thiết.

Bộ Y tế cho biết, quan điểm xây dựng Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao và phù hợp với thông lệ quốc tế; Tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế với sự tham gia tích cực của các hội nghề nghiệp, người hành nghề và người bệnh; Bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh.

Đổi mới cơ chế để bảo đảm quyền của người bệnh gắn với trách nhiệm của người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Cũng như quyền của người hành nghề, của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gắn với trách nhiệm của người bệnh và thân nhân người bệnh; Đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, có tính khả thi, phù hợp với chuẩn mực của pháp luật quốc tế về khám bệnh, chữa bệnh và bảo đảm yếu tố về bình đẳng giới.

Cần đảm bảo hài hòa nhiều yếu tố, đối tượng

Đóng góp vào Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại phiên họp tổ trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XV, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật là cần thiết bởi liên quan rất lớn tới vấn đề sức khỏe của người dân. Theo Chủ tịch nước, Luật cần quan tâm đến việc khám, chữa bệnh đối với trẻ em, bởi: "Theo thống kê, trẻ em Việt Nam chiếm từ 1/4 đến 1/3 dân số, do đó cần chăm lo cho trẻ em hôm nay vì tương lai của đất nước ngày mai. Đối tượng này là đối tượng quan trọng, hay ốm đau, nhạy cảm, sức khỏe và tương lai của dân tộc".

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.

Cũng đóng góp ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong lĩnh vực phòng chống dịch, mua thuốc dù có ngân sách nhưng lại không dám mua. Riêng lĩnh vực phòng chống dịch COVID-19, Quốc hội và Chính phủ đã có nghị quyết cho phép mua theo cơ chế đặc thù, đặc cách, đặc biệt. Tuy nhiên vấn đề này lại xuất hiện hai trạng thái khi một số nơi không dám mua, có nơi mua thì sai. "Không hiểu lý do vì sao, giờ thuốc thông thường cũng thiếu, vậy phải làm rõ xem vướng cái gì", Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, qua quá trình nghiên cứu và thảo luận, UBTVQH yêu cầu Luật Khám bệnh, chữa bệnh phải lấy người dân làm trung tâm, đảm bảo sức khỏe và tính mạng của người dân, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và nền y học của Việt Nam. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, cần thiết kế Luật để phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ y, bác sĩ, tập trung nguồn lực để phát triển đất nước. Về chính sách của Nhà nước trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị nghiên cứu thể chế Nghị quyết số 20/NQ-TW, đặc biệt là nội dung về giá dịch vụ y tế, về xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, về đào tạo và đãi ngộ cán bộ y tế.

ĐBQH Phan Văn Mãi - Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh nói lên tâm tư tha thiết của cử tri, đặc biệt là cử tri ngành Y tế của thành phố sau thời gian chống dịch COVID-19. Ông cho biết: "Trong thời gian sau chống dịch, chúng ta ghi nhận, tôn vinh lực lượng y tế như những người hùng. Nhưng sau đó, những tháng gần đây thì chúng ta tiến hành thanh tra, kiểm tra việc mua sắm thuốc men, vật tư, trang thiết bị y tế". Trước thực trạng thuốc men, trang thiết bị đang thiếu, ông Phan Văn Mãi và cử tri băn khoăn, làm sao có thể mua thuốc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân thành phố hàng ngày.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) đóng góp về cơ chế tài chính của các bệnh viện, đại biểu kỳ vọng dự thảo Luật thể hiện rõ chủ trương xem nghề y là nghề cao quý, quy định chế độ đãi ngộ tương xứng, có chính sách hợp lý về mức lương khởi điểm, để các bác sĩ yên tâm công tác. Phân tích sâu hơn về vấn đề, bà Phong Lan cho biết, theo cơ chế thị trường, bệnh viện nào trả lương cao thì hút chất xám, mời được những bác sĩ giỏi, dẫn tới việc nhiều y bác sĩ bỏ bệnh viện công sang tư, ảnh hưởng tới việc người bệnh chịu chi phí mức cao hơn. Dù bệnh viện công hay tư đều phục vụ nhân dân, nhưng theo đại biểu "cần đảm bảo công bằng", tránh sự chênh lệch quá lớn khiến người nghèo không có tiền vào khám tư hoặc khám tự nguyện ở bệnh viện công.

Cần tháo gỡ ngay những bất ổn

Tại phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2021, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho biết, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực, nhưng ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất, để lại hậu quả nặng nề nhất chính là ngành Y tế. Hệ thống y tế đã trải qua những giây phút không thể nào quên. Những thành công đã được xã hội ghi nhận bằng nhiều hình thức. Những sai lầm đã phải trả giá. Vấn đề đặt ra là sau "cơn bão" lớn, việc phục hồi tốt hơn một ngành trụ cột trong an sinh xã hội như thế nào?

ĐBQH Lê Minh Trí - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh.

ĐBQH Lê Minh Trí - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh.

Không thể vì một số vi phạm xảy ra mà chúng ta để cả một hệ thống tê liệt. Vấn đề thu thập của nhân viên y tế, việc mua sắm thiết bị vật tư y tế, thuốc men... không được cải thiện, thậm chí tệ hơn bao giờ hết. Với tư cách là một bác sĩ thường xuyên điều trị nhiều người bệnh, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu rất mong các vị lãnh đạo cao cấp, các vị ĐBQH hiểu được phần nào khó khăn ngành Y tế đang gặp phải. Nó không chỉ là vật chất, mà trong lúc này chủ yếu là về tinh thần, sự ổn định và phương hướng phát triển rõ ràng - là những vấn đề nhân viên y tế cần nhất lúc này. Đại dịch COVID-19 vừa qua đã chứng minh khả năng vượt khó của ngành Y tế Việt Nam.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí - (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) nêu lên thực tế mà ngành Y tế đang gặp phải đó là việc tổ chức đấu thầu đấu giá, mua sắm thuốc men, sinh phẩm và trang thiết bị y tế đang bị đình trệ; việc thực hiện hợp tác kinh doanh, đầu tư các trang thiết bị y tế thế hệ mới từ nguồn xã hội cũng dừng lại. Đại biểu cho rằng: "Đây là chủ trương đúng nhưng cách làm có sơ hở, có sai. Sai thì sửa nhưng cần phải tiếp tục làm, bởi nếu để kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ nhân dân trong khám chữa bệnh".

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nêu kiến nghị, Quốc hội và Chính phủ nên có chỉ đạo các cơ quan có liên quan, các ngành có liên quan ban hành nhanh văn bản hướng dẫn để tháo gỡ ngay những vấn đề bất ổn trong lĩnh vực này. Cụ thể, sớm chỉ đạo rà soát, tháo gỡ nhanh những vướng mắc, bất cập phát sinh. Cần phải kịp thời ban hành bổ sung những quy định pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đảm bảo bịt những lỗ hổng trong quản lý, vừa tạo điều kiện cho sự phát triển, sự phục vụ tốt hơn cho nhân dân, cần bổ sung tạo hành lang pháp lý để đảm bảo cho người thực hiện nhiệm vụ được an tâm.

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 gồm 12 chương và 106 điều, được xây dựng theo hướng "lấy người bệnh làm trung tâm" thông qua việc quy định đồng thời các giải pháp về: Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; Đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.

Xem thêm video đang được quan tâm

Hậu covid- Phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng

Bảo Linh
Ý kiến của bạn