Xây dựng lòng tin, tìm giải pháp cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine

11-12-2019 09:32 | Quốc tế
google news

SKĐS - Đây là lần đầu tiên sau hơn 3 năm, hội nghị thượng đỉnh của “nhóm bộ tứ” về tình hình Ukraine được tiến hành. Sáng 10/12, hội nghị thượng đỉnh Normandy đã kết thúc.

Các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Nga và Ukraine vừa tiến hành hội nghị thượng đỉnh “Nhóm Bộ tứ Normandy” tại thủ đô Paris (Pháp) để thảo luận về tình hình Ukraine. Vậy là  sau hơn 3 năm, hội nghị thượng đỉnh của “nhóm bộ tứ” về tình hình Ukraine lại được tiến hành. Dù đã lường trước nhiều khó khăn, tuy nhiên các nhà đàm phán vẫn hy vọng đây là cơ hội hiếm có để tìm kiếm cách thức đưa Ukraine thoát khỏi các cuộc xung đột.

Nga và Ukraine thống nhất ngừng bắn

Đêm 9/12 theo giờ Paris, cuộc gặp bộ Tứ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraina Zelenskiy, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kết thúc với  một tuyên bố chung, theo đó  Ukraine và Nga sẽ  thực thi một lệnh ngừng bắn toàn diện tại miền Đông Ukraine trước khi kết thúc năm 2019, hành động sẽ diễn ra  trong 1-2 tuần tới. Đây là một bước tiến lớn trong việc giải quyết vấn đề Ukraine vốn đã kéo dài dai dẳng nhiều năm.

Các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Nga và Ukraine vừa tiến hành hội nghị thượng đỉnh “Nhóm Bộ tứ Normandy” tại thủ đô Paris (Pháp)

Theo đề xuất của Người đứng đầu nước Nga, Tổng thống V. Putin cho biết ông muốn  có một sự thay đổi Hiến pháp ở  Ukraine , nhờ đó  trao cho khu vực Donbass của Ukraine một quy chế tự trị đặc biệt, đồng thời mở các khu vực qua lại tại các đường chiến tuyến ở miền Đông Ukraine nhằm phục vụ các hoạt động dân sự và nhân đạo. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine, Zelenskiy cho biết chính quyền của ông cần phải kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Ukraine.

Như vậy là dù đã có một tuyên bố chung nhưng các bên vẫn còn bất đồng trong việc tổ chức một  cuộc bầu cử tại miền Đông Ukraine.  Các bên cũng để ngỏ khả năng sẽ tìm ra giải pháp mới trong  4 tháng tới. Điều đáng ghi nhận nhất là các bên đã đồng ý quay trở lại các cuộc đàm phán tương tự trong tương lai

Chưa có đột phá tại hội nghị Nhóm Bộ tứ Normandy

Kể từ khi cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine nổ ra năm 2014,  các cuộc đụng độ và giao tranh giữa các lực lượng ly khai thân Nga và quân đội Ukraine kéo theo nhiều thiệt hại về người và cơ sở vật chất. Có khoảng 13.000 người - gồm lực lượng của hai bên và cả thường dân - đã thiệt mạng do cuộc xung đột này. Cuộc xung đột đã ảnh hưởng đến 3,9 triệu thường dân sống trong khu vực.

Hội nghị thượng đỉnh của nhóm bộ tứ Normandy diễn ra trong khi Mỹ và  Ukraine đang ở thời kỳ nhạy cảm vì liên quan tới tiến trình luận tội của Tổng thống Mỹ ở xứ sở cờ hoa.  Với Mỹ thực sự lùi khỏi khu vực này và nhường vị thế của mình cho Nga.  Chính vì thế vai trò của các nước phương Tây như Pháp, Đức ở Ukraine trở nên quan trọng .  Mặc dù Pháp và Đức đã nỗ lực làm trung gian cho một số thỏa thuận hòa bình như "Thỏa thuận Minsk” nhưng  các thỏa thuận này vẫn chưa được thực thi đầy đủ.

Trước khi bước vào hội nghị với Nga, Tổng thống Ukraine Zelensky  cũng gặp không ít áp lực từ trong nước, ông hy vọng sẽ đạt được  thảo luận vấn đề bầu cử địa phương và qui chế tự trị cho khu vực miền Đông . Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron theo đuổi việc xây dựng lại quan hệ với Nga.

Mặc dù, không có thỏa thuận hòa bình toàn diện nào được mong đợi từ cuộc họp tại Paris lần này, nhưng các nhà ngoại giao cũng hy vọng rằng cuộc họp sẽ giúp xây dựng niềm tin, đặt nền móng cho những bước tiến xa hơn giữa Nga và Ukraine  .

Các nhà  phân tích nhận định,  không có gì để kỳ vọng nhiều, không chỉ bởi đây mới là lần đầu tiên các ông Putin và Zelenskiy gặp nhau mà còn vì cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine là quá phức tạp, không thể giải quyết “một sớm một chiều” chỉ sau một vài cuộc gặp.

Điểm nhấn tại cuộc họp nhóm bộ Tứ có lẽ là cuộc gặp song phương đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky  vào sáng 10/12 theo giờ Hà Nội. Dù cuộc gặp chỉ diễn ra trong khoảng 5-10 phút, nhưng Tổng thống Putin cho biết ông hài lòng với kết quả các cuộc gặp, đồng thời đánh giá cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine diễn ra “tốt đẹp và hiệu quả”.

Xây dựng lòng tin có lẽ là vấn đề khó nhất để đi đến các bước tiếp theo trong vấn đề vốn phức tạp ở Ukraine.  Những tín hiệu từ Hội nghị  Nhóm Bộ tứ Normandy có lẽ sẽ tạo thêm động lực để các bên tìm một giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine.


Trần Hải
Ý kiến của bạn