Hà Nội

Xao xuyến một chiều xuân

19-02-2015 15:27 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Họ như cơn gió thoảng mang theo hương hoa của cuộc đời, mang theo cả tấm lòng tri ân, tri kỷ, mang đến những giây phút thăng hoa tuyệt vời của tình yêu.

Chiều cuối năm, trong căn phòng nhỏ thật tĩnh lặng, anh bỗng thấy lòng mình se thắt... Trên 60 tuổi đời, 37 năm là bác sĩ tai mũi họng tại một bệnh viện lớn, người phẫu thuật viên tài hoa ấy đã mổ hàng chục ngàn ca mổ lớn nhỏ và cũng không thể nào nhớ rõ từng người bệnh, nhưng có những bệnh nhân bất ngờ quay lại tìm anh với tình cảm thật đẹp khiến anh không khỏi bối rối, ngỡ ngàng…

Họ như cơn gió thoảng mang theo hương hoa của cuộc đời, mang theo cả tấm lòng tri ân, tri kỷ, mang đến những giây phút thăng hoa tuyệt vời của tình yêu. Để rồi, mãi mãi vẫn chỉ là kỷ niệm trong nuối tiếc, bâng khuâng.

Anh tâm sự - mà sao như tự vấn với chính mình: “Niềm ân hận nhất trong tôi là không đủ sức, không đủ thời gian để gặp lại họ và cũng không đủ chỗ trong tâm hồn để bù đắp cho những gì họ yêu và trao cho mình. Tình cảm của người bệnh đối với thầy thuốc là lớn lao lắm, vì họ được bác sĩ chữa trị, có khi vượt qua được giai đoạn ngặt nghèo trong cuộc đời. Ví như chiếc xe mình đang đi bị hư, đưa tới garage được thợ sửa chạy tốt thì mang ơn chứ!”.

Những tấm lòng chân thật, nồng hậu

Bệnh nhân từ dưới tỉnh lên, mang trong lòng biết bao nhiêu lo âu mà nhận được sự tận tình của bác sĩ thì nếu có một tình cảm nào đó vượt giới hạn, là tình yêu đi chăng nữa thì cũng hợp lý. Một người phụ nữ cũng có quyền yêu và hy vọng, mà họ yêu bác sĩ tài hoa là thường thôi. Và đa số là tiếc nuối. Có trường hợp tiếc nuối ít, có trường hợp tiếc nuối nhiều hơn. Trong những giây phút chỉ riêng mình, thỉnh thoảng có chút bâng khuâng, đó là cảm giác rất thật. Anh khẽ hát…“Đi về đâu hỡi em, khi trong lòng không chút nắng…”.

Anh bảo trong giai đoạn cách đây khoảng mười - hai mươi năm, tình cảm của người bệnh đến với thầy thuốc dễ thương lắm. Một lần anh đang loay hoay khám bệnh, bỗng có người (bệnh nhân nằm viện trước đó mấy tháng) mang đến cả một cần xé quýt, cười xởi lởi: “Quýt vườn nhà tôi hái, ngọt lắm. Bác sĩ ăn lấy thảo”. Hai vợ chồng nông dân từ tỉnh lên xách theo cặp gà vô: “Bác sĩ ơi, nhà tôi có nuôi mấy con gà mới lớn, lựa cặp ngon nhứt biếu bác sĩ. Bác sĩ nhớ ăn nhe, đừng bỏ, uổng lắm”. Gà bị trói chân đập cánh lung tung, kêu quác quác, không biết làm sao, mà cũng không thể chối từ trước tình cảnh “éo le” này. Vui nhất là bà cụ xách chiếc giỏ lát, đi vô: “Dạ, tui có mấy con cua mang từ dưới quê lên, ngon lắm, bác sĩ nhận cho tui vui”. Chưa kịp hoàn hồn bỗng thấy nước bùn từ giỏ cua chảy ròng ròng, phải đem vô toa lét phòng bệnh cho cua tạm trú! Có người xuất viện về còn tỉ mỉ làm búp bê bằng vải, làm tượng chạm trổ bằng đồi mồi thiệt đẹp mang vô tặng bác sĩ. Có người cứ thậm thà thậm thụt trước cửa phòng với chiếc phong bì: “Bác sĩ cái gì cũng có, tui cũng không có thời gian đi mua quà, vậy bác sĩ cầm tiền mua cái gì bác sĩ thích để khi nhìn mà nhớ tui”. Mở ra phong bì chỉ 100.000 - 200.000 đồng nhưng nó rất quý, có khi họ phải chắt bóp lắm mới có. Họ tặng mình để nhớ công người thầy thuốc đã giúp họ vượt qua khúc quanh bệnh tật trong cuộc đời, giúp họ sống với sức khỏe tốt hơn có khi đến 50 - 70 năm. Đó là những “đồng tiền thơm”, là những kỷ vật mỗi khi nhớ nhau.

Và, khi… con tim xao xuyến

Anh kể:

“Cách đây khoảng trên 20 năm, một lần ra Hà Nội công tác, tôi tình cờ gặp M., một bệnh nhân từ Hà Nội lặn lội vô Sài Gòn mổ viêm xoang. Chữa xong, lành tốt, cô xuất viện. Một ca bình thường, bệnh tình cũng không có gì đặc biệt, tôi cũng không nhớ cô là ai. Vậy mà, khi gặp tôi, M. (lúc ấy 22 tuổi) mừng như đón người thân đi xa trở về với bao yêu thương chất chứa từ lâu chợt vỡ òa. Hồi đó tôi nghèo, cô cũng nghèo, nhưng tình cảm cô dành cho tôi đầy ắp. Cô dẫn tôi đi giới thiệu với bạn bè, ba mẹ và cả người thân của ba mẹ, để khoe người bác sĩ đã mổ cho mình. Rồi cô nhất quyết đưa tôi đi nhậu với bạn bè cho vui. Mới nhậu 2 - 3 lần đã cạn túi, cô nói chúng tôi ngồi chờ một lát quay lại. Trở lại, trả tiền xong, cô mới thổ lộ với riêng tôi: “Hồi nãy chạy về nhà cũng không còn tiền, em sực nhớ mình có cái quần bò rất quý, em đem bán vội rồi mới có tiền trả cho các anh vui vẻ”. Cô nói rất hồn nhiên, còn tôi cảm thấy ân hận vô cùng.

“Cuộc hội ngộ nào rồi cũng đến lúc chia tay. Sau 3 ngày, cô đưa tôi ra bến xe để về Sài Gòn. Trời mưa tầm tã. Cô vẫn đứng đó, tay cầm dù bịn rịn cho đến khi xe chạy khuất. Xe chạy trong màn đêm tù mù mà cô cứ đứng trong mưa với đôi mắt ướt đẫm, cho đến khi cả hai không còn nhìn thấy nhau. Mình cũng đâu phải gỗ đá gì. Về Sài Gòn mấy tháng vẫn thấy lòng không yên. Thư từ thì chậm (hồi đó chưa có internet), mà cô và tôi cũng không muốn liên lạc nhau để làm gì. Sau mấy tháng mới nhận được thư M. Cô viết: “Vì nhớ anh mà em ngã bệnh phải nằm viện. Hôm nay em khỏe rồi nhưng bệnh viện không cho ra, em phải leo tường để tới bưu điện gửi thư cho anh…”. Người con gái ấy đã dành cho tôi một tình yêu đẹp tuyệt vời, thật hồn nhiên, không cần bất cứ điều kiện gì. Đó là một trong những tiếc nuối mà mình không thể”…

Cô gái trong đêm trừ tịch

Một tự sự đã hơn 20 năm, bây giờ mới kể. Đêm 30 Tết, anh phải trực một khoa lớn. Khác với những ngày thường, đêm giao thừa thường không một ai muốn quấy rầy bác sĩ, chỉ trừ bệnh nhân cấp cứu. Đang nằm buồn một mình, đột nhiên có tiếng gõ cửa. Anh vừa mở, một mùi hương dịu dàng tràn vào phòng, choáng ngợp. Mất mấy giây định thần anh mới nhận ra tóc cô ướt hết, đôi mắt cũng ướt, nhìn anh trách móc. Anh hỏi:

- Ủa, em đi đâu đây? Sao giờ này lại tới?

Cô khóc nức nở:

- Em đi tìm anh!

Cuốn phim quay lại trong óc anh rất nhanh: trước đó mấy tháng, anh được bệnh viện giao làm trưởng ê kíp mổ cho bệnh nhân Q.H. - cô gái nhỏ nhắn rất xinh, nước da trắng mịn, có chồng đi theo từ Bình Định vào. Ca mổ rất suôn sẻ và cả ê kíp thầy trò đều vui vẻ. Cô lành bệnh nhẹ nhàng và hai vợ chồng dẫn nhau ra viện. Giờ này mà cô trở lại, phải chăng sức khỏe có vấn đề? Anh hỏi tiếp: “Chồng em đâu?”. Cô vẫn đứng sững, khóc. Nếu để cô tiếp tục đứng trước cửa phòng trực thì không tiện, anh mời cô vào. Cô sà vào, ôm chặt lấy anh… Trong lòng anh cùng lúc giằng co giữa hai cảm xúc: một bên là tình người - vì cô đã vượt ngàn dặm vào đây, một bên là cảm giác ngăn chặn - mình là bác sĩ không được... Anh cũng ôm cô rất lâu.

Trong vòng tay anh, cô nức nở:

- Từ khi anh mổ cho em, được anh chăm sóc, em nhớ anh, em đã bỏ chồng em rồi. Nó tệ lắm!

Nghe cô nói xong, anh thấy đầu mình choáng váng, mệt mỏi. Giao thừa tới. Làm sao? Để cô ở trong phòng trực này thì anh chết, mà đẩy cô ra đường thì cũng chết.

Anh hỏi: “Em có nhà người quen ở gần đây không?”. Em lí nhí nói tên đường và số nhà. Anh phải vận hết ý chí mới nói được câu: “Em phải về. Mà phải về một mình chứ anh không thể nào nhờ ai đưa em về dùm”. Cô vẫn khóc: “Thôi để em về. Em đã vô được tới đây và được ôm anh là đủ rồi”. Anh đưa cô ra thang máy, bấm số. Nhìn theo cô liêu xiêu bước ra cổng mà lòng anh tan nát.Thao thức tới sáng. Ra trực, vừa giao ban xong anh lấy xe gắn máy đi tìm cô khắp nơi, tới con đường, số nhà cô cho nhưng không đúng. Không biết cô đi đâu. Mà cô không còn yêu chồng nữa thì về đâu?

Cứ mỗi xuân về, anh lại chạnh nhớ về một hạnh phúc trong tiếc nuối mãi mãi. Anh bảo đó là ân sủng của cuộc đời. Rất cảm ơn cuộc đời này đã cho anh cả niềm vui lẫn nhọc nhằn, cho anh một vốn sống vô tận và cả những điều kỳ diệu mà không một ai hiểu hết được vì sao điều kỳ diệu ấy xảy ra. Anh nghiệm ra rằng:

Hãy sống tốt với cuộc đời đi. Hãy trao tặng với trái tim nồng hậu thì cuộc đời sẽ không bao giờ quên anh.

KIM SƠN

 


Ý kiến của bạn