Trong thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, tạo được những chuyển biến rõ rệt, tích cực. Các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế và Bộ Công thương đã phối hợp hiệu quả để xây dựng hệ thống quản lý, đánh giá nguy cơ ATTP trong nước.
Tháng 6, ba Bộ gồm Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Y tế và Công thương đã thành lập và cử chuyên gia tham gia nhóm kỹ thuật đánh giá nguy cơ về ATTP. Việc thành lập nhóm kỹ thuật sẽ là một bước tiến lớn trong việc đánh giá nguy cơ ATTP tại Việt Nam, tiến tới thành lập Trung tâm Đánh giá nguy cơ quốc gia về ATTP.
Hội thảo "Đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm" với sự tham dự của khoảng hơn 30 chuyên gia khoa học trong nước và quốc tế vừa diễn ra, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nêu rõ sự quan trọng của đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm. Trong bối cảnh ngành mới phát triển, còn thiếu nhân lực, nguồn lực, cần xác định vùng rủi ro, mức độ ảnh hưởng để hành động hiệu quả.
"Bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm của toàn thể xã hội chứ không phải của riêng ai. Việc quản lý chuỗi cần bắt nguồn từ gốc. Các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ giám sát, đánh giá, cảnh báo, và quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm đối với các loại thực phẩm nông sản và thủy sản tiêu dùng. Nhưng để nhận diện mối nguy, đánh giá phơi nhiễm và kiểm tra thực tế, cần hợp tác với các bộ, ngành và địa phương", ông Nguyễn Như Tiệp nói.
Tuy nhiên, phối hợp liên ngành còn chưa ổn định, đào tạo nhân lực chưa đồng đều trên cả nước. Bên cạnh đó, ông Tiệp cũng nhận định hệ thống nông nghiệp Việt Nam có nhiều đặc thù. Điển hình, nếu thực phẩm ở các nước phát triển sẽ được vận chuyển trực tiếp từ trang trại tới nhà máy chế biến, thì ở nước ta, thương lái là đầu mối quan trọng trong chuỗi thực phẩm do sản xuất còn manh mún. Do đó, ông Tiệp đề xuất cần xác định cụ thể đội ngũ từ Trung ương tới địa phương, đồng thời xây dựng mô hình đào tạo dựa trên thực tiễn nông nghiệp Việt Nam.
Đại diện Bộ Y tế thông tin, quản lý đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thực hiện Đề án 518/QĐ-BYT nhằm xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm ở mọi cấp. Tuy nhiên, việc triển khai bị hạn chế do thiếu kinh phí, chưa đạt mục tiêu toàn diện.
Ông Lưu Đức Du - Phó trưởng Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) nhấn mạnh, đánh giá nguy cơ không chỉ là hoạt động lấy mẫu, kiểm nghiệm mà còn là công tác điều tra, xác định mức độ và phạm vi ảnh hưởng đối với sức khỏe cộng đồng.
Ông Du nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, công tác truy xuất nguồn gốc còn gây khó khăn cho việc điều tra. Ví dụ, mua bán không có hóa đơn hoặc qua đường tiểu ngạch còn phổ biến. Ngoài ra, sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các ngành, các địa phương với nhau còn hạn chế...
Trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành y tế đã kiểm tra 250.938 cơ sở, phát hiện 40.403 cơ sở vi phạm; đã xử lý 6.324 cơ sở, trong đó phạt tiền 6.052 cơ sở với số tiền 24,73 tỷ đồng.
Ngành Nông nghiệp đã thanh tra 6.879 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, xử phạt hành chính 743 cơ sở, với số tiền phạt 6,8 tỷ đồng.
Ngành Công thương đã kiểm tra 3.156 vụ, xử lý 2.594 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt 12,458 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm 15,486 tỷ đồng.
Lực lượng Cảnh sát môi trường đã phát hiện 4.192 vụ với 3.852 cá nhân và 345 tổ chức vi phạm; khởi tố 13 vụ và 7 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 3.828 vụ, tổng tiền phạt vi phạm hành chính là 24,825 tỷ đồng.