Xây dựng Kon Tum thành vùng phát triển dược liệu quý bền vững

25-10-2023 07:47 | Xã hội

SKĐS - Sau vài năm thực hiện chính sách đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu là chủ trương lớn của tỉnh, vì vậy nhiều chính sách ưu tiên đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu đã được ban hành áp dụng nhằm kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực vào đầu tư.Để đạt được mục tiêu xây dựng tỉnh Kon Tum thành vùng phát triển dược liệu trọng điểm của cả nước, UBND tỉnh đã có quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển dược liệu, lộ trình và nguồn vốn đầu tư từng năm cho các địa phương trong vùng trọng điểm dược liệu.

Cụ thể, quy hoạch vùng phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu với tổng diện tích 31.742,8 ha, thuộc địa bàn 2 huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông; trong đó, quy hoạch vùng đệm 14.754,5 ha (độ cao từ 1200 m - 1500 m) và vùng lõi (vùng trồng sâm) 16.988,3 ha.

Xây dựng Kon Tum thành vùng phát triển dược liệu quý bền vững - Ảnh 1.

Sau vài năm thực hiện chính sách đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành và địa phương tiếp tục rà soát các vùng lân cận có khả năng trồng Sâm Ngọc Linh và dược liệu để bổ sung quy hoạch. Đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ về Phương án thí điểm trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu dưới tán rừng đặc dụng kết hợp với bảo vệ rừng bền vững trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Về vốn đầu tư: UBND tỉnh hỗ trợ huyện Tu Mơ Rông và huyện Đăk Glei mua giống cấp cho người dân trên địa bàn trồng và phát triển sâm Ngọc Linh và sử dụng, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương như: Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; cùng các nguồn vốn vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng để phục vụ công tác đầu tư trồng, chăm sóc, chế biến, liên kết tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm sâm Ngọc Linh.

Về giống và kỹ thuật: Chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết xây dựng nguồn giống từ trong cộng động người dân; Xây dựng các cơ sở, vườn ươm giống dược liệu và sâm Ngọc Linh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ nuôi cấy mô trong việc nhân giống. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương ưu tiên tổ chức các lớp tập huấn, khóa đào tạo cho người dân về các kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu.

Về xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ: Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tìm hiểu, kết nối, thu hút các doanh nghiệp lớn vào đầu tư chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh; đồng thời quảng bá các sản phẩm dược liệu của tỉnh đến các địa phương trong tỉnh, ngoài tỉnh và nước ngoài.

Đặc biệt, để thu hút nhà đầu tư vào phát triển dược liệu, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi. Tiêu biểu như đối với dự án trồng sâm Ngọc Linh, hỗ trợ một phần chi phí cho nhà đầu tư sản xuất giống sâm Ngọc Linh để hỗ trợ lại giống cho hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ, cộng đồng dân cư tham gia liên kết trồng sâm Ngọc Linh với nhà đầu tư. Mức hỗ trợ 50.000.000 đồng/ha sâm trồng liên kết, diện tích hỗ trợ không quá 10 ha/nhà đầu tư. Số lượng giống sâm Ngọc Linh thương phẩm được nhà đầu tư hỗ trợ là 500 cây/ha, mỗi gia đình, cá nhân được hỗ trợ một lần không quá 100 cây giống thương phẩm.

Đối với dự án trồng Đảng sâm và Đương quy, hỗ trợ một lần 50% chi phí mua cây giống cho hộ gia đình, cá nhân; hỗ trợ một lần cho hộ nghèo 100% chi phí mua cây giống, chi phí mua phân bón hữu cơ vi sinh theo định mức cho chu kỳ đầu tiên, diện tích hỗ trợ tối đa 1.000m2.

Về chính sách hỗ trợ về đất đai, miễn lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh theo điểm b khoản 2 Điều 8 của Nghị định 65/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ. Trong trường hợp có sự thay đổi chính sách về hỗ trợ đất đai tại Nghị định 65/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ thì được hỗ trợ theo quy định mới của Chính phủ.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum, UBND tỉnh đã ban hành Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Mục tiêu đến năm 2025, hình thành được vùng trồng dược liệu tập trung, trong đó: Diện tích Sâm Ngọc Linh khoảng 4.500 ha (khoảng 45 triệu cây) và các cây dược liệu khác khoảng 10.000 ha, gồm khoảng 2.000 ha đối với các loại cây dược liệu lâu năm và khoảng 8.000 ha cây trồng dược liệu hàng năm, ngắn ngày (1.600 ha đất qua các lượt trồng); Mỗi huyện, thành phố hình thành ít nhất 01 cơ sở sản xuất, cung ứng giống dược liệu có thế mạnh tại địa phương với quy mô trên 01 ha, công suất 1-2 triệu cây/năm đáp ứng được nhu cầu trồng dược liệu trên địa bàn; 100% cây giống dược liệu được kiểm soát về nguồn giống.

Phấn đấu có hơn 40% số hợp tác xã tham gia đầu tư trồng, chế biến và phân phối sản phẩm dược liệu; Phấn đấu đến 2025 khai thác khoảng 1.000 tấn dược liệu các loại, trong đó, khai thác khoảng 700 tấn dược liệu tự nhiên (Cu ly, Huyết đằng, Cốt toái bổ, Mật nhân, chè dây...), khai thác khoảng 300 tấn dược liệu trồng (Đảng sâm, Đương quy, Nghệ vàng, Sâm Ngọc Linh, Sa nhân, Ngũ vị tử, Giảo cổ lam...).

Phát triển mạnh chuỗi liên kết sản xuất dược liệu từ trồng, khai thác, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, phấn đấu mỗi huyện, thành phố hình thành 01 cơ sở sơ chế, chế biến các loại dược liệu để tạo tiền đề hình thành ít nhất 01 chuỗi sản xuất dược liệu; thu hút được ít nhất 01 doanh nghiệp có quy mô lớn, tầm cỡ quốc gia đầu tư sản xuất, chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Sản xuất dược liệu đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và đóng góp 5% vào GRDP của tỉnh.

Xây dựng Kon Tum thành vùng phát triển dược liệu quý bền vững - Ảnh 2.

Vườn Sâm Ngọc Linh ở Tu Mơ Rông (Kon Tum)

Định hướng đến năm 2030: Tổng diện tích vùng trồng dược liệu đạt khoảng 25.000 ha, diện tích Sâm Ngọc Linh khoảng 10.000 ha (100 triệu cây). Sản lượng các loại dược liệu đạt trên 130.000 tấn, ngành dược liệu đóng góp khoảng 15% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh; Hình thành mới 05 cơ sở sản xuất nguồn giống thương phẩm đối với các loài dược liệu có giá trị kinh tế cao, đảm bảo nguồn gốc, chất lượng, phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu để đáp ứng nhu cầu mở rộng diện tích dược liệu; Đầu tư kết cấu hạ tầng, đồng bộ, hiện đại vùng trồng dược liệu và thúc đẩy dịch vụ logistics; gắn kết vùng nguyên liệu quy mô, tập trung với nhà máy chế biến; giảm chi phí vận chuyển, tăng giá trị sản phẩm dược liệu. Thu hút đầu tư phát triển hạ tầng logistics, kho bãi phục vụ phát triển sản xuất, bảo quản và chế biến.

Tại Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum, UBND tỉnh đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu; Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu; Đầu tư phát triển dược liệu, gắn với công nghiệp chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ; Thực hiện cơ chế, chính sách về phát triển dược liệu; Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển dược liệu; Giải pháp về khoa học và công nghệ; Giải pháp về hợp tác quốc tế; Giải pháp tiêu thụ sản phẩm...

Ngày 24/10 có 5 ca mắc COVID-19Ngày 24/10 có 5 ca mắc COVID-19

SKĐS - Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 24/10 của Bộ Y tế cho biết, ca COVID-19 tiếp tục tăng trở lại, hôm nay đã có 5 ca. Trong ngày không có trường hợp nào khỏi bệnh và không còn ca thở oxy.

Nam Anh
Ý kiến của bạn