Trong đó, về mục tiêu cải cách chính sách thuế, hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế của Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế. Đồng thời đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, bao gồm các sắc thuế, phí, lệ phí chủ yếu sau: Thuế giá trị gia tăng; thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế thu nhập cá nhân; thuế tài nguyên; thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thuế bảo vệ môi trường; các khoản phí, lệ phí và thu khác thuộc ngân sách nhà nước.
Về quy mô thu ngân sách từ thuế, phí, bảo đảm duy trì tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước từ thuế, phí ở mức ổn định, hợp lý và phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 và 2026 - 2030. Trong giai đoạn đầu tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.
Thuế giá trị gia tăng: Tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất
Một trong các giải pháp thực hiện Chiến lược là cải cách chính sách thuế.
Cụ thể, đối với thuế giá trị gia tăng sẽ mở rộng cơ sở thuế thông qua giảm nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng và nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%; tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất; nghiên cứu tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng theo lộ trình; rà soát điều chỉnh ngưỡng doanh thu áp dụng phương pháp khấu trừ cho phù hợp với thực tế; nghiên cứu áp dụng thống nhất phương pháp tính thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với người nộp thuế có doanh thu dưới ngưỡng hoặc không đủ điều kiện áp dụng phương pháp khấu trừ.
Bên cạnh đó, hoàn thiện các quy định liên quan đến thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu, đảm bảo phản ánh đúng bản chất và phù hợp thông lệ quốc tế. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về khấu trừ thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng theo hướng đơn giản, minh bạch và đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan.
Xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với thuốc lá, bia, rượu
Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, theo Chiến lược sẽ xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; rà soát điều chỉnh mức thuế tiêu thụ đặc biệt một số mặt hàng để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu (Ảnh minh hoạ)
Đối với thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, tiếp tục thu gọn số lượng mức thuế suất để đơn giản biểu thuế nhập khẩu, phấn đấu đến năm 2025 số lượng mức thuế suất thuế nhập khẩu giảm từ 32 mức hiện nay xuống còn khoảng 25 mức vào năm 2025 và 20 mức vào năm 2030.
Cùng với đó là nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để thúc đẩy xuất khẩu, khuyến khích gia tăng giá trị nội địa, hạn chế xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản thô. Có chính sách ưu đãi phù hợp để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ và các lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo phù hợp với các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ và các cam kết quốc tế.
Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, theo Chiến lược sẽ thực hiện rà soát để sửa đổi hoặc bãi bỏ ưu đãi miễn, giảm thuế không còn phù hợp với yêu cầu phát triển, yêu cầu hội nhập quốc tế. Hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế để áp dụng ổn định trong trung và dài hạn. Thực hiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ…
Thực hiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nằm trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030
Đối với thuế thu nhập cá nhân, rà soát bổ sung đối tượng chịu thuế; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng điều chỉnh số lượng và các mức thuế suất phù hợp với thu nhập chịu thuế phù hợp với bản chất của từng loại thu nhập…
Đối với thuế tài nguyên, nghiên cứu sửa đổi quy định, giá tính thuế tài nguyên, sản lượng tài nguyên tính thuế. Sửa đổi khung thuế, mức thuế và miễn, giảm thuế tài nguyên theo hướng minh bạch, rõ ràng, đảm bảo chính sách thuế tài nguyên tiếp tục là công cụ hữu hiệu để góp phần quản lý, bảo vệ tài nguyên, khuyến khích sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, khuyến khích chế biến sâu, nâng cao giá trị tài nguyên.
Nghiên cứu tăng mức điều tiết đối với đất và bổ sung thu thuế đối với nhà
Đối với các loại thuế liên quan đến tài sản (bao gồm cả thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp), tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025 để góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Trên cơ sở đó, nghiên cứu hoàn thiện theo hướng tăng mức điều tiết đối với đất và bổ sung thu thuế đối với nhà nhằm khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất
Đối với thuế bảo vệ môi trường, nghiên cứu mở rộng đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường; nghiên cứu để điều chỉnh khung và mức thuế bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo chính sách thuế bảo vệ môi trường là một công cụ kinh tế quan trọng góp phần hạn chế việc nhập khẩu, sản xuất và sử dụng hàng hóa gây ô nhiễm môi trường.
Đối với phí và lệ phí và thu khác thuộc ngân sách nhà nước, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật phí và lệ phí theo hướng khai thác hiệu quả nguồn thu phí, lệ phí từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường; thực hiện lộ trình tăng mức thu phí nhằm từng bước tính đủ chi phí trong mức thu phí…