Tiên phong xây dựng cơ quan báo chí văn hóa
Ngày 7/3, Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức lễ ký giao ước thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa và văn hóa của người làm báo trong cơ quan báo Sức khỏe và Đời sống". Lễ ký kết được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về "Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại" và kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc; hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 (1925 - 2025).
Kế hoạch số 154-KH/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các cơ quan báo chí tích cực hưởng ứng phong trào thi đua và ký cam kết xây dựng cơ quan báo chí văn hoá, người làm báo văn hoá;
Quyết định số 70a/QĐ-HNBVN ngày 21/6/2022 của Hội Nhà báo Việt Nam về việc ban hành Tiêu chí cơ quan báo chí văn hoá và văn hoá của người làm báo Việt Nam; Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã ban hành tiêu chí cơ quan báo chí văn hoá và văn hoá của người làm báo Việt Nam và triển khai đến tất cả các cấp hội, cơ quan báo chí.
Phát biểu tại lễ ký giao ước thi đua, ông Trần Tuấn Linh, Tổng biên tập Báo Sức khỏe và Đời sống nói, giao ước thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí", giai đoạn 2022-2025 là hoạt động ý nghĩa giúp các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo Báo Sức khỏe và Đời sống hiện thực hóa các chủ trương, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Tuyên giáo Trung ương về xây dựng cơ quan báo chí văn hoá, người làm báo văn hoá.
Thông qua các nội dung quan trọng của phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan Báo Sức khỏe và Đời sống và ký kết giao ước thi đua giai đoạn 2022-2025 giữa các đơn vị, phòng ban cơ quan chính là hành động thiết thực hưởng ứng cuộc phát động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về vấn đề này.
Theo ông Trần Tuấn Linh, dù đã có các tiêu chí về môi trường văn hóa và văn hóa của người làm báo song trong quá trình thực hiện nếu có điểm nào chưa hoàn thiện thì sẽ phải sửa đổi bổ sung. Việc ký kết này không phải là hình thức mang tính đối phó mà phải triển khai vào thực tiễn, thực chất, đi vào sâu rộng trong đội ngũ những người làm báo Báo Sức khỏe và Đời sống. Mục đích hướng đến sự phát triển chung của cơ quan, cải thiện các chỉ số về thương hiệu, xây dựng môi trường làm việc văn minh, mang lại các giá trị tốt đẹp về vật chất và tinh thần cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Báo.
"Toàn thể cơ quan chúng ta phấn đấu xây dựng cơ quan Báo Sức khỏe và Đời sống theo 6 tiêu chí của "Cơ quan báo chí văn hóa" và 100% cán bộ, phóng viên, hội viên thực hiện tốt 6 tiêu chí văn hóa của người làm báo", ông Trần Tuấn Linh nói.
Lễ ký kết giao ước thi đua được các đồng chí lãnh đạo Báo Sức khỏe và Đời sống, lãnh đạo các phòng ban, trung tâm, thực hiện trang trọng với sự chứng kiến của toàn thể cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Sức khỏe và Đời sống.
6 tiêu chí của "Cơ quan báo chí văn hóa"
1. Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí và tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; nhận thức đầy đủ sứ mệnh, vai trò của báo chí trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; nỗ lực góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.
2. Xây dựng và tổ chức thực hiện nội quy, quy định gắn với các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa; tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, thân thiện, hợp tác trong cơ quan.
3. Tổ chức quy trình hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, công khai, minh bạch; xác định nguyên tắc tác nghiệp trên tinh thần khách quan, xây dựng, vì lợi ích chung. Quản lý, chỉ đạo sát sao hoạt động của phóng viên, biên tập viên, người lao động và của văn phòng đại diện.
4. Đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ và trong tác phẩm báo chí; nêu cao tính nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hướng đến các giá trị "chân, thiện, mỹ", lan tỏa những điều tốt đẹp, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, tiêu cực, bồi đắp nền tảng tinh thần xã hội.
5. Tích cực đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số; coi trọng việc bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
6. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu, của cán bộ lãnh đạo; Hưởng ứng và triển khai phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí.
6 tiêu chí để đánh giá văn hóa của người làm báo Việt Nam
1. Có tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng; chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nội quy, quy chế, quy định của cơ quan, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
2. Tận tụy, trách nhiệm với công việc; hành nghề trung thực, công tâm, không vụ lợi, không sách nhiễu, cửa quyền, giữ gìn phẩm giá, tư cách của người làm báo.
3. Tôn trọng quyền con người, quyền riêng tư, không gây tổn thương tinh thần, nhân phẩm, danh dự cá nhân và tổ chức.
4. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, nêu cao tính nhân văn trong tác phẩm báo chí cũng như trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.
5. Ứng xử chân thành, thân ái; sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ đồng nghiệp; khiêm tốn, văn minh trong quan hệ công tác; chuẩn mực, thân thiện với công chúng.
6. Tích cực rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp; thường xuyên học tập, nâng cao kiến thức, nâng cao trình độ nghiệp vụ.