Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 22 diễn ra tại Brunei trong hai ngày 24 và 25/4/2013. Một trong những nội dung chính của hội nghị là bàn về việc khởi đầu vòng thương lượng, nhằm thành lập một khu vực tự do mậu dịch khổng lồ bao gồm 16 nước châu Á - Thái Bình Dương, chiếm một nửa dân số thế giới.
RCEP chiếm 40% GDP toàn cầu. |
Trong tương lai, RCEP có thể trở thành chất xúc tác cho các sáng kiến hội nhập khu vực hài hòa hơn. Chỉ riêng tên gọi RCEP đã cho thấy vai trò trung tâm của hiệp hội trong việc xác định hướng hội nhập khu vực trong tương lai. Vai trò trung tâm của ASEAN đưa đến một cơ hội tốt hơn cho các quốc gia tìm kiếm nền tảng chung cho hội nhập khu vực.
Nhận lời mời của Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah, ngày 24/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Ðoàn đại biểu Việt Nam rời Hà Nội sang Brunei tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 22. Tham gia đoàn có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Trưởng SOM ASEAN Phạm Quang Vinh, Ðại sứ Việt Nam tại Brunei Nguyễn Trường Giang và Trợ lý Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu Việt Nam tham dự các hội nghị lần này với tinh thần “Chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, tiếp tục phát huy các kết quả tích cực đạt được thời gian qua, cùng các nước ASEAN và Chủ tịch ASEAN Brunei đóng góp vào thành công chung của Hội nghị Cấp cao. |
RCEP được nhìn nhận là một trong những con đường hướng đến việc hình thành một khu vực thương mại tự do toàn khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương. RCEP sẽ là một hiệp định thương mại tự do khổng lồ, tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất, ngoài WTO, giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường phương Tây đang gặp khó. Tổng Thư ký ASEAN sắp mãn nhiệm Surin Pitsuwan nhận định, một RCEP thành công sẽ tiếp tục củng cố sự dịch chuyển “quyền lực kinh tế toàn cầu” từ phương Tây sang châu Á. Các cuộc thương lượng RCEP phải hoàn tất trước cuối năm 2015. Song việc đạt được một thỏa thuận có chất lượng cao nhằm tự do hóa hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa 16 nước với những nền tảng đa dạng sẽ là một thách thức lớn. Bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều thách thức đối với ASEAN trong việc đóng vai trò quan trọng trong RCEP mà trước hết là cam kết của các thành viên với tiến trình hội nhập, cả ở cấp chung ASEAN hay với các đối tác. Các nhà phân tích cũng chỉ ra một trở ngại không nhỏ đối với việc hoàn thành RCEP là sự hiện diện Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng. TPP sẽ liên kết Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Brunei, Chilê, Canada, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, chiếm 40% GDP toàn cầu.
Một quan chức Bộ Thương mại Nhật Bản nói rằng, nước này sẵn sàng đảm đương vai trò trụ cột trong các cuộc đàm phán trong khi đã thúc đẩy việc đưa ASEAN 6 trở thành một diễn đàn hợp tác ở châu Á. Nhật Bản được cho là sẽ được hưởng lợi lớn từ RCEP bởi đang có một mạng lưới cung cấp linh kiện ở Đông Nam Á và Ấn Độ. Trong khi đó, Trung Quốc dù ưu tiên nhiều hơn cho mối quan hệ hợp tác trong ASEAN 3 song rõ ràng đã ủng hộ RCEP vì Bắc Kinh cũng thấy được nhiều cái lợi trong tiến trình này. Vấn đề là những dàn xếp hiện tại của TPP, trong đó không bao gồm một số nước thành viên ASEAN và một số đối tác của ASEAN, có thể ảnh hưởng ở mức độ nào đó đến tiến trình hội nhập Đông Á và có khả năng làm gia tăng sự phức tạp của các thỏa thuận kinh tế trong khu vực. Điểm khác biệt khá lớn giữa TPP và RCEP là TPP không có sự tham dự của Trung Quốc, còn trong RCEP thì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ đóng vai trò quan trọng.
(Theo Bankokpost, TTXVN)