Tham dự buổi lễ có ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tư lệnh Quân khu 4; ông Nguyễn Đức Trung, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cùng lãnh đạo UBND các tỉnh Hà Tĩnh, TPHCM, Hải Phòng…
Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Ngày 27/11/2014, Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là dấu mốc quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, nâng cao tầm nhìn cho cộng đồng trong nước và quốc tế đối với một di sản giàu bản sắc của một vùng văn hóa.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh, Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại không chỉ là niềm tự hào của người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh mà còn là vinh dự của cả quốc gia. Chặng đường 10 năm qua, Dân ca ví, giặm đã và đang chứng minh sức sống, sức lan tỏa mạnh mẽ bất kể không gian và thời gian.
Nhấn mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa là góp phần gìn giữ hồn cốt của dân tộc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng, bảo tồn, phát huy giá trị di sản được UNESCO ghi danh vừa là niềm vinh dự, tự hào nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm, là cam kết không chỉ của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh mà là của quốc gia với UNESCO.
"Để Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh thực sự lan tỏa và trường tồn, tỉnh Nghệ An cần chủ động, tích cực, phối hợp tốt hơn nữa với tỉnh Hà Tĩnh và các ban, bộ, ngành Trung ương, các cơ quan hữu quan, các cộng đồng và nhân dân cả nước thực hiện có hiệu quả chương trình hành động quốc gia nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể này", ông Tạ Quang Đông phát biểu.
Theo lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.
"Tăng cường đầu tư các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Ban hành và triển khai có hiệu quả các chính sách về bảo tồn, phát huy giá trị Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Phải giới thiệu, quảng bá giá trị Dân ca ví, giặm ở trong và ngoài nước để được lan tỏa sâu hơn, rộng hơn đến bạn bè trên thế giới. Xây dựng Dân ca ví, giặm thành sản phẩm du lịch đặc trưng của xứ Nghệ", Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nói.
Dân ca ví, giặm trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của xứ Nghệ
Ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, trong hành trình 10 năm Dân ca ví, giặm được UNESCO vinh danh, chính quyền, Nhân dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã chung tay, góp phần cho di sản của quê hương ngày càng lan tỏa trong nước và quốc tế. Đồng thời, khẳng định được vị thế và sức lan tỏa của Dân ca ví, giặm trong cộng đồng.
Ông Bùi Đình Long cho rằng, để Dân ca ví, giặm xứng tầm di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chính quyền và Nhân dân 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục triển khai chương trình hành động bảo vệ và phát huy giá trị Dân ca ví, giặm.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cần khắc phục khó khăn, hạn chế, tạo điều kiện cho nghệ nhân và cộng đồng gìn giữ, trao truyền, lan tỏa tình yêu với di sản. Tăng cường đầu tư các nguồn lực, từng bước xây dựng Dân ca ví, giặm trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của xứ Nghệ. Đầu tư xây dựng thương hiệu cho Dân ca ví, giặm và thương hiệu du lịch địa phương gắn với Dân ca ví, giặm.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định tặng Bằng khen cho 5 tập thể, 5 cá nhân vì có đóng góp xuất sắc trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Dân ca ví, giặm giai đoạn 2014 - 2024.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An quyết định tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 10 cá nhân vì có đóng góp xuất sắc trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Dân ca ví, giặm giai đoạn 2014 - 2024.
Tại Lễ kỷ niệm, đại biểu và nhân dân, du khách đã được thưởng thức Chương trình nghệ thuật: "Ví, giặm hồn quê tỏa sáng". Chương trình do các nghệ sĩ thuộc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An, Trung tâm Nghệ thuật múa Hà Tĩnh, Đoàn Nghệ thuật Bắc Ninh, Đoàn Nghệ thuật Bạc Liêu, Đoàn nghệ nhân Đắk Lắk biểu diễn.
Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương: Chương 1: Hồn quê; Chương 2: Ví, giặm nuôi lớn những anh tài; Chương 3: Hội tụ và tỏa sáng. Chương trình nghệ thuật là sự kết tinh trí tuệ, tâm hồn, khí chất con người Nghệ Tĩnh qua di sản văn hóa Dân ca ví, giặm, làm nền tảng, chất liệu cho việc tạo dựng những giá trị văn hóa hiện đại.
'Choáng ngợp' nơi 13 vua Nguyễn đăng quang vừa mở cửa đón khách sau trùng tu