Xây dựng chính sách BHYT khuyến khích người dân KCB y học cổ truyền

10-06-2015 08:00 | Tin nóng y tế

SKĐS - Đây là thông tin được thể hiện trong thông báo kết luận của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác y dược cổ truyền.

Đây là thông tin được thể hiện trong thông báo kết luận của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác y dược cổ truyền.

Theo thông báo kết luận, thời gian qua, Bộ Y tế, các địa phương đã chủ động phát triển y dược cổ truyền trên các mặt, việc khám chữa bệnh (KCB), sản xuất thuốc y học cổ truyền càng mở rộng; chất lượng KCB y học cổ truyền ngày càng nâng cao, góp phần phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, công tác y học cổ truyền còn chưa đáp ứng phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, chưa tương xứng với tiềm năng về y dược cổ truyền của nước ta, cũng như sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện nay.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển y dược học cổ truyền. Ảnh: TM

Để tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển y dược cổ truyền, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương tổ chức hoạt động y học cổ truyền tại tất cả các cở sở KCB và phòng bệnh; phối hợp y học cổ truyền và y học hiện đại tại các cơ sở KCB, nhất là tại các khoa khám bệnh.

Đồng thời phát triển các khoa, tổ y học cổ truyền trong bệnh viện y học hiện đại từ tuyến y tế cơ sở đến các tuyến Trung ương. Kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong tất cả các khâu: Khám bệnh, chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh. Xác định danh mục các bệnh khám, chữa bệnh hiệu quả bằng y học cổ truyền; danh mục các bệnh khám, chữa bệnh hiệu quả khi kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại để các bệnh viện thực hiện.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng chính sách về bảo hiểm y tế để tạo điều kiện khuyến khích nhân dân khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền với mô hình thí điểm thông tuyến (không dùng giấy giới thiệu chuyển viện) để người dân tự lựa chọn cơ sở y học hiện đại hay y học cổ truyền để KCB. Đồng thời Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương đầu tư xây dựng và nâng cao năng lực các viện kiểm nghiệm thuốc, bảo đảm các dược liệu khi nhập khẩu phải được kiểm nghiệm về hoạt chất. Khẩn trương ban hành quy định về tiêu chuẩn dược liệu nguyên liệu, dược liệu sau chế biến sử dụng trong các cơ sở KCB, cơ sở sản xuất thuốc; cũng như sản xuất thuốc y học cổ truyền từ kế thừa bài thuốc cổ phương, bài thuốc gia truyền, bài thuốc kinh nghiệm dân gian, bài thuốc kết quả nghiên cứu khoa học, bài thuốc kinh nghiệm của thầy thuốc giỏi để bảo đảm hiệu quả; chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về y, dược cổ truyền Việt Nam; sưu tầm, hiệu đính, chú giải các tài liệu, tác phẩm có giá trị về y học cổ truyền Việt Nam. Xây dựng đề án phát triển y, dược cổ truyền nhằm nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ KCB bằng y học cổ truyền tại trạm y tế xã và các bệnh viện tuyến huyện; kiểm soát chất lượng dược liệu, thuốc y học cổ truyền.

Khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền nước ta đã và đang có đóng góp to lớn trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Hệ thống y học cổ truyền nước ta được hình thành và phát triển ở tất cả các tuyến, với 58 bệnh viện y học cổ truyền. Tỷ lệ giường bệnh y học cổ truyền trên tổng số chung của các tuyến là 13,7% đã tăng hơn so với các năm trước. Tỷ lệ khoa/tổ y học cổ truyền trong bệnh viện đa khoa là 52,9%, tổ y học cổ truyền trong phòng khám đa khoa là 46,2%. Trong năm 2014, số xã triển khai bảo hiểm y tế trong khám bệnh, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế là 61,5%. Số trạm y tế triển khai chữa bệnh bằng thuốc thành phẩm y học cổ truyền chiếm 67,1%, triển khai điều trị bằng thuốc nam chiếm 44,6%, số trạm y tế xã có vườn thuốc nam chiếm 83,9%, tăng 4,0% so với năm 2013.

Cuối tháng 5/2015, số người tham gia BHYT đã ngang bằng thời điểm cuối năm 2014

Báo cáo kết quả sau 05 tháng triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và Định hướng công tác tuyên truyền nhân ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam 01/7/2015 tại hội nghị giao ban Tổng Biên tập các cơ quan Báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng ngày 9/6, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam - ông Phạm Lương Sơn cho biết, tính đến 31/5/2015 ước số đối tượng cả nước tham gia BHYT theo báo cáo của BHXH các tỉnh là 64,6 triệu người, tăng 2,7 triệu người so với tháng 5/2014, tương đương bao phủ 71,4% dân số. Nếu hết quý 1/2015, số người tham gia giảm 1,4 triệu người so với tháng 12/2014, thì tính đến hết tháng 5 số người tham gia đã đã quay trở về tương đương với thời điểm cuối năm 2014. Đạt được kết quả như vậy là do giai đoạn đầu khi triển khai thực hiện phát hiện các vướng mắc, BHXH Việt Nam đã kịp thời tháo gỡ, giảm thiểu cải cách thủ tục hành chính, phối hợp với Bộ Y tế - Bộ Tài chính đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho địa phương, đã kịp thời ban hành Công văn số 777/BHXH-BT ngày 12/3/2015 để tháo gỡ việc lập danh sách tham gia theo hộ gia đình.

Ðể nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp, các ngành và mỗi người dân trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012-2020; Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020 và Luật BHYT, BHXH Việt Nam đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhân ngày BHYT Việt Nam 01/7/2015 với chủ đề “Chung tay thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân”.

Thái Bình

Bảo hiểm y tế
Bảo hiểm Y tế
(cập nhật liên tục)

 


Ý kiến của bạn