Chị Thu Hà (quận Hà Đông) cho biết, việc kết hợp đi tàu Cát Linh - Hà Đông và đi xe đạp tiết kiệm được rất nhiều chi phí: "Nhà tôi cách cơ quan khoảng 20km, nếu chỉ đi từ nhà đến chỗ làm, mỗi tháng tôi cũng mất khoảng 500.000 đồng tiền xăng, nhưng nếu đi tàu điện thì chỉ mất 200.000 đồng, tôi giảm được 300.000 đồng chi phí đi lại".
Cũng giống như chị Hà, anh Vũ Khiêu (ở quận Hà Đông, làm lập trình viên tại một công ty tại quận Thanh Xuân) cũng đã chuyển từ xe máy sang đi tàu điện kết hợp với xe đạp.
"Hiện nay tôi không quan tâm đến giá xăng nữa, bởi tôi đã chuyển sang sử dụng xe đạp kết hợp với tàu điện công cộng, vừa tiết kiệm tiền vừa bảo vệ môi trường. Số tiền tiết kiệm được từ việc thay đổi thói quen đi lại, thỉnh thoảng tôi mời bạn bè đi cà phê và những việc ý nghĩa", anh Khiêu chia sẻ.
Là một người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, anh Hà Minh Tú (quận Đống Đa) trước đây thường xuyên dùng ô tô để đi làm, dạo gần đây khi vật giá leo thang, anh Tú đã để ô tô ở nhà và chọn di chuyển đến công ty bằng tàu điện.
"Nếu bây giờ vẫn đi làm bằng ô tô, mỗi tháng cũng phải đổ 5 triệu tiền xăng, hiện giờ tôi đi tàu điện mua vé quý chỉ hết 420.000 đồng/3 tháng, tiết kiệm được rất nhiều", anh Tú cho hay.
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, giá xăng "lập đỉnh" được xem là một trong những nguyên nhân tăng hành khách trong thời điểm này.
Về việc mang xe đạp gấp lên tàu điện, theo ông Trường, đơn vị đã có quy chế theo thông tư của Bộ Giao thông Vận tải về kích thước, trọng lượng hành lý được phép đưa lên tàu. Theo đó, những chiếc xe đạp gấp có kích thước nhỏ gọn nằm trong danh mục được phép. "Tuy nhiên, nếu người dân không gấp xe, mà để cồng kềnh, thì chúng tôi không khuyến khích", ông Trường nói.
Không chỉ tàu Cát Linh - Hà Đông những ngày này lượng khách tăng lên, theo ghi nhận của PV Infonet, hành khách đi xe buýt cũng đã tăng đáng kể.