Xây dựng cộng đồng dân cư an toàn để ứng phó với thiên tai

29-08-2018 20:37 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Từ ngày 28 - 29/8, Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai (BCĐ) đã tiến hành kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại hai tỉnh Bình Phước và Tây Ninh

Từ ngày 28 - 29/8, Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai (BCĐ) đã tiến hành kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại hai tỉnh Bình Phước và Tây Ninh. Đoàn bao gồm cán bộ các bộ Y tế và Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, do Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, Uỷ viên BCĐ làm trưởng đoàn.

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cùng đoàn công tác thị sát hồ Dầu Tiếng- tỉnh Tây Ninh

Đoàn đã nghe Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của của hai tỉnh Bình Phước và Tây Ninh báo cáo về việc triển khai công gác phòng chống thiên tai trong thời gian qua, trao đổi về các vấn đề mà hai địa phương cần tăng cường và thị sát công tác bảo đảm an toàn ở hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh). Đây là hai địa phương có điều kiện thời tiết mưa thuận gió hoà, ít có thiên tai lớn xảy ra, mà chủ yếu là giông lốc hoặc hạn hán gây cháy rừng. Tuy nhiên cả hai địa phương đều chủ động, tích cực triển khai đầy đủ các hoạt động phòng chống thiên tai theo chỉ thị của Chính phủ.

Theo ông Huỳnh Anh Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, tại tỉnh này có một số cộng đồng người dân tộc thiểu số sống gần sông suối, có thể bị ảnh hưởng bởi lũ quét, lở đất. Tỉnh gặp khó khăn là các trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai và cứu nạn đều đã cũ, xuống cấp, không có kinh phí để sửa chữa hoặc sắm mới.

Còn tại Tây Ninh, vẫn còn một số xã phường chậm xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai giai đoạn 2016-2020 và chưa có phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai.

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn làm việc với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, cứu nạn tỉnh Tây Ninh.

Trao đổi với các ban chỉ huy phòng chống thiên tai cấp tỉnh, đoàn kiểm tra đã đề nghị các địa phương xây dựng những cộng đồng dân cư an toàn tại các nơi tiềm ẩn nguy cơ xảy ra thiên tai. Những cộng đồng này cần được trang bị kiến thức, trang thiết bị; cần được xây dựng kỹ năng phòng chống thiên tai; tập huấn, diễn tập ứng phó thiên tai. Họ cần được truyền thông, giáo dục để có tinh thần sẵn sàng ứng phó với thiên tai, biết cách sơ tán khi thiên tai xảy ra và biết phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai. Những cộng đồng này cần được hướng dẫn cho từng nhóm đối tượng biết việc của mình trước, trong và sau thiên tai.

Đối với tỉnh Tây Ninh, nguy cơ thiên tai lớn nhất chính là hồ Dầu Tiếng trong điều kiện nước lũ dâng cao và phải tiến hành xả lũ, có thể gây ngập lụt ở vùng hạ lưu, ảnh hưởng tới 5 tỉnh, trong đó có TP Hồ Chí Minh.

Mặc dù cho đến nay nguy cơ này chưa xảy ra và tình trạng đập là an toàn qua kiểm định, nhưng tỉnh Tây Ninh thường xuyên kiểm tra định kỳ độ an toàn của công trình trước mùa mưa lũ hàng năm; ban hành “Kế hoạch sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp” được Tổng Cục Thuỷ lợi ban hành cuối năm 2018.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đã biểu dương những nỗ lực tích cực và chủ động của hai địa phương trong triển khai các nhiệm vụ phòng chống thiên tai và cứu nạn.

Theo Thứ trưởng, tỉnh Tây Ninh cần tiến hành nâng cao nhận thức ở các xã, huyện còn chậm trong việc triển khai các nhiệm; cần đưa ra thời hạn và đốc thúc thực hiện.

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn thị sát hồ Dầu Tiếng- tỉnh Tây Ninh

Hai địa phương cần tăng cường công tác truyền thông ở các cấp chính quyền và cho người dân, mở rộng hình thức truyền thông như ứng dụng mạng xã hội và gửi tin nhắn sms qua mạng viễn thông; cần kiện toàn văn phòng các ban chỉ huy phòng chống thiên tai địa phươnh, phát huy thế mạnh của quân dân y kết hợp trong tìm kiếm, cứu nạn và phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, các tỉnh cũng cần có kế hoạch dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men, hoá chất vật tư để ứng phó tốt với dịch bệnh sau lũ.


Mạnh Vũ
Ý kiến của bạn