Hà Nội

Xây dựng hệ thống truyền thông mạnh, hiệu quả, hỗ trợ đắc lực trong thực hiện nhiệm vụ của ngành y tế

11-11-2024 13:45 | Y tế

SKĐS - Đội ngũ cán bộ làm truyền thông giáo dục sức khỏe ở tuyến tỉnh, tuyến y tế cơ sở đã có nhiều cố gắng trong triển khai các chỉ đạo của Bộ Y tế và của UBND tỉnh, thành, tích cực và chủ động áp dụng những tiến bộ kỹ thuật trong đổi mới hoạt động truyền thông, đa dạng hóa cách thức truyền thông...

Đặc biệt qua đại dịch COVID-19 và các tình trạng thiên tai, bão lũ vừa qua càng cho thấy vai trò quan trọng và đóng góp của công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ.

Xây dựng hệ thống truyền thông mạnh, hiệu quả, hỗ trợ đắc lực trong thực hiện nhiệm vụ của ngành y tế- Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo lập kế hoạch và giám sát chỉ đạo tuyến về truyền thông – giáo dục sức khỏe năm 2024.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh những thông tin này trong phát biểu tại Hội thảo lập kế hoạch và giám sát chỉ đạo tuyến về truyền thông – giáo dục sức khỏe năm 2024 do Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) tổ chức tại Vĩnh Phúc hôm nay - ngày 11/11 với sự tham dự của lãnh đạo, cán bộ phụ trách truyền thông - giáo dục sức khỏe 37 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Dự hội thảo về phía tỉnh Vĩnh Phúc có ông Nguyễn Khắc Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Vượt qua nhiều khó khăn để chuyển tải, lan tỏa thông tin truyền thông-giáo dục sức khỏe đến cộng đồng

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, báo cáo tổng kết hàng năm của các Vĩnh Phúc cho thấy, công tác truyền thông được thực hiện tốt. Các nội dung trọng tâm trong định hướng truyền thông của Bộ Y tế cũng như của tỉnh được chuyển tải tối đa đến các cấp lãnh đạo và người dân thông qua kênh truyền thông truyền thống và kênh truyền thông hiện đại, đặc biệt là đẩy mạnh và tích hợp truyền thông số một cách mạnh mẽ ở tất cả các tuyến.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, để triển khai thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về tăng cường công nghệ số, truyền thông chính sách, triển khai hiệu quả hơn nữa công tác truyền thông-giáo dục sức khỏe trong những năm tới để phù hợp với bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và tích hợp truyền thông đa phương tiện hiện đại trên thế giới và tại Việt Nam, từ năm 2023 và ngày 26/9 vừa qua, Bộ Y tế đã ra mắt Mạng lưới truyền thông ngành y tế - một nền tảng kết nối toàn quốc nhằm tối ưu hóa việc cung cấp thông tin y tế kịp thời, chính xác, đồng bộ, góp phần quan trọng vào việc nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Xây dựng hệ thống truyền thông mạnh, hiệu quả, hỗ trợ đắc lực trong thực hiện nhiệm vụ của ngành y tế- Ảnh 2.
Xây dựng hệ thống truyền thông mạnh, hiệu quả, hỗ trợ đắc lực trong thực hiện nhiệm vụ của ngành y tế- Ảnh 3.

Các đại biểu dự hội thảo.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, thời gian qua Bộ Y tế đã triển khai rất nhiều hoạt động khác nữa như xây dựng kho dữ liệu, tổ chức các cuộc thi, các lớp tập huấn, xây dựng gói dịch vụ (Thông tư số 30/2024/TT-BYT ngày 04/11/2024 của Bộ Y tế quy định danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện, trong đó có các dịch vụ truyền thông, giáo dục sức khỏe tại Trạm y tế xã), định mức kinh tế kỹ thuật.

Tuy nhiên, để triển khai tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe và qua ý kiến của các địa phương, công tác lập kế hoạch và giám sát chỉ đạo tuyến là hết sức quan trọng. Cũng như các lĩnh vực sức khỏe cộng đồng khác, thành công trong công tác truyền thông–giáo dục sức khỏe đều bắt đầu từ khâu lập kế hoạch và giám sát việc thực hiện kế hoạch.

"Nếu như lập kế hoạch được xem là nền tảng để thực hiện công việc thì kiểm tra, giám sát là cơ sở để đảm bảo việc thực hiện hoạt động theo kế hoạch được thành công và hiệu quả"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.

Trong phát biểu tại hội thảo, ThS Vũ Mạnh Cường - Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương cho biết, trong năm qua, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Y tế và Sở Y tế, CDC các tỉnh, thành phố bước đầu đổi mới công tác truyền thông-giáo dục sức khoẻ; chỉ đạo tuyến. "Mặc dù chúng ta đã đạt những thành tựu còn khiêm tốn trong công tác truyền thông-giáo dục sức khoẻ, nhưng đó là nỗ lực của toàn hệ thống"- ThS Vũ Mạnh Cường nói.

Những kiến nghị từ thực tiễn để nâng cao hiệu quả truyền thông-giáo dục sức khỏe ngành y tế

Hội thảo lập kế hoạch và giám sát chỉ đạo tuyến về truyền thông – giáo dục sức khỏe năm 2024 tập trung vào 2 trọng tâm: Thảo luận thực trạng công tác lập kế hoạch và kiểm tra, giám sát công tác truyền thông-giáo dục sức khỏe của mạng lưới trong năm qua; Góp ý 2 bộ biểu mẫu lập kế hoạch và kiểm tra, giám sát hoạt động truyền thông-giáo dục sức khỏe và xây dựng danh mục trang thiết bị truyền thông.

Xây dựng hệ thống truyền thông mạnh, hiệu quả, hỗ trợ đắc lực trong thực hiện nhiệm vụ của ngành y tế- Ảnh 4.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Khắc Hiếu phát biểu tại hội thảo.

Thông tin tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Khắc Hiếu khẳng định công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề sức khỏe, từ đó góp phần thay đổi hành vi và lối sống lành mạnh, hướng tới một xã hội khỏe mạnh, văn minh và giảm thiểu gánh nặng cho ngành Y tế trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

"Trong 10/2024, Vĩnh Phúc đã chủ động thành lập Ban Chỉ đạo Công tác thông tin, truyền thông Ngành Y tế tỉnh; Thành lập mạng lưới truyền thông Y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Các đơn vị bước đầu triển khai việc xây dựng kho dữ liệu của ngành và kho dữ liệu của các đơn vị trực thuộc, tiến tới thuận lợi trong việc chia sẻ dữ liệu truyền thông.

Cùng đó, đẩy mạnh tăng cường truyền thông số trên Website và truyền thông qua mạng xã hội để kịp thời cung cấp thông tin về các lĩnh vực y tế nhanh nhất tới người dân"- ông Hiếu cho biết.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe của tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế như: Thiếu nguồn lực, cán bộ truyền thông tuyến cơ sở; một số đơn vị y tế cán bộ truyền thông chủ yếu thực hiện kiêm nhiệm; trang thiết bị phục vụ công tác truyền thông giáo dục sức khỏe còn thiếu; chế độ ưu đãi cho cán bộ truyền thông còn thấp; nhận thức của một bộ phận người dân còn chưa đầy đủ về công tác truyền thông...

Thảo luận tại hội thảo, nhiều đại biểu đều nhất quán quan điểm cho rằng hoạt động truyền thông-giáo dục sức khỏe đóng vai trò quan trọng trong chuyển tải những thông tin, kiến thức về chăm sóc sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh... đến cộng đồng.

Xây dựng hệ thống truyền thông mạnh, hiệu quả, hỗ trợ đắc lực trong thực hiện nhiệm vụ của ngành y tế- Ảnh 5.

ThS Vũ Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương phát biểu tại hội thảo.


Các đại biểu cũng đề nghị Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương tổ chức tập huấn cho đội ngũ lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố về công tác truyền thông-giáo dục sức khỏe bởi 'truyền thông được quan tâm hay không phụ thuộc nhiều vào sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo, từ dành nguồn lực kinh phí, đến sắp xếp nhân lực làm công việc này';

Cùng đó xây dựng hướng dẫn về nhân lực phục vụ mạng lưới truyền thông; hướng dẫn cụ thể hoạt động giám sát truyền thông-giáo dục sức khỏe các tuyến; xây dựng kế hoạch hàng năm có cả tập huấn, giám sát và kiểm tra toàn hệ thống tuyến tỉnh từ khám chữa bệnh, y tế dự phòng và vệ sinh an toàn thực phẩm... để dễ hơn cho hoạt động này của các tỉnh, thành phố; cần có bảng kiểm và hướng dẫn cụ thể về trang thiết bị cụ thể cho công tác truyền thông-giáo dục sức khoẻ...

Cũng tại hội thảo, các đại biểu được nghe và thảo luận về quy trình xây dựng 2 bộ biểu mẫu: Lập kế hoạch truyền thông, kiểm tra giám sát thực hiện công tác truyền thông; Báo cáo nhanh kết quả thử nghiệm 2 bộ biểu mẫu lập kế hoạch và kiểm tra, giám sát công tác truyền thông-giáo dục sức khoẻ...

ThS Vũ Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương nhấn mạnh trên cơ sở các ý kiến, đề xuất của các đại biểu, Trung tâm sẽ tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Y tế ban hành các văn bản chỉ đạo để tạo động lực làm tốt hơn công tác truyền thông-giáo dục sức khoẻ; tạo điều kiện cho đội ngũ làm truyền thông-giáo dục sức khỏe ở các địa phương vừa được nâng cao trình độ, kỹ năng cũng như thống nhất đồng bộ sử dụng biểu mẫu phù hợp với mạng lưới truyền thông giáo dục sức khỏe ngành Y tế.

Xây dựng hệ thống truyền thông mạnh, hiệu quả, hỗ trợ đắc lực trong thực hiện nhiệm vụ của ngành y tế- Ảnh 6.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Khắc Hiếu cùng các đại biểu dự hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Y tế: "Truyền thông có vai trò rất lớn trong việc phát triển y tế"Thứ trưởng Bộ Y tế: 'Truyền thông có vai trò rất lớn trong việc phát triển y tế'

SKĐS - Truyền thông y tế hiệu quả góp phần có được lòng tin của khách hàng, xây dựng được thương hiệu cho cơ sở y tế, nâng cao năng lực khám chữa bệnh phục vụ bệnh nhân.

Thái Bình/ Ảnh: Nguyễn Nhiên
Ý kiến của bạn