Cục Hải quan Cần Thơ vừa phản ánh, nhiều DN xăng dầu đang đề nghị chi cục hải quan cửa khẩu cảng Cần Thơ cho phép nộp thuế từng phần nhưng các Thông tư, Nghị định và luật sửa đổi Luật Quản lý thuế lại chưa có quy định này.
“Số tiền thuế mà DN nộp cho lô hàng nhập khẩu là rất lớn. Trong điều kiện nền kinh tế đang khó khăn, DN tập trung một lần nguồn lực tài chính để được thông quan toàn bộ lô hàng cũng sẽ gặp nhiều bất lợi”, hải quan Cần Thơ bày tỏ.
Trên thực tế, áp lực lo tiền nộp thuế ngay lập tức còn chưa lớn bằng nguy cơ, DN sẽ luôn bị phạt tiền nếu hàng hóa về cảng đúng ngày nghỉ lễ, hoặc do chính đặc thù của nhập khẩu xăng dầu.
Phản ánh điều này tới Bộ Tài chính, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, khi khai báo hải quan, lô hàng nhập khẩu xăng dầu thường chưa có đơn giá chính thức.
Đến tận ngày tàu cập cảng, vẫn chưa đủ các yếu tố để xác định giá mua bán chính thức theo hợp đồng, vì thời gian hay số ngày để tính giá lớn hơn là thời gian hành trình tàu xếp hàng từ cảng nước ngoài về cảng Việt Nam.
Do đó, doanh nghiệp cũng chưa có đủ dữ liệu để tính giá trị thuế xăng dầu phải nộp chính xác, nộp đủ nộp đúng.
Theo thông lệ quốc tế, giá mua bán xăng dầu theo “giá nổi” trong khu vực và trên thế giới, tức là giá bình quân giao dịch trên thị trường dầu trong một khoảng thời gian nhất định.
Để khắc phục tình trạng này, Petrolimex cho biết nhiều chi cục hải quan địa phương đã cho phép các DN kê khai, nộp thuế theo trị giá thuế tạm tính. Khi có hóa đơn, trị giá chính thức từ người bán, thường là trong vòng 30 ngày kể từ ngày mở tờ khai thì hải quan sẽ xác định lại chính thức số thuế phải nộp cho doanh nghiệp.
Petrolimex cho rằng đây là cách giải quyết phù hợp với thực tiễn nhập khẩu xăng dầu và thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn đến nguy cơ, các DN sẽ bị phạt chậm nộp thuế, nếu như số thuế tính lại lớn hơn so với số thuế tạm tính đã nộp ban đầu.
Kết quả là, DN không thể nộp thuế, các lô xăng dầu cũng không thể thông quan, DN không cung ứng hàng kịp thời để bình ổn thị trường, nhất là khi nhu cầu thường tăng cao trong dịp lễ, Tết. Chưa kể, DN còn phát sinh chi phí phạt chậm dỡ hàng, đọng vốn.
Do đó, Tập đoàn này kiến nghị cho phép doanh nghiệp tạm kê khai, tạm nộp thuế cho lô hàng trước kỳ nghỉ Tết dựa trên số lượng nhập khẩu và đơn giá tự khai báo ở hợp đồng. Khi có đủ khối lượng, trị giá chính thức thì hải quan xác định lại thuế phải nộp.
Hoặc giải pháp thứ 2 là, hải quan cho phép DN xăng dầu được nợ thuế và vẫn được thông quan trong dịp nghỉ lễ, Tết. Ngày làm việc đầu tiên sau các kỳ nghỉ lễ, Tết, doanh nghiệp và hải quan sẽ tính toán lại số thuế phải nộp. Các trường hợp này cũng sẽ không phạt doanh nghiệp vì chậm nộp thuế, chậm dỡ hàng.
Hiện nay, các quy định của Luật sửa đổi bổ sung Luật Quản lý thuế vẫn đang được Tổng cục hải quan chỉ đạo thực hiện nghiêm, chưa có sự linh động đặc biệt nào.
Chẳng hạn như đối với đề nghị của Hải quan Cần Thơ, Tổng cục Hải quan mới đây đã bác đề xuất xin nộp thuế dần dần cho doanh nghiệp.