Nơi nương tựa, điều trị cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin
Dự án xây dựng Làng Cam là nỗ lực lớn của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TPHCM nhằm chăm sóc, điều trị cho nạn nhân chất độc da cam sẽ được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động trong thời gian tới.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ - Ủy viên Ban Thường vụ Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TPHCM - cho biết, TPHCM hiện có hơn 22.000 nạn nhân chất độc da cam thuộc nhiều đối tượng khác nhau, rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng, xã hội. Có những nạn nhân da cam vô cùng khó khăn, không nơi nương tựa, có trường hợp chất độc da cam để lại di chứng ở cả 3 thế hệ trong gia đình, từ cha đến con rồi đến cháu khiến gia đình rơi vào tình trạng kiệt quệ.
"Chúng tôi lên kế hoạch xây dựng Làng Cam ở huyện Củ Chi, TPHCM để hỗ trợ cho nạn nhân da cam, là nơi nuôi dưỡng cho nạn nhân chất độc da cam đã mất bố mẹ, người thân, không nơi nương tựa. Đây cũng là nơi thực hiện điều trị bằng thuốc đặc trị cho nạn nhân chất độc da cam cũng như thực hiện công tác dạy học cho con em nạn nhân chất độc da cam", Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ chia sẻ.
Được biết, Làng Cam được xây dựng trên diện tích 47.000 m2, kinh phí dự kiến 100 tỷ đồng, đang được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TPHCM gấp rút chuẩn bị các công tác về thủ tục, tài chính để sớm triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động.
Theo ông Trần Ngọc Thổ, từ đầu năm 2024 đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TPHCM đã tích cực vận động nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Cụ thể, tiền và hiện vật qui ra tiền là hơn 700 triệu đồng để thực hiện các chương trình chăm lo cho nạn nhân da cam. Số kinh phí này so với công tác thực hiện những năm trước có phần giảm nhiều do tình hình kinh tế khó khăn của các đơn vị, doanh nghiệp nhưng cũng đã góp phần hỗ trợ được cho những nạn nhân chất độc da cam đang rất cần chung tay giúp đỡ để vượt qua những nỗi đau hàng ngày.
Con người, môi trường gánh chịu hậu quả nặng nề từ chất độc da cam
Thông tin từ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TPHCM cho biết, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 vụ, phun rải khoảng hơn 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống gần 26.000 thôn bản với diện tích 3,06 triệu ha, bằng gần ¼ tổng diện tích miền Nam Việt Nam.
Chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người. Với một lượng khổng lồ chất độc hóa học phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn; chức năng giữ nước chống lụt của rừng bị suy giảm; đa dạng sinh học bị suy thoái và trở nên nghèo nàn; một số loài động, thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng.
Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm. Từ năm 1975 đến nay có gần 1 triệu người đã qua đời, còn hơn 3 triệu người là nạn nhân đi lại rất khó khăn, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với căn bệnh hiểm nghèo.
Các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và thế giới cho thấy, chất độc da cam/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể, gây ung thư da, tổn thương da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường, làm tổn thương hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh, có vai trò quan trọng gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản.
Ngoài ra, các bệnh phổ biến ở con, cháu nạn nhân chất độc da cam là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh. Đặc biệt chất độc da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4.
Đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân còn rất khó khăn thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều thế hệ nạn nhân, nạn nhân bị bệnh nặng, bệnh thường xuyên tái phát, sinh con dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ. Mức chi phí nuôi dưỡng, chữa bệnh cho nạn nhân rất lớn, vượt ra ngoài khả năng thanh toán của gia đình.
Chia sẻ về công tác hỗ trợ nạn nhân da cam, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam - cho biết, với tinh thần đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam, Trung ương Hội cùng nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã nhiều lần tiến hành khởi kiện Hoa Kỳ, 37 công ty hóa chất của Hoa Kỳ, trong đó có 2 công ty trực tiếp sản xuất chất dioxin.
"Hiện Trung ương Hội vừa tiến hành đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam vừa đề nghị phía Hoa Kỳ hỗ trợ xử lý môi trường, hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam. Có thể thấy rằng, nạn nhân da cam đang chịu rất nhiều nỗi đau nên việc chung tay hỗ trợ của cộng đồng, xã hội đang rất cần thiết", Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn nói.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ chia sẻ, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TPHCM đã thực hiện các đợt quyên góp nhân đạo hướng đến nạn nhân da cam với chủ đề: Vì mọi người, ở mọi nơi cùng thông điệp "Xin đừng quên họ - Dù bạn có là ai, bạn có chỗ đứng như thế nào trong xã hội, sự đóng góp của bạn với nạn nhân chất độc da cam cũng đem lại cho họ niềm tin lớn hơn trong cuộc sống!".
Được biết, từ năm 2006 đến nay, mỗi năm một lần, nhân Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam 10/8, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TPHCM tổ chức chương trình đi bộ đồng hành để vận động ủng hộ, quyên góp cho nạn nhân chất độc da cam với sự tham gia của rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp và người dân.