Theo Tổng cục thống kê, giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2022 tăng 1% so với tháng trước; tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,2% so với tháng 12/2021.
Bình quân 2 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,67%.
Sản xuất nông nghiệp tháng 02/2022 diễn ra trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại ở các địa phương phía Bắc đã gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi. Chăn nuôi gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng và nguy cơ tái bùng phát dịch tả lợn châu Phi.
Sản xuất lâm nghiệp tập trung thực hiện phong trào Tết trồng cây, trồng rừng vụ Xuân; chăm sóc và bảo vệ rừng, chống cháy rừng trong mùa khô ở khu vực phía Nam. Nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, giá cá tra đang ở mức cao do nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh sau dịp Tết Nguyên đán trong khi nguồn cung nguyên liệu phục vụ xuất khẩu khan hiếm; tôm nuôi trồng phát triển ổn định và ít dịch bệnh.
Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 02/2022 tăng 1,85% so với tháng trước; tăng 2,95% so với tháng 12/2021; tăng 1,53% so với cùng kỳ năm trước và bình quân 2 tháng đầu năm 2022 tăng 0,72%.
Đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới khá ổn định. Trong nước, do nguồn cung đảm bảo, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 02/2022 giảm 0,28% so với tháng trước; giảm 0,59% so với tháng 12/2021; giảm 0,84% so với cùng kỳ năm trước và bình quân 2 tháng đầu năm 2022 giảm 0,79%.
Video đang được quan tâm
Màu áo tôi yêu