Hà Nội

Xanh áo lính - Ngời áo trắng biên cương

26-03-2018 09:27 | Xã hội
google news

SKĐS - Suốt 59 năm qua, các thế hệ cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã luôn “3 bám, 4 cùng” với đồng bào dân tộc trên biên giới để cùng cấp ủy, chính quyền địa phương mang lại cho nhân dân cuộc sống mới.

Trên dọc dài biên giới hôm nay, chúng tôi đã đi và gặp những người cán bộ quân y cả một đời gắn bện với biên cương bằng y đức của người thầy thuốc và trách nhiệm của người chiến sĩ biên phòng. Màu xanh áo lính giữ gìn sự bình yên cho đất đai Tổ quốc, màu trắng áo blouse mang lại sức khỏe cho nhân dân của các anh đã tạo nên những ngọn hải đăng trên biên giới, thắp sáng không kể ngày đêm, lặng lẽ vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc vùng biên.

Người bác sĩ ở ngã ba biên giới

Nhắc đến Trung tá, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng - Bệnh xá trưởng Bệnh xá Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kon Tum, đồng đội và đồng bào Ba-na các buôn làng xung quanh bệnh xá, như: Kon Rơ-bàng, Plei Đon, Plei Tơ-ngia thường bảo đó là người “3 trong 1”! Ấy là bởi trong suốt đời binh nghiệp và theo nghề chữa bệnh cứu người, anh đã cùng lúc thực hiện đủ 3 chức năng của quân đội, công an và ngoại giao là: Sẵn sàng chiến đấu; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng tình đoàn kết hữu nghị với hai nước láng giềng. Và mỗi khi về thăm khám cho người dân, dù là bà con người Việt, người Lào, người Campuchia hay là cả những phần tử “xã hội”, bác sĩ Dũng đều thăm khám, hướng dẫn, điều trị bệnh cho bà con tận tình như người nhà.

Năm 1993, anh về công tác tại Đồn Biên phòng Bờ Y heo hút nơi ngã ba biên giới. Vừa chăm sóc sức khỏe cho đồng đội, anh về các buôn làng bà con Bờ-râu, Hà-lăng, Kà-dong, Mường... bên phía Việt Nam và các bon, sóc của hai tỉnh Atapư (Lào) và Ratanakiri (Campuchia) để hướng dẫn ăn uống sinh hoạt hợp vệ sinh và chăm sóc y tế mỗi khi có người đau ốm. Ngày ấy sốt rét, dịch bệnh hoành hành, nhưng anh không nản chí, cứ đi lại như con thoi từ đồn xuống bản để cứu chữa cho mọi người qua phút giây hiểm nghèo. Tới năm 2007, sau khi tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa I của Học viện Quân y, anh về công tác tại Bệnh xá Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Bác sĩ Dũng quan niệm: “Làm thầy thuốc phải luôn chữa bệnh bằng hai loại thuốc: thuốc bệnh và thuốc... tình! Khi bệnh nhân đến viện, nếu được bác sĩ ân cần, cởi mở, quan tâm là họ đã bớt đi một phần lo lắng, từ đó cảm thấy sức khỏe cũng đỡ hơn”. Vốn kiến thức Đông y đã học được anh kết hợp nhuần nhuyễn với những ứng dụng khoa học mới của Tây y. Đồng thời anh cũng tranh thủ kinh nghiệm dân gian của đồng bào, của các thầy cô giáo và các bác sĩ lâu năm để tìm ra phác đồ điều trị hiệu quả với thực trạng khí hậu, môi trường của địa phương. Nhiều trường hợp bộ đội và bà con bị sốt rét ác tính tưởng không giữ được mạng sống đã “cải tử hoàn sinh” nhờ tài năng và sự tận tụy của bác sĩ Dũng.

Tín nhiệm tay nghề của người bác sĩ Việt Nam, Thiếu tướng Khăm Xúc, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Ratakiri, Campuchia đã đưa phu nhân sang nhờ bác sĩ Dũng chữa trị căn bệnh hen phế quản mạn tính mấy mươi năm chạy chữa gần như khắp vương quốc vẫn không khỏi. Sau lần chữa trị thành công cho phu nhân Tỉnh đội trưởng, cán bộ quân đội, công an và nhân dân tỉnh Ratanakiri bảo nhau sang gặp bác sĩ biên phòng Việt Nam để chữa bệnh ngày càng nhiều. Rồi cán bộ và nhân dân ở vùng biên thuộc tỉnh Atôpư, Lào sang xin được làm bệnh nhân của bác sĩ Dũng cũng đông không kém.

Đại úy, bác sĩ Nguyễn Việt Đức khám chữa bệnh cho bà con tại Trạm xá Quân dân y kết hợp bản Thoọng Pẹ.

Đại úy, bác sĩ Nguyễn Việt Đức khám chữa bệnh cho bà con tại Trạm xá Quân dân y kết hợp bản Thoọng Pẹ.

Thầy thuốc của dân nghèo

18 năm qua, trên tuyến biên giới Đồng Tháp, dù là nửa đêm gà gáy hay mưa giông, lốc tố, bà con người Việt Nam và người Campuchia hễ nghe trong người không được khỏe là sẽ tìm đến Phòng khám Quân dân y Dinh Bà, Phòng khám Quân dân y Thường Phước của BĐBP Đồng Tháp. Bởi ở đó, có một bác sĩ quân y còn rất trẻ nhưng chưa bao giờ lơi là trách nhiệm, lúc nào cũng đầy nhiệt tình, chia sẻ nỗi đau ốm, bệnh tật với bệnh nhân. Y sĩ Hoàng Văn Dũng, Thượng úy Dũng, cán bộ Dũng... người chiến sĩ biên phòng mang hai màu áo ấy đã thực sự là người thân của bao bà con nghèo nơi đây.

Từ năm 2000, khi Phòng khám Quân dân y kết hợp Dinh Bà do BĐBP Đồng Tháp phối hợp với Sở Y tế tỉnh thành lập, Thượng úy Hoàng Văn Dũng đã về phụ trách phòng khám với nhiệm vụ chăm sóc, khám chữa bệnh cho nhân dân khu vực biên giới Việt Nam và Campuchia. Lúc ấy dù biên chế chỉ có vài người, nhưng phòng khám luôn đón từ 200-250 lượt người bệnh/tuần trong đó hơn nửa là nhân dân Campuchia sinh sống ở xã Bon-tia Chắc-crây giáp ranh biên giới Việt Nam. Áp lực công việc nhiều, điều kiện trang thiết bị y tế, thuốc men còn hạn chế song các anh đã luôn nỗ lực để thăm khám kỹ lưỡng, tư vấn tận tình cho người dân để bà con có thể mau chóng hồi phục sức khỏe.

Đặc biệt, sự đôn hậu, bao dung luôn thường trực trong tấm lòng người lính, người thầy thuốc trẻ. Đối với bệnh nhân neo đơn, nghèo khó không có người thân hoặc không có phương tiện để đến khám tại phòng khám..., anh Dũng trực tiếp đến tận nhà điều trị, bỏ tiền túi mua thuốc phát cho bệnh nhân, tặng thuốc bổ, đồ ăn dinh dưỡng để họ chóng hồi phục và đôi khi còn ở lại giúp họ thu dọn nhà cửa cho vệ sinh để tránh tái phát bệnh. Thậm chí, để điều trị bệnh cho người dân Campuchia, anh Dũng còn tranh thủ thời gian rảnh học tiếng Khơme để tiện trao đổi, hướng dẫn bà con sử dụng thuốc. Anh bảo: “Ở biên giới Đồng Tháp, nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân rất cao, trong đó 2/3 là người Campuchia chủ yếu mắc các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp. Thời gian khám chữa bệnh của bà con cũng rất đặc biệt thường là vào sáng sớm, buổi trưa và chiều tối nên cả phòng khám phải điều chỉnh lịch làm việc “theo” bệnh nhân”.

Năm 2014, anh chuyển công tác về Phòng khám Quân dân y Thường Phước. Đồng bào nghèo hai bên biên giới nơi đây nghe tiếng bác sĩ biên phòng lại tìm đến khám bệnh rất đông. Nhiều lần, vì phải ở lại chữa bệnh cho bà con dưới thôn ấp, anh từ chối lời mời đi chữa bệnh cho những người khá giả trên thành phố bởi anh bảo, bà con nghèo nơi đây cần mình hơn, chứ người có điều kiện thì họ có thể mời người khác. Đã có hàng trăm trường hợp khẩn cấp được y sĩ Dũng cấp cứu thành công, giữ lại mạng sống cho họ giữa cơn nguy biến. Và cũng không đo đếm được bao nhiêu bệnh nhân người Việt Nam, người Campuchia đã mang nặng ân tình đối với người thầy thuốc quân hàm xanh Hoàng Văn Dũng.

Ngoài việc khám chữa bệnh, anh Dũng và đồng nghiệp còn gián tiếp làm nhiệm vụ tuyên truyền vận động quần chúng. thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương, Luật Biên giới quốc gia...; xây dựng đời sống văn hóa mới, phát triển tình đoàn kết hữu nghị với nhân dân Campuchia. Anh vinh dự được Bộ Quốc phòng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp tặng bằng khen, được cử đi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 8 và được bầu chọn là điển hình tiên tiến thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh”.

Lặng lẽ giữa đồi Thoong Pẹ

Ông Vừ A Choóng, người dân bản Thoọng Pẹ, huyện Căm Cớt, tỉnh Boollykhamsay, Lào vẫn còn nhớ như in cái ngày cách đây vừa tròn 10 năm, những cán bộ quân y của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo lặn lội đến nhà ông để vận động gia đình đồng ý cho các anh khám bệnh cho cô con dâu đang ốm liệt giường dù đã được ông Choóng cúng đuổi ma nhiều lần. Sau khi được ông đồng ý, các anh thay nhau đến nhà châm cứu cho người bệnh hàng ngày. Chưa đầy một tháng, cô con dâu thầy mo có thể đứng lên tự đi lại, sang tháng thứ hai đã có thể lên nương. Vậy là trước mặt dân bản, thầy mo Choóng tuyên bố là ốm đau không phải do con ma hành, mà là do không biết dùng thuốc, không biết phòng chống dịch bệnh.

Trò chuyện với chúng tôi, Đại úy, bác sĩ Nguyễn Việt Đức, Trạm trưởng Trạm Y tế Thoọng Pẹ cho biết, sau lần “đánh cược” với thầy mo đó, BĐBP Hà Tĩnh đã xin ý kiến Bộ Tư lệnh BĐBP để xây một trạm xá quân dân y kết hợp trên bản biên giới của nước bạn vào năm 2008. Các cán bộ sang nhận nhiệm vụ ở nơi đây đều có một bản thành tích khá ấn tượng với khoảng thời gian gần 10 năm cùng sống với đồng bào dân tộc Chứt để bảo tồn dân tộc này tại Đồn Biên phòng bản Giàng nên cũng có ít nhiều kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng, hiểu rõ phong tục, tập quán của các dân tộc nên việc khám chữa bệnh cũng có nhiều thuận lợi. Bây giờ, lưng vốn ngoại ngữ (tiếng Lào) và nội ngữ (tiếng Mông, tiếng Chứt, tiếng Thái đen, Thái đỏ...) của các anh cũng rất khá, đủ để trò chuyện và khám chữa bệnh cho các đối tượng bệnh nhân đến từ các bộ tộc Lào anh em.

Hơn 10 năm làm nhiệm vụ trên đất bạn, với chiếc xe Win cà tàng, những thầy thuốc mang quân hàm xanh này đã chạy từ bản Thoọng Pẹ sang bản Na Pê, bản Na Hương, Na Hạt, Na Liêng, Noọng Ó... như con thoi, hết lòng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các bộ tộc Lào đang sinh sống trên vùng biên giới Căm Cớt. Bà con các bản bảo nhau: “Những cái gì bản ta làm được thì mang biếu bộ đội Việt Nam ăn. Bản ta có thể đói nhưng không thể để bộ đội Việt Nam đói. Bộ đội Việt Nam đừng bỏ dân ta mà về Việt Nam, tội nghiệp!”. Nghe những lời nói ấy, những quân y như y sĩ Hùng, y sĩ Phương, bác sĩ Sơn, bác sĩ Đức... nén lại sự cảm động mà xăm xắn vào việc, hô hào bà con làm vệ sinh làng bản, xuống từng hộ gia đình kiểm tra điều kiện vệ sinh, nơi ăn chốn ở, khám bệnh thường kỳ cho nhân dân...

Còn nhiều lắm các cán bộ biên phòng mang hai màu áo đã và đang cống hiến vì một biên giới bình yên và no ấm như những thầy thuốc quân y trong câu chuyện nhỏ này. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng sự ủng hộ của thủ trưởng cấp trên, chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc trên biên giới đã luôn làm ấm lòng người chiến sĩ đang thực hiện sứ mệnh “lương y như từ mẫu”. Các anh được đồng bào yêu thương, tin tưởng, coi là người “con của bản”, là nơi bà con gửi gắm sinh mạng của mình giữa cơn hiểm yếu. Vất vả nơi xa xôi, khó khổ, nhưng ai cũng sáng nụ cười, ánh mắt khi nói rằng mình tình nguyện gắn bó với biên giới dài lâu. Thế mới biết, mồ hôi nước mắt đổ xuống đất, niềm vui, nỗi buồn chia cùng người thì đất ấy, người ấy đã trở thành máu thịt của mình rồi.


Bài và ảnh: Phạm Vân Anh
Ý kiến của bạn