Xây dựng công trình mà làm hỏng, sập nhà xung quanh thì xử lý thế nào?

12-04-2025 19:04 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo luật sư, việc thi công công trình, đào móng, xây nhà gây nứt tường, làm hỏng, sập nhà xung quanh thì sẽ căn cứ theo các quy định tại điều 174, 170, 605 Bộ Luật Dân sự để xử lý.

Thời gian qua, nước ta ghi nhận nhiều sự cố nhà dân bị nứt, sập do ảnh hưởng từ việc thi công công trình xây dựng bên cạnh. Có thể kể đến như sự cố sập nhà dân tại phố Quang Trung, thị xã Sơn Tây hồi tháng 11/2024 hay sự cố các nhà dân tại phố Giang Văn Minh (Hà Nội) bị nứt do thi công đường sắt ngầm…

Vậy việc thi công công trình, đào móng, xây nhà gây nứt tường, làm hỏng, sập nhà xung quanh được xử lý thế nào?

Xây dựng công trình mà làm hỏng, sập nhà xung quanh thì xử lý thế nào?- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Theo luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội, trường hợp chủ sở hữu công trình, bất động sản liền kề tiến hành xây dựng, sửa chữa công trình xây dựng mà gây ra các sự cố như: nứt vách, nứt tường, thấm dột; làm hở dầm móng; máy móc thiết bị làm ồn nghiêm trọng; ép cọc cho móng có thể làm nhà bên cạnh bị sụt lún, nghiêng, nứt tường, đội nền, sập hoàn toàn… thì phải có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ các thiệt hại về vật chất cho chủ sở hữu bất động sản bị thiệt hại theo các quy định tại điều 174, 170, 605 Bộ Luật Dân sự.

Cụ thể, theo quy định tại điều 174 Bộ Luật Dân sự khi xây dựng công trình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề xung quanh.

Đồng thời, theo quy định tại điều 170 Bộ Luật Dân sự, chủ sở hữu tài sản có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình bồi thường thiệt hại. 

Đặc biệt, tại điều 605 Bộ Luật Dân sự quy định, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác và khi người thi công có lỗi trong việc để nhà, cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.

Theo tinh thần của Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 việc bồi thường do sự cố công trình nhà cửa, công trình xây dựng khác đối với bất động sản liền kề được xác định là trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

Có hành vi xâm phạm tài sản của người khác.

Có thiệt hại thực tế tế xảy ra. Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được của chủ thể bị xâm phạm, bao gồm tổn thất về tài sản mà không khắc phục được; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút do tài sản bị xâm phạm.

Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi xâm phạm. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm và ngược lại hành vi xâm phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại.

Còn theo quy định tại Điều 3 Thông tư 03/2018/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở khi có thiệt hại về công trình xây dựng xảy ra, các bên có quyền thỏa thuận về việc bồi thường thiệt hại. Trường hợp không thỏa thuận được với nhau về việc xác định thiệt hại, bồi thường thiệt hại, một trong các bên có quyền khởi kiện tại Tòa án nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.

Hoặc trường hợp thiệt hại tài sản có dấu hiệu tội phạm, lỗi cố ý, chủ đích, trực tiếp của một bên nhằm hủy hoại tài sản, công trình xây dựng của một bên, bên còn lại có thể gửi đơn tố giác đến cơ quan công an có thẩm quyền để được giải quyết.

Hà Nội: Đào móng làm sập nhà liền kề, nhiều người thoát chết trong gang tấcHà Nội: Đào móng làm sập nhà liền kề, nhiều người thoát chết trong gang tấc

SKĐS – Tối 4/11, Công an thị xã Sơn Tây (Hà Nội) thông tin về vụ việc đào móng làm sập căn nhà liền kề xảy ra trên địa bàn. Vụ việc không có thiệt hại về người.


Phúc Đức
Ý kiến của bạn